Thời gian qua, NHCSXH huyện cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện đã ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) và các tổ viên; phối hợp với NHCSXH tổ chức thực hiện một số công việc liên quan đến quy trình cho vay, quản lý vốn vay, xử lý nợ, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền cùng cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình,... để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.
Hàng năm, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và phối họp với phòng giao dịch NHCSXH huyện kiểm tra, giám sát tại các đơn vị Hội cấp xã và Ban quản lý các Tổ TK&VV kiểm tra sử dụng vốn của hộ vay; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ủy thác và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ Hội làm công tác ủy thác và Ban quản lý các Tổ TK&VV. Tích cực trong việc chỉ đạo kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, tham dự họp giao ban với NHCSXH, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới đồng thời phối hợp cùng NHCSXH bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và cho vay vốn trên địa bàn các xã, thị trấn, xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác theo đúng Văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác đã ký kết với NHCSXH, quản lý và chỉ đạo các Tổ TK&VV bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng.
Ông Trương Hùng - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Điền cho biết, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Tính đến 15/5/2023 dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 400.489 triệu đồng, tăng 11.619 triệu đồng so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 99,78%/tổng dư nợ của Phòng giao dịch huyện với 245 Tổ TK&VV, 9.672 hộ vay vốn còn dư nợ, tỷ lệ tăng 19,40%. Từ nguồn vốn vay người dân đã xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó những kết quả đã đạt được, một số tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã hoạt động còn hạn chế, nhất là công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, theo dõi và đôn đốc khách hàng trong quá trình sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng, chưa phát hiện kịp thời các tồn tại, sai sót; chất lượng hoạt động của một số Tổ TK&VV còn chưa ổn định, tổ viên tham gia tiền gửi hàng tháng không đều...ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp Hội đoàn thể chất lượng hoạt động ủy thác. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo văn băn 10566/NHCS-KTNB ngày 29/12/2022 nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện uỷ thác, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Đồng thời nâng cao và phát huy tốt vai trò của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nội dung ủy thác đã ký kết; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; duy trì và phát huy đơn vị nhận ủy thác không có nợ quá hạn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân, tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho Hội cấp xã và Ban quản lý Tổ TK&VV. Trong đó, quan tâm đến công tác tập huấn về nghiệp vụ ghi chép, lưu giữ giấy tờ, sổ sách liên quan đến hoạt động thu, nộp lãi tiền vay, tiền gửi tiết kiệm của hộ vay theo hướng dẫn văn bản 3920/NHCS-TDNN ngày 10/5/2023. Chỉ đạo và giám sát Ban quản lý Tổ TK&VV trong việc bình xét đối tượng vay vốn; quản lý vốn vay; đôn đôc tổ viên đến Điểm giao dịch xã để trả nợ gốc; thực hiện thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm hằng tháng. Phối hợp với NHCSXH và chính quyền cơ sở xử lý các trường hợp nợ quá hạn, hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan kịp thời.