Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BÁO CÁO VỀ ĐẤT ĐAI, DÂN SỐ, LAO ĐỘNG
Ngày cập nhật 31/08/2020

 

BÁO CÁO VỀ ĐẤT ĐAI, DÂN SỐ, LAO ĐỘNG

(Theo niên giám thống kê năm 2019)

 

 

PHẦN THỨ HAI

PHÂN TÍCH KẾT QUẢ CHÍNH THỨC

TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019

I. DÂN SỐ

1. Quy mô dân số

Tổng dân số của huyện vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 77.178 người. Trong đó: dân số nam là 37.947 người, chiếm 49,17%; dân số nữ 39.231 người, chiếm 50,83%. Sau 10 năm, quy mô dân số của huyện Quảng Điền giảm 5.633 người, bình quân mỗi năm giảm 563 người (tương đương giảm 0,7%/năm).

Nguyên nhân sụt giảm dân số là do có sự di cư dân số trong huyện sang các tỉnh khác để tìm kiếm việc làm và mưu sinh, nhất là ở khu vực nông thôn. Điều này cũng thể hiện rỏ sự chuyển dich dân số trong nội bộ của huyện: trong 10 năm qua, khu vực nông thôn giảm 5.927 người, nhưng khu vực thành thị (Thị trấn Sịa) tăng 294 người.

Xét quy mô dân số của từng đơn vị hành chính trong huyện thì xã nào cũng có dân số giảm so với 10 năm trước đây. Trong đó giảm nhiều nhất là xã Quảng Lợi (giảm 1.381 người), xã Quảng Ngạn (giảm 1.098 người); Xã giảm ít nhất là xã Quảng Vinh chỉ giảm 70 người.

Hình 1: Quy mô dân số qua 2 cuộc Tổng điều tra

 

                    1.1. Quy mô dân số theo dân tộc

          Trong tổng số 77.178 người trong huyện, số người là dân tộc Kinh hầu hết (hơn 99,9%), các dân tộ khác chỉ chiếm 0,093%, với số dân 72 người. Chi tiết về cơ cấu dân tộc theo biểu dưới đây:

Biểu 1.1: Cơ cấu dân số huyện Quảng Điền theo thành phần dân tộc

Dân tộc

Số người

Tỷ lệ (%)

Tổng số

77178

100

     Kinh

77106

99.9067

     Tày

5

0.0065

     Thái

26

0.0337

     Hoa

3

0.0039

     Khmer

4

0.0052

     Mường

7

0.0091

     Nùng 

3

0.0039

     Ê  Đê

1

0.0013

     Sán Dìu

1

0.0013

     Xtiêng

1

0.0013

     Bru Vân Kiều

3

0.0039

     Thổ

8

0.0104

     Cơ Tu

1

0.0013

     Gié Triêng

1

0.0013

     Khơ mú

1

0.0013

     Co

1

0.0013

     Tà Ôi

6

0.0078

1.2. Quy mô dân số phân theo tôn giáo

Tỷ lệ dân số không theo tôn giáo nào cũng chiếm tỷ trọng lớn (gần 89,1%); Dân số theo Phật giáo tại thời điểm 01/4/2019 có 7.424 người, chiếm 9,62%; Công giáo có 937 người (chiếm 1,21%) và Tin lành có 58 người (chiếm 0,07%).

 

 

Hình 2: Cơ cấu dân số theo tôn giáo

          2. Mật độ dân số

          Mật độ dân số năm 2019 của huyện Quảng Điền là 473,8 người/km2, cao hơn 2 lần so bình quân chung của tỉnh Thừa Thiên Huế và đứng thứ 3 sau thành phố Huế và huyện Phú Vang. Trong đó: Thị trấn Sịa có mật độ dân số là 843,4 người/km2, gấp 1,78 lần so bình quân chung của toàn huyện; Một số xã có mật độ dân số khá cao như xã Quảng Phú, xã Quảng Thành – là các xã có thể phát triển lên thành thị trấn trong tương lai; Xã có mật độ dân số khá thấp là xã Quảng Lợi (chỉ có 189 người/km2).

Biểu 1.2: Mật độ dân số chia theo đơn vị hành chính

Đơn vị hành chính

Diện tích (Km2)

Dân số (Người)

Mật độ dân số (Người/Km2)

TỔNG SỐ

162.89

77178

473.8

Thị Trấn Sịa

11.89

10028

843.4

Xã Quảng Thái

18.11

4293

237.1

Xã Quảng Ngạn

11.08

4530

408.8

Xã Quảng Lợi

33.06

6247

189.0

Xã Quảng Công

12.47

4359

349.6

Xã Quảng Phước

12.75

6510

510.6

Xã Quảng Vinh

19.54

8908

455.9

Xã Quảng An

11.80

7463

632.5

Đơn vị hành chính

Diện tích (Km2)

Dân số (Người)

Mật độ dân số (Người/Km2)

Xã Quảng Thành

10.79

8514

789.1

Xã Quảng Thọ

9.49

6472

682.0

Xã Quảng Phú

11.91

9854

827.4

          3. Quy mô hộ

Vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, toàn huyện có 22.365 hộ dân cư, tăng 1.322 hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,45 người/hộ, thấp hơn 0,47 người/hộ so với năm 2009. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 0,62%/năm, tương ứng khoảng 132 hộ/năm.

Quy mô hộ bình quân khu vực nông thôn là 3,43 người/hộ, thấp hơn quy mô hộ bình quân khu vực thành thị là 0,14 người/hộ. Điều này có sự khác biệt so với bình quân chung của cả nước (khu vực nông thôn có quy mô hộ theo số nhân khẩu cao hơn khu vực thành thị 0,2 người/hộ). Lý do chủ yếu vẫn là do sự chuyển dịch dân số trong huyện từ nông thôn lên thành thị và nhân khẩu ở nông thôn đi làm ăn xa nhà nhiều hơn khu vực thành thị.

Biểu 1.3: Quy mô hộ theo số nhân khẩu qua 2 kỳ Tổng điều tra

Chỉ tiêu

Năm 2009

Năm 2019

                    Tổng số hộ

21043

22365

   - Hộ Thành thị

2484

2807

   - Hộ Nông thôn

18559

19558

Số khẩu bình quân/hộ

3.92

3.45

   - Khu vực Thành thị

 3.92

3.57

      - Khu vực Nông thôn

   3.94

   3.43

4. Tỷ số giới tính

Tỷ số giới tính của dân số được tính bằng dân số nam trên 100 dân số nữ. Tỷ số giới tính bị tác động trực tiếp bởi mô hình sinh, chết và di cư, những nơi thu hút nhiều người di cư là nam giới sẽ làm gia tăng tỷ số giới tính và ngược lại. Bên cạnh những yếu tố tác động trực tiếp trên, rất nhiều yếu tố gián tiếp tác động đến tỷ số giới tính như chiến tranh, các chính sách liên quan đến dân số, các chính sách phát triển kinh tế, chính sách về xuất khẩu lao động và thu hút vốn đầu tư...

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính của dân số huyện Quảng Điền là 96,7 nam/100 nữ, thấp hơn 2,4 điểm so bình quân chung của cả nước (cả nước là 99,1 nam/100 nữ).

Tỷ số giới tính của dân số huyện thấp chủ yếu là do Nam giới đi làm ăn xa nhà (trên 6 tháng) nhiều hơn nữ giới. Sau này, do nhiều cặp hôn nhân muốn chọn sinh con trai nhiều hơn con gái nên chỉ số này có tăng nhưng vẫn không đáng kể (tăng 0,1 điểm sau 10 năm của 2 lần Tổng điều tra -năm 2009 là 96,6 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính của huyện cho thấy có sự cân bằng giới tính tốt hơn so với các nơi khác trong tỉnh cũng như chung của cả nước.

5. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính phản ánh bức tranh tổng quát về mức sinh, mức chết, tốc độ tăng dân số của một tập hợp dân số tại một thời điểm xác định và được mô tả bằng tháp dân số. Tháp dân số là một công cụ thông dụng được dùng để biểu thị sự kết hợp cơ cấu tuổi và giới tính của dân số dưới dạng hình học (đặc trưng là hình tháp). Tháp dân số được chia thành hai phần bởi đường cao từ đáy tháp lên đỉnh tháp, trong đó phần phía bên phải biểu thị dân số nữ và phía bên trái biểu thị dân số nam.

Hình dạng của tháp dân số không chỉ cung cấp các thông tin khái quát về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số vào thời điểm xác định mà còn sử dụng để đánh giá sự chuyển dịch cấu trúc dân số qua các năm; Bề rộng của nhóm tuổi trẻ nhất (đáy tháp) phản ánh sự tăng hay giảm của mức sinh so với những năm trước, trong khi bề rộng của nhóm tuổi cao nhất (đỉnh tháp) phản ánh sự thay đổi hay xu hướng già hóa dân số.

Nhìn vào tháp dân số huyện Quảng Điền ta thấy rằng: Ở độ tuổi từ 0 – 9 tuổi thì số Nam nhiều hơn số nữ; Ở độ tuổi từ 10 – 39 tuổi thì số Nam và Nữ tương đối cân bằng nhau; Ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên thì số Nữ nhiều hơn Nam giới. (Hình 3).

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi còn được sử dụng để tính tỷ số phụ thuộc – là chỉ tiêu biểu thị gánh nặng của dân số trong tuổi lao động. Tỷ số phụ thuộc chung biểu thị phần trăm số người phụ thuộc dưới 15 tuổi (0-14) và từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở nhóm tuổi 15-64 tuổi.

Tỷ số phụ thuộc của huyện Quảng Điền qua kết quả điều tra là 52,66%. Như vậy, có khoảng gần 2 người trong độ tuổi lao động phải gánh 1 người phụ thuộc. Đây là con số khá thấp, cho thấy lực lượng lao động vẫn còn rất dồi dào. Tuy nhiên khi so sánh tỷ số phụ thuộc với cả nước thì huyện ta có tỷ số cao hơn khá nhiều, cao hơn đến 5,56% (cả nước là 47,1% và dân số đang trong thời kỳ dân số vàng). Điều này một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy số lao động của huyện nhà đi làm ăn xa là khá lớn.

 

Hình 3: Tháp dân số theo nhóm tuổi

 

6. Tình trạng hôn nhân của dân số

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 78,44%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 68,05%, góa  chiếm 8,78%, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 0,6%. Như vậy, dân số đang có vợ/chồng là tình trạng phổ biến và có tỷ lệ cao hơn toàn quốc gần 1% (tỷ lệ của cả nước là 77,5%).

Sự phát triển kinh tế trong 10 năm qua phần nào tác động tới xu hướng kết hôn. Giáo dục, đào tạo và các cơ hội việc làm có thể dẫn đến việc trì hoãn kết hôn ở thanh niên. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/chồng năm 2019 giảm 3,72 điểm phần trăm so với năm 2009, tương ứng là 22,56% và 26,28%. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên ly hôn tăng nhẹ so với năm 2009, tương ứng là 0,21% và 0,46%.

Biểu 1.4. Tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên

Tình trạng hôn nhân

Năm 2009

Năm 2019

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

Tổng số

58716

100.00

59491

100.00

Chưa có vợ/ chồng

15432

26.28

13424

22.56

Có vợ/chồng

37558

63.97

40485

68.05

Góa vợ/chồng

5456

9.29

5226

8.78

Ly hôn

126

0.21

272

0.46

Ly thân

144

0.25

84

0.14

Nhìn chung, tỷ lệ ly hôn và ly thân ở huyện Quảng Điền thấp hơn bình quân chung của cả nước (cả nước là 1,8% và 0,3%). Điều nay chứng tỏ truyền thống gia đình vẫn đang tiếp tục được giữ vững.

7. Khuyết tật

Tổng điều tra năm 2019 sử dụng bộ câu hỏi về khuyết tật, gồm 6 câu hỏi liên quan đến các khó khăn mà một người gặp phải (chức năng nghe; nhìn; vận động; ghi nhớ hay tập trung chú ý; tự chăm sóc bản thân; giao tiếp) để nghiên cứu về tình trạng khuyết tật. Các câu hỏi này được hỏi cho những người từ 5 tuổi trở lên và được trả lời theo các thang đánh giá về mức độ khó khăn của mỗi chức năng (không khó khăn, khó khăn một chút, rất khó khăn, không thể). Một người được tính là khuyết tật nếu người đó rất khó khăn hoặc không thể thực hiện một trong 6 chức năng như được nêu trên. Trong Tổng điều tra năm 2019, đối với những người cao tuổi gặp khó khăn do vấn đề tuổi tác thì được ghi nhận về tình trạng khó khăn mà họ gặp phải; đối với những người gặp khó khăn tạm thời trong thời gian điều trị bệnh và chắc chắn sẽ bình phục trong thời gian sắp tới thì không ghi nhận về tình trạng khó khăn tạm thời mà họ gặp phải.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật ở huyện Quảng Điền là từ 5,3 - 8,2% tùy loại khuyết tật. Tỷ lệ này là khá cao so bình quân cả nước (cả nước là 3,7%). Nguyên nhân chủ yếu là do hậu quả của chiến tranh để lại và là vùng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Tỷ lệ khuyết tật của nữ giới cao hơn gấp khoảng 1,7 lần so với nam giới.

 

Biểu 1.5. Tình hình khuyết tật chủ yếu của dân số từ 5 tuổi trở lên

Loại khuyết tật 

Tổng số

Không khó khăn

Khó khăn

Rất khó khăn

Không thể

KXĐ

Nhìn

100.00

92.68

5.25

1.94

0.13

 

Nghe

100.00

94.01

3.83

2.00

0.16

 

Vận động

100.00

91.83

4.80

2.87

0.50

 

Ghi nhớ

100.00

92.33

5.00

2.36

0.31

 

Tự chăm sóc bản thân

100.00

94.35

3.65

1.49

0.50

 

Giao tiếp

100.00

94.74

3.29

1.62

0.34

 

II. MỨC SINH, CHẾT

Mức sinh là một nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng dân số, là thông tin đầu vào cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về dân số và phát triển. Mức sinh chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sinh học, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và môi trường. Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin về lịch sử sinh của phụ nữ từ 10-49 tuổi thuộc các ĐBĐT mẫu (gồm các thông tin: số con đã từng sinh; số con hiện còn sống; số con đã chết; tháng và năm sinh dương lịch của lần sinh gần nhất, số con trai và số con gái của lần sinh gần nhất; số con trai và số con gái được sinh ra từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019) để ước lượng các chỉ tiêu về mức sinh.

1. Tổng tỷ suất sinh (TFR)

Tổng tỷ suất sinh là chỉ số cho biết bình quân mỗi phụ nữ trong suốt cuộc đời sẽ sinh được bao nhiêu con.

Ước lượng Tổng tỷ suất sinh (TFR) từ kết quả Tổng điều tra năm 2019 ở huyện Quảng Điền là 2,36 con/phụ nữ, trên mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và cao hơn khá nhiều so với bình quân chung của cả nước (toàn quốc là 2,09 con/phụ nữ). Điều này cho thấy các cặp vợ chồng trong huyện Quảng Điền muốn có nhiều hơn 2 con.

2. Tỷ suất sinh thô (CBR)

Tỷ suất sinh thô (CBR) là chỉ số biểu thị số trẻ em sinh ra trong năm nghiên cứu trên 1000 dân.

Kết quả của cuộc Tổng điều tra cho thấy tỷ lệ này ở huyện Quảng Điền là 15,65 trẻ em/1000 dân, thấp hơn bình quân chung của cả nước (cả nước là 16,3 trẻ em/1000 dân), ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị.

Biểu 2.1. Tỷ suất sinh thô 12 tháng qua trước thời điểm điều tra

Chỉ tiêu

ĐVT

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Dân số

Người

77178

10028

67150

Số con đã sinh

Người

1208

144

1064

Tỷ suất sinh thô

1/1000

15.65

14.36

15.85

3. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả mục tiêu giảm sinh trong chiến lược chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước ta. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên biểu thị số phụ nữ có sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng qua trước thời điểm điều tra trên 100 phụ nữ sinh con trong thời kỳ đó.

Biểu 2.2. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chia theo trình độ cao nhất đã đạt được

Đơn vị tính: %

 Chỉ tiêu

Chung

Thành thị

Nông thôn

              TỔNG SỐ

21.99

5.90

24.16

Chưa bao giờ đi học

100.00

 

100.00

Dưới tiểu học

80.48

 

80.48

Tiểu học

44.14

41.00

44.47

Trung học cơ sở

18.23

0.00

19.75

Trung học phổ thông

9.77

0.00

12.61

Sơ cấp

0.00

 

0.00

Trung cấp

0.00

0.00

0.00

Cao Đẳng

0.00

0.00

0.00

Đại học

3.59

0.00

4.09

Thạc sĩ

0.00

 

0.00

Qua bảng trên cho thấy: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn đang còn ở mức cao, đặc biệt là khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, kết quả của Tổng điều tra cũng chỉ ra rằng: trình độ của người phụ nữ có tính quyết định đến vấn đề sinh con thứ 3 trở lên, trình độ càng thấp thì tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên càng cao và ngược lại.

4. Mức chết

Mức chết là thông tin quan trọng trong nghiên cứu nhân khẩu học và nhiều ngành khoa học khác có liên quan như dịch tễ học, y tế công cộng, thống kê,… Mức chết được sử dụng như là thông tin đầu vào để ước tính “Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh” của một người, là một trong những thành tố để tính chỉ số phát triển con người (HDI) do Liên hợp quốc hướng dẫn thực hiện. Trong nghiên cứu nhân khẩu học, mức chết đóng vai trò quan trọng cùng với mức sinh để xác định tỷ lệ tăng dân số.

* Tỷ suất chết thô

Tỷ suất chết thô (CDR) là một trong những chỉ tiêu được sử dụng rộng rãi nhất để phản ánh mức độ tử vong của dân số. CDR cho biết trung bình cứ mỗi 1000 dân thì có bao nhiêu người chết trong một thời gian nhất định, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra. CDR bị ảnh hưởng bởi cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính của dân số quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực hay một tập hợp dân số.

Theo kết quả của Tổng điều tra năm 2019, CDR của huyện Quảng Điền là 3,49 người chết/1000 dân, thấp hơn rất nhiều so bình quân cả nước (cả nước là 6,3 người chết/1000 dân), trong đó CDR của thành thị là 1,79 người chết/1000 dân và khu vực nông thôn là 3,74 người chết/1000 dân. Chỉ số CDR của từng năm có sự sai biệt, có thể năm 2019 là năm có số người chết thấp hơn so với trung bình của các năm.

Biểu 2.3. Tỷ suất chết thô 12 tháng qua trước thời điểm điều tra

Chỉ tiêu

ĐVT

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Dân số

Người

77178

10028

67150

Số người chế

Người

269

18

251

Tỷ suất chết thô

(‰)

3.49

1.79

3.74

          III. DI CƯ

Di cư là sự thay đổi nơi cư trú của con người, từ đơn vị lãnh thổ này tới một lãnh thổ khác trong một khoảng thời gian nhất định. Di cư nội địa có vai trò quan trọng tới biến động dân số, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh và mức chết tương đối ổn định như ở Việt Nam. Di cư là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và bảo đảm phát triển bền vững.

Cũng như các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây, Tổng điều tra năm 2019 thu thập các thông tin về di cư thông qua câu hỏi về nơi thực tế thường trú 5 năm trước thời điểm điều tra đối với những người từ 5 tuổi trở lên nhằm mục tiêu chính là đánh giá tình hình di cư nội địa. Một người được coi là người di cư nếu nơi thực tế thường trú hiện nay và nơi thực tế thường trú 5 năm trước thời điểm điều tra không cùng một đơn vị hành chính cấp xã.

Biểu 3.1. Số người nhập cư, xuất cư, tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư và tỷ suất di cư thuần chia theo giới tính, 01/4/2019

Huyện Quảng Điền 

Dân số 5+ (người)

Số người nhập cư (người)

Số người xuất cư (người)

Tỷ suất nhập cư (‰)

Tỷ suất xuất cư (‰)

Tỷ suất di cư thuần (‰)

 

Tổng số

71342

845

4178

11.848

58.568

-46.720

 

Tr.đó: Nam

34908

258

2278

7.388

65.246

-57.858

 

          Nữ

36434

587

1901

16.121

52.170

-36.048

 

Qua bảng trên cho thấy: số người di cư đi ra khỏi huyện lớn hơn rất nhiều so với số người nhập cư vào huyện (gấp gần 5 lần). Nam giới di cư nhiều hơn Nữ giới. Tỷ suất di cư (là sự chênh lệc giữa tỷ suất nhập cư và tỷ suất suất cư) của huyện Quảng Điền luôn là số âm. Điều đó thêm một lần nữa chứng minh dân số của huyện có xu hướng giảm qua 2 cuộc Tổng điều tra, cũng chính là lý do vì sao tỷ số giới tính của huyện thấp hơn các đơn vị khác và chung của cả nước (như đã phân tích tại phần 4, mục I).

IV. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Tổng điều tra năm 2019 cung cấp thông tin phục vụ đánh giá các thành tựu đạt được trong nâng cao trình độ giáo dục, đào tạo của người dân góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện. Thông tin từ Tổng điều tra năm 2019 đánh giá tình hình giáo dục, đào tạo của tất cả dân số từ 5 tuổi trở lên với các chỉ tiêu được phân tổ theo Danh mục giáo dục, đào tạo của Hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017.

1. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi

Tỷ lệ đi học là chỉ tiêu phản ánh đầu vào của giáo dục. Tỷ lệ đi học chung là số học sinh đang tham gia vào một cấp giáo dục phổ thông (không kể tuổi) tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó. Tỷ lệ đi học đúng tuổi là số học sinh trong tuổi đến trường của một cấp học phổ thông đang tham gia vào cấp học đó tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó.

Theo quy định của Luật Giáo dục, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam được chia thành 3 cấp với những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: (1) cấp tiểu học được thực hiện trong năm năm học từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi; (2) cấp trung học cơ sở (THCS) được thực hiện trong bốn năm học từ lớp 6 đến lớp 9 và tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi; (3) cấp trung học phổ thông (THPT) được thực hiện trong ba năm học từ lớp 10 đến lớp 12 và tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Như vậy, tại thời điểm điều tra ngày 01/4/2019, dân số trong độ tuổi đi học phổ thông là những người sinh từ năm 2001 đến 2012: Dân số trong độ tuổi đi học tiểu học sinh từ năm 2008 đến năm 2012, dân số trong độ tuổi đi học THCS sinh từ năm 2004 đến năm 2007, dân số trong độ tuổi đi học THPT sinh từ năm 2001 đến năm 2003.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 ở huyện Quảng Điền cho thấy, tỷ lệ đi học của dân số trong độ tuổi đi học là khá cao (99,14% của độ tuổi từ 4-9 tuổi, 97,34% ở độ tuổi 10-14 tuổi...) và càng lớn tuổi thì số người đã thôi học và chưa bao giờ đi học càng cao, đặc biệt trong số 13.547 người trên 65 tuổi thì có đến 1.372 người chưa từng được đến trường.

Hình 4. Tình trạng đi học của dân số từ 5 tuổi trở lên

 

Kết quả cũng chỉ ra rằng: tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của cấp tiểu học là 98,9%; cấp THCS là 94,49% và THPT là 76,45%. Điều đáng ghi nhận ở đây là không có sự phân biệt giữa Nam và Nữ, thậm chí tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của Nữ còn cao hơn so với Nam giới và cấp học phổ thông càng cao thì Nam giới càng bỏ học nhiều hơn nữ giới. Điều này được chứng minh theo số liệu của biểu dưới đây.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.196.009
Truy câp hiện tại 5.721