Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Điền - thực trạng và giải pháp
Ngày cập nhật 22/12/2017

            Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Quảng Điền đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 13/7/2011 của Huyện ủy về xây dựng huyện nông thôn mới Quảng Điền giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Qua 7 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban ngành cấp tỉnh; sự chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, chương tình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực: các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và ban ngành, đoàn thể đã có nhận thức đúng về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; năng lực vận hành của đội ngũ cán bộ được nâng lên; việc tổ chức thực hiện Chương trình có hiệu quả hơn, nhất là sự phối hợp triển khai các dự án, tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thuận trong việc thực hiện chính sách giải tỏa, đền bù, tái định cư, chỉnh trang đường làng, cổng ngõ, nhà cửa,...

           Huyện đã tập trung huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 73% đường trục thôn và đường thôn, 67% đường ngõ xóm và trên 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; nhiều công trình thuỷ lợi quan trọng tiếp tục được đầu tư góp phần đưa diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động trên địa bàn huyện lên trên 90%; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất giáo dục nhằm tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (hiện nay, toàn huyện có 21 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 41,7%), đã có 9/10 xã trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã;... vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết đề ra.

          Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông – lâm - ngư theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng trong huyện; nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hàng năm được tăng lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 2%/năm. Sự nghiệp văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục và đào tạo được quan tâm chu đáo, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học được đầu tư; công tác phổ cập giáo dục các cấp học được duy trì và giữ vững; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên hàng năm. Công tác chăm lo sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức và có nhiều chuyển biến tích cực, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí… Đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, nhất là thực hiện cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển sâu rộng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao; đến nay, toàn huyện có 62 làng, tổ dân phố đạt chuẩn làng văn hóa, đạt 68,9%; 85 cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa, đạt 80,1%. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được hoàn thiện; chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ công chức các xã đã được nâng lên một cách rõ rệt, hiện nay đa số cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

          Đến nay, qua 07 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện có 01 xã (Quảng Phú) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã đạt 19 tiêu chí (Quảng Công) đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã đạt 17 tiêu chí (Quảng Vinh, Quảng Phước); 03 xã đạt 16 tiêu chí (Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng An); 03 xã đạt 15 tiêu chí (Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Ngạn). Phấn đấu đến năm 2020 tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới.

         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành còn thiếu thường xuyên nên Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có dấu hiệu chững lại, từ đó nảy sinh tử tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân; tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao. Một số cán bộ, Đảng viên còn tư tưởng không muốn trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới để hưởng chế độ bãi ngang nên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên rất khó huy động nguồn vốn từ dân, trong khi đó việc phân bổ nguồn vốn ngân sách từ Trung ương, tỉnh rất hạn chế nên một số tiêu chí cần nguồn lực khó thực hiện được.  Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Công tác chỉ đạo ở một số xã vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa thật sự sâu sát; hoạt động của Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã còn thiếu thường xuyên, thiếu kịp thời; các thành viên Ban chỉ đạo chưa thật sự quan tâm đôn đốc, chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện chương trình.

            Thực trạng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong những năm qua chưa đạt kết quả như Kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể kể đến điểm xuất phát nền kinh tế thấp dẫn đến việc tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo khá nhiều, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Trình độ dân trí những năm qua tuy có nâng lên nhưng một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật, cũng như việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong cây trồng, vật nuôi đã được tập huấn, chuyển giao nhưng một bộ phận người nghèo chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện thu nhập của người dân, và theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo được xác định là khó đạt nhất, cần tập trung tháo gỡ trong những năm đến.

          Bên cạnh các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, xây dựng cơ sở vật chất về giao thông, giáo dục… đạt chuẩn cũng là một trong những tiêu chí nan giải khi thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Vì nhu cầu nguồn kinh phí lớn nhưng sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế; trong khí đó ngân sách huyện cũng như công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ bản đối với huyện còn khó khăn. Nguyên nhân nói trên cũng chính là những khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình trong những năm đến.

           Từ thực trạng trên, để khắc phục những hạn chế, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

          Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phải coi việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc, có sơ kết, có uốn nắn, rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới.

       Thứ hai, tiếp tục tổ chức đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để cán bộ công chức, đảng viên và người dân hiểu rõ nội dung xây dựng nông thôn mới và chủ động tự giác tham gia. Trọng tâm của công tác tuyên truyền là giới thiệu những cách làm sáng tạo, những mô hình tốt để các xã vận dụng làm theo, nhằm động viên, khích lệ phong trào xây dựng nông thôn mới. Chú trọng hoạt động tuyên truyền ở cấp thôn, hộ gia đình. Tuyên truyền phân rõ trách nhiệm của nhà nước, từng đoàn thể chính trị - xã hội, hộ dân… trong tham gia tổ chức thực hiện từng nội dung, công việc cụ thể của mỗi tiêu chí nông thôn mới.

       Thứ ba, tăng cường và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào Chương trình; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp để thực hiện Chương trình bảo đảm mục tiêu và hiệu quả cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tham gia thực hiện Chương trình. Thực hiện theo trình tự tiêu chí “dễ làm trước khó làm sau; các tiêu chí không cần hoặc ít nguồn lực đầu tư, tập trung triển khai thực hiện trước.

         Thứ tư, với các tiêu chí liên quan đến đầu tư hạ tầng như: giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa,… cần đặt mục tiêu lâu dài sẽ đạt chuẩn theo quy định của các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, cần có bước đi phù hợp để bảo đảm cân đối nguồn lực, tránh lãng phí trong đầu tư. Yêu cầu rà soát là không đặt ra nhu cầu quá cao đối với các tiêu chí, mà trong giai đoạn trước mắt chỉ cần đặt ra mức tối thiểu để phấn đấu, ưu tiên phát triển như: Giao thông vào khu sản xuất và hệ thống thủy lợi để phát triển sản xuất.

         Thứ năm, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng việc lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả, áp dụng công nghệ cao và phù hợp với từng địa phương, có triển vọng nhân rộng và có thị trường.

         Thứ sáu, tăng cường huy động, lồng ghép, bố trí nguồn lực cho chương trình để bảo đảm mục tiêu đề ra; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực; huy động nguồn lực tại chỗ, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời làm tốt công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn trong giai đoạn 2017 - 2020 ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cấp thiết nhất phục vụ sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân, như: Công trình thủy lợi, giao thông vào khu sản xuất…

         Thứ bảy, đẩy mạnh công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội: Tiếp tục vận động, hướng dẫn, tổ chức cho mỗi hộ dân đều tham gia tự cải tạo nơi ăn, ở văn minh, hợp vệ sinh. Sửa sang hàng rào, cửa ngõ; cải tạo ao, vườn để có cảnh đẹp và có thu nhập. Mỗi xã đều nên có đội vệ sinh môi trường để thu gom rác thải, trồng cây xanh nơi công cộng, bảo vệ môi trường…

         Thứ tám, tăng cường sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao, chú trọng các giống lúa, các giống rau, đậu thực phẩm, cây công nghiệp và cây đặc sản phù hợp với từng vùng sinh thái. Đẩy mạnh lai tạo sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn và các loại gia cầm chất lượng cao. Xây dựng quy trình nuôi một số đối tượng thuỷ sản có giá trị để đẩy mạnh nuôi thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, phục vụ xuất khẩu.

         Thứ chín, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trong bảo vệ thực vật; sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kết hợp hạn chế ô nhiễm môi trường; áp dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

         Thứ mười, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc thường xuyên rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí và giải quyết chính sách cán bộ, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng, năng lực thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới huyện, xã, thôn.

          Mười một, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả hơn. Các thành viên Ban chỉ đạo huyện, xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện triển khai thực hiện chương trình.

          Mười hai, cấp uỷ Đảng thực sự là nòng cốt lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Chính quyền triển khai thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật chặt chẽ hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.288.110
Truy câp hiện tại 730