Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quy định pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức với công tác phòng, chống tham nhũng
Ngày cập nhật 14/12/2021
nguồn Iternet

     Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu”. Để đạt được nhưng thành quả đó không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các văn bản liên quan đến Phòng, chống tham nhũng. Trong bài viết này, tác giải xin giới thiệu một số quy định pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức với công tác phòng, chống tham nhũng.

     Tham nhũng là một hiện tượng xấu của xã hội, nó gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước, làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí làm mục rỗng bộ máy Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của đất nước, của chế độ.

     Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 xác định “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng chính là người có chức vụ, quyền hạn, theo đó Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 5 nhóm người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó; Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), chủ thể của các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước, cụ thể: Tội đưa hối lộ (Điều 364), Tội môi giới hối lộ (Điều 365) hoặc là người không có chức vụ quyền hạn như Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 366) cũng là tội trong nhóm các tội tham nhũng.

     Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã cho thấy một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào tệ quan liêu, tham nhũng, gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trước những nguy cơ tiềm tàng đó Đảng, Nhà nước ta khẳng định tham nhũng là: “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng tăng cường sự lãnh đạo, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đưa ra các giải pháp để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu”.

     Việc tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức với công tác phòng, chống tham nhũng để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với công tác phòng, chống tham nhũng là một giải pháp không thể tách rời trong tổng thể các giải pháp nhằm phòng ngừa, đẩy lùi, chiến thắng tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay .

     Sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác phòng, chống tham nhũng

     Ở Việt Nam vào bất cứ thời kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng có những tấm gương tiêu biểu trong đóng góp công sức, tiền của cho kháng chiến và cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tổ quốc.Trong thời kỳ kháng chiến tiêu biểu có gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô (Hà Nội) đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ; Vua Mèo Vương Chí Xình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng; Nam Phương Hoàng Hậu (Vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng; Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm... Ngày nay gắn với công cuộc xây dựng điện đường, trường trạm, xây dựng nông thôn mới, hàng trăm nghìn heta đất được hiến tặng, hàng triệu ngày công, tiền của được người dân đóng góp cho Nhà nước để cùng Nhà nước xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, phồn vinh.

     Bên cạnh những tấm gương tiêu biểu đóng góp công sức, tiền của, lao động không biết mệt mõi để xây dựng đất nước thì một bộ phận người có chức, có quyền rút ruột ngân khố, lấy của công để phục vụ cho cá nhân, gia đình và người thân của họ, vấn nạn đó được gọi là nạn tham nhũng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi tham nhũng là “giặc nội xâm”, là “quốc nạn”, khi phát hiện các vụ việc tham nhũng Bác cũng nghiêm trị không bao che, một vụ việc điển hình đó là xét xử Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ, vào ngày 5/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc, kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Bản án đã được báo cáo lên Hồ Chủ tịch, sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không dung thứ cho tội tham nhũng.

     Ngay từ những ngày đầu xây dựng chế độ mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm nhiều tới công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, trong nhiều thập niên, tệ tham nhũng chưa trở thành mối lo của xã hội ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tham nhũng đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn của Quốc hội, tại các kỳ đại hội Đảng các cấp, nhiều người đã chỉ rõ sự phổ biến của tệ tham nhũng. Những số liệu đáng báo động về tham nhũng đã được chỉ ra “từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong dó có 27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”, những vụ án tham nhũng lớn được phanh phui và đưa ra xét xử: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land; Vụ án Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”,“Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - Ocean Bank; Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á - DAB; Vụ Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Trọng Tuấn- Phó chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vụ Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng bộ Công Thương để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu "đất vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) xảy ra tại tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco),…

(Nguồn: https://baotintuc.vn/)     

     Từ những số liệu trên có thể thấy hai mặt của một vấn đề:

     Thứ nhất, tình trạng tham nhũng đang diễn ra ngày càng phổ biến, tập trung vào một số người có chức vụ, quyền hạn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kèm theo đó là cơ chế kiểm soát quyền lực chưa cao, việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức và vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị còn có những hạn chế vì vậy những người có chức vụ, đặc biệt những người  giữ chức vụ cao càng có nguy cơ tham nhũng, số tiền tham nhũng có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, để lại những hậu quả khôn lường cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại 1 địa phương hoặc ngành, lĩnh vực, làm giảm sút uy tính của đất nước trên trường quốc tế, kéo giảm các luồng đầu tư của nước ngoài vào nước ta.

     Thứ hai, những con số về số vụ đại án được phanh phui, xét xử, những cán bộ cấp cao phải cúi đầu nhận tội trước vành móng ngựa đã cho thấy ý chí, quyết tâm chống tham nhũng, “chống giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước ta, việc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta không có vùng cấm, những cá nhân đã nhúng chàm không thể hạ cánh an toàn như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… cá nhân nào có muốn không làm cũng không thể được”.

     Việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác phòng, chống tham nhũng trở thành một yêu cầu cấp bách, tiên quyết trong giai đoạn hiện nay; cán bộ, công chức, viên chức cần được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng để tự giác phòng tránh; mỗi một cán bộ, công chức, viên chức là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, cần có ý thức, trách nhiệm cao trong phòng ngừa tham nhũng và cần có kỹ năng để nhận biết các hành vi tham nhũng, kịp thời phát hiện, tố giác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra, góp phần vào việc giữ ổn định cơ quan, tổ chức, địa phương và phát triển đất nước bền vững.

Còn tiếp.....!

Minh Anh
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.266.976
Truy câp hiện tại 15.301