Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh động vật thủy sản xảy ra bắt đầu từ tháng 02/2020, trong đó chủ yếu là bệnh đốm trắng và môi trường, xảy ra tại địa bàn các xã thuộc 04 huyện, thị xã: Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà. Riêng huyện Quảng Điền, tình hình dịch bệnh tôm xảy ra và diễn biến phức tạp hơn so với những năm trở lại đây, tính đến ngày 01/6/2020, toàn huyện đã có 100,89 ha/175 hộ tôm bị bệnh môi trường và bệnh đốm trắng; trong đó, có 43,72 ha/76 hộ tôm bị bệnh đốm trắng (cao hơn 31,67 ha/53 hộ so với cùng kỳ năm 2019); đặc biệt, sau trận mưa lớn và rét cuối tháng 4/2020, tôm cá chết do sốc môi trường là chủ yếu. Hiện nay, thời tiết nắng mưa thất thường, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra là rất lớn.
Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và môi trường gây ra, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4262/UBND-NN ngày 22/5/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, UBND huyện đa ban hành Công văn số 903/UBND ngày 02/7/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn ven phá phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khuyến cáo người nuôi thực hiện một số nội dung công việc, cụ thể như sau:
1. Đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh
- Lựa chọn các loại giống có nguồn gốc rõ ràng, đối với tôm phải được kiểm dịch và bảo đảm chất lượng tốt; tốt nhất nên ương dưỡng giống trước khi thả nuôi, chỉ thả giống khi nhiệt độ dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát), thả với mật độ vừa phải, thích hợp với năng lực đầu tư của cơ sở.
- Cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi, giảm 15-30% thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng. Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng. Sử dụng các loại chế phẩm định kỳ để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên môn.
- Thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp theo quy định và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3-1,5m, nếu cần bổ sung nước thì phải lấy nước vào thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc, cấp vào ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Sử dụng quạt nước hoặc sục khí vào thời điểm thích hợp.
- Quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo, nhất là trong thời gian nắng nóng. Khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo; lưu ý, trong thời gian diệt tảo nên giảm 30-50% lượng thức ăn, đồng thời tăng cường quạt khí để hóa chất bay hơi, sau đó bón chế phẩm vi sinh để phục hồi hệ vi khuẩn trong ao. Đối với những ao nuôi có nguồn nước sạch, độ mặn ổn định (12-15%) thì có thể thay nước ao 20-30% để giảm mật độ tảo và ngăn sự phát triển của tảo trong ao.
- Duy trì ổn định độ pH trong giới hạn cho phép (7,5-8,2) bằng vôi bột (CaCO3), vôi Dolomite đúng liều lượng và đúng thời điểm trong ngày. Nên định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất dơ bẩn từ trên bờ ao xuống, đặc biệt trước các ngày có mưa dông. Nâng cao độ sâu mực nước ao để giảm biến động nhiệt độ nước, sau mưa có thể tháo bớt tầng nước mặt tránh vật nuôi bị sốc do thay đổi pH đột ngột.
2. Đối với nuôi quảng canh cải tiến
- Tập trung gia cố bờ ao để tăng khả năng giữ nước.
- Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao nuôi, đảm bảo mực nước từ 1,2 m trở lên; quản lý lượng thức ăn hợp lý, bổ sung thêm vitamin C, khoáng để tăng sức đề kháng cho các loại vật nuôi.
- Thực hiện các biện pháp sục khí, đặc biệt là vào lúc sáng sớm để tăng cường lượng oxy trong ao nuôi.
- Tiến hành thu tỉa khi tôm, cua, cá đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ trong ao.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, khi tôm nuôi có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cơ quan chức năng địa phương (Cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản xã, thú y viên, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) để xử lý kịp thời và hiệu quả.