Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời thành phố Huế đã được xác định là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước thì việc chúng ta quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương gắn với phát triển dịch vụ du lịch là một hướng đi thiết thực và có tính khả thi. Để làm được điều này thì cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất là việc nghiên cứu và phát triển các lễ hội dân gian truyền thống. Phát huy truyền thống của vùng đất văn hóa, các lễ hội dân gian truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương cần được phục dựng và duy trì như: lễ hội cầu ngư của cư dân vùng đầm phá, ven biển như ở thôn An Xuân, xã Quảng An hay thôn An Lộc xã Quảng Công, thôn Tân Mỹ xã Quảng Ngạn; các lễ tế thu, tế thành hoàng của các làng văn hóa; Đặc biệt cần khôi phục và duy trì lễ tế Bà Tơ ở làng Bác Vọng, xã Quảng Phú mà địa phương vừa phục dựng thành công tại lễ hội Sóng nước Tam Giang năm 2012 - Bà Tơ là nhân vật gắn liền với lịch sử mở cõi của Chúa Nguyễn ở vùng đầm phá Tam Giang đã được phong thần và có tầm ảnh hưởng bao trùm trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của cư dân đầm phá, sông nước vùng Bác Vọng, Hà Đồ, Hà Lạc nói riêng và của cư dân Quảng Điền nói chung. Lễ tế Bà Tơ được phục dựng sẽ trở thành một phần nội dung quan trọng trong lễ hội “sóng nước Tam Giang” khi lãnh đạo các cấp đồng ý đưa vào hoạt động của Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần. Bên cạnh đó các loại hình văn hóa dân gian như: hò bả trạo, múa bông, múa Náp, điệu trống Thái Bình... cần được sưu tầm và phục dựng lại. Các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian đã được phục dựng trong thời gian qua như: vật truyền thống làng Thủ Lễ vào ngày mồng 6 Tết, đua ghe, đu tiên, chọi gà và các trò chơi dân gian mang đặc trưng của cư dân đầm phá cần phải được khuyến khích để phát triển...
Thứ hai là tiếp tục quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các đình, chùa, các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng như Khu lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh, địa điểm tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy tại Nam Dương, di tích Miếu- Mộ Đặng Hữu Phổ, chùa Thành Trung nằm trong quần thể di tích thành cổ Hóa Châu, Chùa Thiện Khánh gắn với phủ Bác Vọng, Miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật gắn với phủ Phước Yên; Đình Thủ Lễ gắn với Hội Vật truyền thống hàng năm,.... Sớm tiến hành trùng tu lại ngôi Miếu Bà Tơ ở làng Bác Vọng theo đúng nguyên trạng ban đầu kết hợp lập hồ sơ để đề nghị xếp hạng đối với di tích Miếu bà Tơ ở làng Bác Vọng, xã Quảng Phú. Các di tích như thành Hóa Châu, Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng cần được tiếp tục khai quật khảo cổ để có cơ sở lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích, trên cơ sở đó lựa chọn địa điểm để xây dựng nhà trưng bày đối với các di tích trên nhằm phục vụ khách du lịch khi đến tham quan.
Thứ ba là chú trọng phát triển các làng nghề thủ công truyền thống. Ngoài những thế mạnh như cảnh quan thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc thì phát triển làng nghề truyền thống cũng là hình thức góp phần vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chúng ta đã có những làng nghề thành danh như Bao La- một trong 7 làng nghề được vinh danh toàn quốc và mới đây đã có 2 nghệ nhân của làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, 6 sản phẩm của làng nghề được công nhận là "sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu" của khu vực miền Trung. Các làng nghề như làng rau Thành Trung, nghề nón Vân Căn, Bún Ô Sa, làng hoa cây kiểng La Vân Hạ, rau má Phước Yên. Các nghề sản xuất những sản phẩm phục vụ ẩm thực đặc trưng như: tôm chấy, chả da, gạo đỏ, gạo thơm, xôi đường Phước Yên, bánh ướt thịt heo Phú Lễ, nưa Quảng Thọ, rượu Lai Hà, rượu An Thành; các món ăn, đặc sản của vùng đầm phá Tam Giang... cũng cần được quan tâm. Phát triển du lịch làng nghề sẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn nghề truyền thống và từng bước giảm nghèo tại nông thôn. Nghiên cứu để xây dựng một làng nghề nông nghiệp sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với những cây trồng và vật nuôi mang tính bản địa. Đây chính là hình ảnh của làng quê xứ Sịa ngày xưa và sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Thứ tư là tiếp tục khai thác yếu tố sông nước của cộng đồng cư dân sống ven phá của Quảng Điền để hình thành sản phẩm du lịch như đã từng thực hiện ở làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi bởi vì cư dân lao động của Quảng Điền về cơ bản mang đặc trưng của đời sống nông- ngư nghiệp. Đặc điểm này đem lại một đời sống lao động phong phú vừa có nét chung, vừa có nét riêng, chính vì vậy cần khai thác yếu tố nầy để tiếp tục sưu tầm và từng bước xây dựng, tái hiện lịch sử của quê hương, cuộc sống lao động của cư dân ngư nghiệp đầm phá và cư dân nông nghiệp. Nếu được thực hiện thành công thì đây là sản phẩm du lịch không kém phần hấp dẫn đối với du khách...
Có thể khẳng định: Bảo tồn và phát huy một số giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương là cách giải quyết có hiệu quả mối quan hệ, sự gắn bó giữa kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị văn hóa của địa phương mới chỉ là tiền đề, yếu tố giúp cho dịch vụ du lịch phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế phải nhờ sự vào cuộc, sự đầu tư của nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp về cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ như: hạ tầng giao thông tạo sự liên kết giữa các tuyến điểm du lịch; đầu tư hệ thống các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nếu coi thế mạnh của du lịch Quảng Điền là phá Tam Giang gần bên bờ biển thì cùng với việc giải tỏa sắp xếp lại nò, sáo khai thác thủy sản theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá cần có thêm sự đầu tư quy hoạch và xây dựng khu vực tổ chức không gian lễ hội, dịch vụ tổng hợp phục vụ du lịch, khu vực nhà chồ, nhà nghỉ trên bờ phá và ven biển....v.v.
Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và nếu biết khai thác những tiềm năng, thế mạnh đó để gắn kết giữa bảo tồn với phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, tạo thêm những nguồn thu nhập chính đáng cho nhân dân địa phương là việc cần làm. Tuy nhiên để làm được điều này phải cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong và ngoài huyện; sự quan tâm tạo điều kiện về nhiều mặt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng cấp tỉnh trong việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch...có như vậy thì Quảng Điền mới từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa gần 700 năm hình thành và phát triển.
Phương Linh