Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tăng cường công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cuối vụ Hè thu 2018
Ngày cập nhật 27/07/2018

        Vụ Hè Thu 2018, toàn huyện đưa vào gieo cấy 4.066,9 ha lúa. Hiện nay, diện tích đã trổ 130 ha, đạt 3,2% diện tích, diện tích còn lại đang làm đòng, dự kiến sẽ trổ đồng loạt trong tuần tới. Nhìn chung, toàn đồng lúa đang phát triển tốt. Qua báo cáo của Trạm Trồng trọt và BVTV, hiện nay tình hình dịch hại diễn biến khá phức tạp, nhất là nhện gié, sâu cuốn lá và bệnh khô vằn. Diện tích nhện gié gây hại 100 ha, trong đó có 60 ha có từ 30-60% số dãnh bị nhiễm, 40 ha có từ 15-30% số dãnh bị nhiễm, tập trung ở An Xuân, Đông Phước, Thống Nhất, Thắng Lợi và Nam Vinh; diện tích sâu cuốn lá gây hại 170 ha, mật độ 1-3 con/m2, giai đoạn tuổi 2 đến tuổi 4; diện tích rầy gây hại 30 ha, mật độ từ 500-750 con/m2; bệnh khô vằn bắt đầu phát sinh gây hại rải rác trên trà đầu ở các HTX.

          Theo dự báo của Trạm Trồng trọt và BVTV, tình hình thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho nhện gié, sâu cuốn lá và bệnh khô vằn, rầy tiếp tục phát sinh gây hại, có khả năng ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa ở cuối vụ.

       Để chủ động công tác chăm sóc, phòng trừ và ngăn ngừa kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây trồng cuối vụ Hè Thu 2018, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, góp phần đảm bảo cho sản xuất vụ Hè Thu thắng lợi, UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

      1. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến Nông lâm ngư

      - Huy động lực lượng cán bộ và phân công cụ thể địa bàn phụ trách, tăng cường bám sát đồng ruộng để phối hợp có dự tính, dự báo, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời và có hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng cho từng đối tượng sâu bệnh gây hại để việc phòng trừ đem lại hiệu quả cao nhất.

        Trong thời gian tới, bệnh khô vằn, lem lép hạt có khả năng gây hại trên diện rộng, nhất là các xã ở vùng cao như Quảng Vinh, Quảng Phú và Quảng Thọ,... cần tổ chức phun phòng trừ khô vằn khi bệnh chớm xuất hiện, phun phòng bệnh lem lép hạt vào các thời kỳ trước và sau khi lúa trổ. Tiếp tục theo dõi các đối tượng như sâu cuốn lá, rầy các loại để có hướng xử lý kịp thời, cần lưu ý đến mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng để tổ chức phun trừ nơi có mật độ cao bằng các loại thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate, Fipronil,...

       - Tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, bón thúc đòng cho các diện tích gieo muộn. Đặc biệt lưu ý đến các đối tượng gây hại chính như sâu đục thân, rầy các loại trên diện tích này.

      - Tập trung chỉ đạo công tác khử lẫn vào các thời kỳ trước, sau trổ trên các diện tích sản xuất giống tại các địa phương, chuẩn bị phương án tổ chức thu hoạch, đảm bảo thu hoạch tối đa lượng giống có chất lượng tốt để phục vụ cho vụ Đông Xuân 2018-2019.

       2. UBND các xã, thị trấn

      - Tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn chỉ đạo các HTX sản xuất nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tăng cường công tác theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại, chủ động thông tin và hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

      - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa đúng với quy trình kỹ thuật.

      3. Đài Truyền thanh huyện

      Phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổ chức đưa tin, thông báo tình hình diễn biến về thời tiết, sâu bệnh gây hại cây trồng; thông tin các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh; tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai thực hiện tốt các biện pháp đồng bộ nhằm giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển, đảm bảo năng suất cây trồng và chất lượng nông sản trong vụ Hè thu năm 2018.

Minh Quý

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.270.364
Truy câp hiện tại 431