Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vùng lõm Ninh-Hòa-Đại trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968
Ngày cập nhật 12/02/2018

        Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn không phai mờ trong tâm trí người dân 3 xã Quảng Ninh, Quảng Hòa và Quảng Đại (huyện Quảng Điền). Một vùng quê trải dọc theo con sông Bồ yên ả đã vùng lên một cách mạnh mẽ, hòa vào khí thế sục sôi của quân và dân toàn miền Nam quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.  

       Chủ động tiến công, mở rộng vùng giải phóng…

     Sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ bị phá sản, trước nguy cơ tan rã của ngụy quân, ngụy quyền, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam, thực hiện quyết tâm bình định và “đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng (giữa năm 1965-1967)[1]. Với mục tiêu “bẻ gãy xương sống của Việt cộng”, Mỹ-ngụy đã mở nhiều cuộc hành quân lớn để “tìm diệt” và “bình định” miền Nam, gây cho ta nhiều tổn thất và khó khăn.

    Quảng Điền là vùng đồng bằng đông dân, của cải dồi dào, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Huế. Tuy nhiên lại là huyện vùng sâu, không có rừng núi làm chỗ dựa để xây dựng căn cứ địa. Nhằm tạo lập vùng giải phóng, làm hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân trong huyện và mở rộng hậu phương phía Bắc cho Huế, “Tháng 12/1966, ... Bộ Tư lệnh phân khu Trị-Thiên quyết định đưa bộ đội chủ lực cùng với bộ đội 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên mở đợt hoạt động nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giành dân, giành quyền  làm chủ ở bốn huyện đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng, Phong Điền và Quảng Điền[2]. Cũng vào lúc ấy, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã mở hội nghị để xác định nhiệm vụ của quân và dân toàn tỉnh trong năm 1966. "Đối với huyện Quảng Điền, hội nghị chủ trương: phát động quần chúng kết hợp vũ trang mở ra vùng giải phóng Quảng Ninh, Quảng Đại và Quảng Hòa, ... đưa cho được 2 tiểu đoàn 810 (K10), 804 (K4) và các đội vũ trang công tác xuống đồng bằng hoạt động tạo thế cho quần chúng nổi dậy.[3]. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy Quảng Điền đã quyết định mở cuộc tấn công để giải phóng 3 xã phía Nam là Quảng Ninh, Quảng Hòa và Quảng Đại. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa “tối 10/6/1966, 3 đội công tác của 3 xã Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại họp tại thôn Nho Lâm, nhận lệnh và hạ quyết tâm khởi nghĩa theo kế hoạch đã được Huyện ủy thông qua[4]. Đúng 16h 30 ngày 11/6/1966, lực lượng vũ trang huyện (C114) cùng các đội công tác của 3 xã đã đồng loạt đánh vào trụ sở ngụy quân, ngụy quyền, đồng thời phát động quần chúng phối hợp nổi dậy, giành quyền làm chủ.... Ở một số thôn như: Niêm Phò (Quảng Ninh), Nho Lâm, Nghĩa Lộ, Xuân Tùy (Quảng Hòa), Đông Xuyên, Mỹ Xá, Phước Thanh (Quảng Đại) nhân dân đã giành quyền làm chủ và lập chính quyền tự quản. Trên đà thắng lợi, ta tiếp tục vận động quần chúng nhân dân phối hợp khởi nghĩa giành chính quyền ở thôn Tân Xuân Lai, Phò Nam và Phước Yên. Chỉ trong vòng 9 ngày từ ngày 11-19/6, 3 xã Ninh-Hòa-Đại đã giải phóng được nhiều thôn ấp, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng những thôn còn lại trong xã. Sự hoạt động táo bạo, bất ngờ đó đã tác động rất lớn đến tâm lý của nhân dân, tạo khí thế cho quần chúng phối hợp khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời uy hiếp địch làm cho chúng hoang mang, co cụm lại.

   Trước nguy cơ mất vùng đất rộng lớn Ninh-Hòa-Đại về tay Cộng sản, địch đã tập trung lực lượng để phản kích, chúng dùng hỏa lực mạnh đánh phá, càng quét từ nhiều hướng. Nhưng với quyết tâm giữ cho được vùng mới giải phóng, du kích 3 xã Ninh-Hòa-Đại đã liên tiếp đánh bật lực lượng tấn công của địch từ Sịa vào, từ Hương Cần sang, từ An Thành lên, cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở thế giằng co quyết liệt, mặc dù địch dồn lực lượng để tấn công nhưng với tinh thần “quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ”, dân quân du kích 3 xã đã anh dũng bám trụ, vừa chống càn, vừa củng cố phong trào, nhiều trận đánh của dân quân du kích gây cho địch nhiều thiệt hại, tiêu biểu là trận đánh của “bộ đội địa phương và du kích Quảng Ninh, Quảng Hòa vào tháng 8/1966, tiêu diệt 54 tên lính[5]. Đến cuối tháng 12/1966, 3 xã Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại đã được giải phóng, còn lại một số thôn như An Thành, Sơn Tùng vì quá sát đồn địch không thể giải phóng được nhưng ta đã làm chủ vào ban đêm.

    Đây là một thắng lợi to lớn của quân và dân Quảng Điền nói chung và 3 xã Ninh-Hòa-Đại nói riêng, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần mở rộng vùng giải phóng của huyện lên 4 xã (xã Quảng Thái đã được giải phóng từ năm 1964), đồng thời phá thế “cô lập”, nối liền Quảng Điền với Phong Điền (qua Phong Nhiêu, Quảng Thái), giữa Quảng Điền, Hương Trà với căn cứ Hòa Mỹ, tạo thế đứng chân nối liền giữa 3 vùng chiến lược đồng bằng, giáp ranh và miền núi. Đặc biệt, với việc giải phóng vùng đồng bằng đông dân, nhiều của phía Nam huyện đã trở thành địa bàn đứng chân quan trọng cho thành phố Huế, tạo hành lang liên hoàn để tiếp tế lương thực, vận tải vũ khí, thương binh về hậu cứ nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của toàn huyện, tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

    Cùng với Huế tấn công, nổi dậy…

    Cuối tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết về thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa và thông qua phương án“… thực hành một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã trên toàn miền Nam,… lấy chiến trường chính là Sài Gòn-Nam bộ, Trị Thiên-Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn[6]. Như vậy, chiến trường Trị Thiên-Huế là một chiến trường trọng điểm trong cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân năm 1968.

     Trong khí thế sục sôi của toàn quân, toàn dân miền Nam dốc hết lực cho trận chiến Mậu Thân, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy và Quân khu, Đảng bộ Quảng Điền đã quán triệt đường lối chỉ đạo, có kế hoạch triển khai tổng công kích, tổng khởi nghĩa với “điểm là Sịa, dọc đường là Sịa-An Lỗ, kết hợp “hai chân, ba mũi” để tiến công và nổi dậy; cánh ngoài (các xã phía Bắc) bao vậy Sịa, cánh trong (các xã phía Nam) kết hợp với Huế, dùng lực lượng quần chúng bao vây, đột nhập Huế; hình thành vùng giải phóng rộng lớn, tạo thế liên hoàn trong huyện với các huyện khác[7]. Thực hiện kế hoạch của Huyện ủy, quân và dân 3 xã Quảng Ninh, Quảng Hòa và Quảng Đại đã khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Trước hết là nhiệm vụ đảm bảo hậu cần. Ông Nguyễn Chí Trọng - nguyên Bí thư Chi bộ, Xã đội trưởng xã Quảng Ninh nhớ lại: Từ cuối năm 1967, sau khi có chủ trương tổng tiến công và nổi dậy của cấp trên, cũng đúng vào dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Thân, chúng tôi đã huy động nhân dân chuẩn bị và dự trữ lương thực bằng cách gói bánh Tét sớm, mỗi gia đình trong xã chuẩn bị thêm 2 đòn để cung cấp cho bộ đội tham gia chiến dịch. Ngoài ra, đã tích cực đào hầm bí mật để làm nơi trú ẩn cho cán bộ và đón nhận thương binh từ Huế chuyển ra, riêng thôn Phước Yên đến thời điểm đó đã chuẩn bị được 45 hầm bí mật, chưa kể số lượng hầm cũ, mỗi hầm chỉ có 2 người biết địa điểm để đảm bảo an toàn. Nhân dân xã Quảng Đại cũng khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng công kích với nhiệm vụ hết sức nặng nề là đưa vũ khí vào Huế. Trong khó khăn, gian khổ, nhiều cách làm sáng tạo đã được quân và dân Quảng Đại thực hiện thành công. Ông Nguyễn Trung Chính, Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy nhớ lại: hồi đó, để đưa vũ khí vào nội thành, các cơ sở cách mạng của ta ở Quảng Đại đã bỏ đạn vào những thúng trứng vị lộn dùng thuyền đưa lên Huế bán, nếu không may gặp địch ở các trạm gác kiểm tra thì chúng cũng chỉ xem qua, không thể lấy hết trứng ra ngoài, và cũng không thể dùng lưỡi lê để xăm vì sợ làm vỡ trứng của dân. Ngoài ra, một số cơ sở cách mạng còn đưa ra sáng kiến dùng thuyền 2 đáy để vận chuyển súng lên Huế. Nhờ sự gan dạ và mưu trí của các cơ sở cách mạng mà ta đã bí mật vận chuyển được một khối lượng lớn vũ khí vào thành phố, góp phần quan trọng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968.

     Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã  hoàn tất. Theo mệnh lệnh, đúng 2 giờ 33 phút, súng lớn của ta bắn vào các căn cứ đầu não của địch ở Huế, các mũi, các lực lượng đã áp sát mục tiêu, đồng loạt nổ súng, vừa tiêu diệt địch, vừa xông lên kêu gọi đồng bào xuống đường diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ. “…du kích xã Quảng Hòa, Quảng Thuận đã đánh chiếm đồn Phổ Lại, phá cầu, đánh tan 01 trung đội bảo an, một trung đội dân vệ, tiến công uy hiếp buộc địch ở lô cốt Đức Trọng, cầu Kẽm phải bỏ chạy”[8], ta đã làm chủ khu vực này và chia cắt tuyến đường An Lỗ-Sịa, làm cho địch ở An Lỗ và Sịa không thể hỗ trợ nhau. Ở Quảng Ninh, nhờ có sự chủ động chuẩn bị từ trước, ngay sau khi tiếng súng của quân ta nổ ra tại thành phố Huế, “Quảng Ninh đã huy động hơn 30 người, trong đó chủ yếu là “đội quân tóc dài”, các cụ già mang cờ giải phóng kéo từ Phước Yên qua Hương Trà, dự định cùng với lực lượng nổi dậy ở Hương Trà theo đường Quốc lộ I vào An Hòa, phối hợp với lực lượng ở Huế xuống đường đấu tranh với địch, tuy nhiên do chiến sự ở An Hòa đang diễn ra ác liệt nên phải quay trở về phục vụ chiến đấu ở thôn xã”[9]. Cùng lúc đó, “du kích xã Quảng Đại bao vây và kêu gọi binh lính đồn An - Thành bỏ vũ khí đầu hàng, trở về với gia đình, với nhân dân[10]. Du kích xã Quảng Hòa cùng với bộ đội địa phương đã tấn công địch ở đồn Vân Căn, Lương Cổ, tiêu diệt được 10 tên, số còn lại phải tháo chạy về Sịa, hai thôn Vân Căn, Lương Cổ được giải phóng. Đến cuối tháng 2/1968, trong lúc chiến sự ở mặt trận Huế đang diễn ra ác liệt thì Quảng Điền cơ bản được giải phóng, nhân dân tích cực làm hầm trú ẩn, cùng bộ đội đào công sự, giao thông hào, đóng góp lương thực thực phẩm, động viên con em tham gia lực lượng vũ trang.

     Không chỉ phối hợp đấu tranh, tấn công địch để giải phóng đất đai, vùng lõm Ninh-Hòa-Đại còn là tuyến sau để tiếp nhận, nuôi dưỡng thương binh từ Huế chuyển ra. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 “các xã Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc đến 1.000 thương binh, nhiều gia đình nhận chăm sóc 2 thương binh[11]. Ông Lê Quang Dật - nguyên xã đội trưởng xã Quảng Ninh nhớ lại: trong chiến dịch Mậu Thân, số lượng thương binh từ Huế chuyển về Quảng Điền rất nhiều, chủ yếu đi theo đường từ cửa Hữu lên Hương Thái, Hương Thạnh, về Thanh Lương (Hương Trà) sau đó qua Quảng Điền. Để đảm bảo công tác vận chuyển thương binh được liên tục, chúng ta phải huy động lực lượng làm 01 chiếc cầu tre từ bến Thanh Lương qua Phước Yên sau đó tiếp tục đưa về các xã khác, nhân dân đã tích cực cán thương binh nặng đến các trạm phẫu ở Niêm Phò, Mỹ Xá, đối với các thương binh nhẹ thì cung cấp lương khô, dẫn vào hầm trú ẩn tạm thời sau đó đưa lên đò chuyển ra Quảng Thái để lên hậu cứ.

     Sau một thời gian lúng túng, co cụm vì bị tấn công bất ngờ, Mỹ-ngụy đã huy động lực lượng tiến hành phản kích hòng giải vây và chiếm lại Huế. Đồng thời, chúng cũng tập trung đánh phá dữ dội vùng nông thôn... Ở Quảng Điền, chúng mở nhiều cuộc hành quân phản kích, càn quét, cày ủi làng mạc, lập ấp chiến lược, lập thêm đồn bốt ở các xã giải phóng như Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại, Quảng Thái, Tây Hưng... nhằm tiêu diệt lực lượng của ta và tạo vành đai trắng sau lưng Huế. Các thôn Niêm Phò,  Phò Nam, Tân Xuân Lai (Quảng Ninh); Đông Xuyên, Mỹ Xá, Phước Thanh (Quảng Đại); Nam Phù, Nho Lâm (Quảng Hòa) bị cày ủi, san bằng không còn nhà cửa, cây cối, phần lớn nhân dân phải tạm lánh vào các thôn An Thành, Bao Vinh, còn nhân dân các thôn Niêm Phò, Phò Nam bị dồn vào vùng Thủ Lễ. Nhiều cán bộ bị bắt, hy sinh trong lúc bám trụ địa bàn. Tuy nhiên, với quyết tâm “một tất không đi, một ly không rời”, suốt mùa hè năm 1968, các cơ sở cách mạng các xã vùng ngoài, vùng trong vẫn còn cán bộ bám lại hoạt động, sự chỉ đạo của huyện giữa vùng ngoài và vùng trong vẫn giữ được. Nhờ vậy, sau thời gian gặp khó khăn, lực lượng của ta ở đây dần được phục hồi, cán bộ quay lại tiếp tục bám dân để hoạt động, tạo thế và lực cho cuộc chiến đấu trong giai đoạn mới.

     Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 “giữ một vị trí to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ[12] của dân tộc ta, đã “đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam[13]. Trong chiến công hiển hách đó, có một phần đóng góp, hy sinh không nhỏ của quân và dân 3 xã Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại. Lịch sử đã sang trang, Ninh-Hòa-Đại ngày nay không còn là “vùng lõm” mà đang vươn mình đi lên với một màu xanh tươi của rau, của lúa, sự phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ít ai có thể ngờ rằng cách đây tròn 50 năm, quân và dân 3 xã Ninh-Hòa-Đại đã cùng với Huế và miền Nam làm nên một chiến công “chấn động địa cầu”, vinh dự được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

 

Thanh Loan

 


[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (trực thuộc Bộ Chính trị), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi và bài học kinh nghiệm, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 1995, trang 58.

[2] Đảng ủy -Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Điền (1945-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2014, trang 160.

[3] Đảng ủy -Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền, sách đã dẫn, trang 160.

[4] BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, HN, 2016, trang 153-154.

[5] BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, sách đã dẫn, trang 154.

[6] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường (kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-1968 (1968-2008), NXB Thuận Hóa, Huế, 2008, trang 35.

[7] BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, sách đã dẫn, trang 161.

[8] BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, sách đã dẫn, trang 163.

[9] Theo lời kể của ông Nguyễn Chí Trọng, nguyên Xã đội trưởng xã Quảng Ninh năm 1968

[10] BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, sách đã dẫn, trang 163

[11] BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền, sách đã dẫn, trang 164

[12] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh, sách đã dẫn, trang 74.

[13] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh, sách đã dẫn, trang 72.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Công khai TTHC
 
Phản ánh-kiến nghị
 
Rà soát, kiểm soát Thủ tục hành chính
 
Tin tức khác
 
Tình hình giải quyết TTHCC
 
Văn bản QPPL
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.244.031
Truy câp hiện tại 1.355