Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

QUẢNG ĐIỀN - THẾ TẤN CÔNG NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968
Ngày cập nhật 12/02/2018

        Suốt 26 ngày đêm, Quảng Điền đã nổi dậy, tấn công tưng bừng. Chính những năm trước Mậu Thân, Quảng Điền đã giải phóng, nên tới xuân Mậu Thân, Quảng Điền đã có thể tự mình đứng dậy đấu tranh, góp phần làm cho chiến thắng Mậu Thân rực rỡ. Sau Mậu Thân, Mỹ phải ngồi vào để tiến tới ký hiệp định Paris rõ ràng không phải là chuyện bình thường. Chiến thắng Mậu Thân chẳng phải là một điểm sáng trong lịch sử đánh Mỹ đó sao !

         Chỉ có những bộ óc chiến lược mới nhìn rõ tương lại, và phải biết làm gì để vươn tới tương lai ấy. Như Bác Hồ nói: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", thì đúng là Mỹ cút và Ngụy nhào thật. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quảng Điền đã tạo thế cho mình để chờ  thời cơ. Chính vì vậy, giữa lòng địch ngày 20/04/1964 đại đội võ trang huyện Quảng Điền ra đời với bí danh C114. Chưa đầy một tháng sau khi thành lập, đồng chí Tính chỉ huy đã phục kích đánh địch ở km 25, Quốc lộ I tiêu diệt 2 xe ô tô Ngụy, thu được một số chiến lợi phẩm chào mừng ngày sinh của đại đội, đáp ứng lòng tin của lãnh đạo và nhân dân.

       Phát huy thắng lợi vừa đạt được, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, ngày 25/07/1964, C114 cùng đội công tác chính trị và nhân dân đã đồng khởi phá ấp chiến lược, giải phóng 2 xã Phong Nhiêu và Quảng Thái. Nhân dân đã tập trung xây dựng chính quyền và đào công sự, vót chông, nuôi đại đội của mình. Gọi là đại đội, nhưng lúc ấy C114 chỉ có 15 người. Vậy mà tháng 8/1964 đơn vị về Đồng Lâm, bị địch phục kích, đơn vị đã đánh trả, đồng chí Hồ Con tuy bị thương, vẫn dùng 30 cân TNT cho nổ, diệt gần 1 trung đội địch. Tháng 11/1964, địch có xe tăng, càn vào Thượng Hòa, Hương Long, Bắc Thạnh xã Phong Hiền, tuy chỉ có CKC, K44, chiến sĩ C114 đã trèo lên xe tăng, ném lựu đạn vào trong, diệt 1 xe tăng địch.

       Ngày 6 Tết âm lịch 1965, cùng chủ lực thọc về Mỹ Xá, xã Quảng Đại, hai tiểu đoàn địch tấn công từ 2 phía, địch có xe tăng và máy bay, đơn vị đã chiến đấu đẩy hàng chục lượt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 1 trung đội địch giữ vững trận địa cho đến tối. Thắng lợi của trận này là dân biết rằng cách mạng đã về và đã đánh địch, hầu hết các cơ sở ở Ninh, Hòa đã được phục hồi.

       Tới quý 4 năm 1965, 1 trung đoàn địch với 20 xe tăng, 20 xe bọc thép, địch quyết định phá phong trào 2 xã Phong Chương, Quảng Thái, chúng không ngờ đây lại là mồ chôn của chúng, 2 đội vũ trang Phong - Quảng phối hợp đã diệt 500 tên địch và 15 xe tăng. Lê Xuân mới 12 tuổi đã dám đánh thẳng vào địch. Anh hy sinh nhưng quân dân rất cảm phục anh.

        Cuối 1965 đầu 1966, C114 đã được bổ sung đủ 2 trung đội, có thêm 1 tiểu đội cối. Ngày 11/06/1966, dưới sự lãnh đạo của huyện, được sự hỗ trợ của C114, 5 xã Quảng Thái, Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại, Bắc Quảng Thuận và Tây Quảng Hưng được giải phóng hoàn toàn. Nhân dân rất phấn khởi, chăm lo xây dựng chính quyền, tăng gia sản xuất gạo nuôi quân, tham gia dân công tải đạn, tải gạo phục vụ chiến trường, đào hào, đào công sự, hầm trú ẩn, vót chông chống càn. Đến thời gian này, 7 xã trong huyện thì đã có 5 xã được giải phóng. Có những trận như tiểu đoàn địch đánh Quảng Thái, chỉ có du kích giữ làng, vậy mà địch không chiếm được Quảng Thái.

       Để giữ vững vùng giải phóng, các lực lượng vũ trang Quảng Điền liên tục tổ chức tiến công địch, tổ chức thọc sâu, diệt ác trừ gian. Cuối 1966 đầu 1967, C114 đã có được 3 trung đội bộ binh, 1 trung đội cối, 1 tiểu đội trinh sát. Các xã đều có 1 trung đội du kích, khi cần thì tập trung du kích để phối hợp chiến đấu. Đã nhiều lần C114 phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công Sịa và một số cứ điểm như Đức Trọng, An Thành, Cồn Kẽm diệt hàng đại đội địch. Địch cũng nhiều lần tấn công ta, nhưng đều bị bẽ gãy.

      Cuối năm 1967, trung đội cối 61 của C114 và trung đội cối 82 của tỉnh đánh quận lỵ Quảng Điền diệt tên thiếu tá quận trưởng và 1 trung đội lính địch làm cho địch hoảng loạn. Vùng giải phóng 3 huyện: Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền đã tạo thành thế liên kết rộng lớn. 2 xã Quảng Thái, Quảng Ninh du kích lên tới 1 đại đội thường được huyện điều động hoạt động trong huyện của mình.

      Cũng vào cuối năm 1967, huyện Quảng Điền đã tổ chức ba cuộc binh vận lớn. Nội dung cuộc binh vận là phất cờ giải phóng và giương cao bích chương yêu cầu hòa bình cho dân. Cờ giải phóng bay giữa ban ngày trong cố đô Huế, rõ ràng không phải chuyện thường.

      Chuyến đi thứ nhất gồm 2 người, anh Lề và anh Xuân mang thư của Mặt trận giải phóng (chỉ là cái cớ) lên tỉnh, qua quận, quận cho ô tô chở 2 người lên Huế. Tỉnh trưởng gặp bình thường, rồi lại cho xe chở về. Tới quận, hai anh đi đường cũ, giữa đường, hai anh đi tắt vào trảng cát, về lại Quảng Lợi đàng hoàng. Chuyến đi này vào ngày Noel 25/12/1967.

     Chuyến thứ 2,  đồng chí Tròn và đồng chí Cuộc, cầm cờ và bích chương lên cây số 17 đưa thư cho Trung đoàn trưởng Thọ. Thọ đón tiếp đàng hoàng rồi lại cho về, nhưng về đến bến đò Văn Xá - Hạ Lang khi đang đứng trên đò qua sông, bị bọn cảnh sát Ngụy phục kích bắn chết ngã ngay trên đò. Dân tới đem chôn và lập miếu thờ 2 anh ngay trên bờ sông.

     Chuyến thứ 3, đi cùng ngày mồng một Tết như đoàn thứ 2, đoàn 3 gồm anh Thắng và chị Tho. Hai người cũng cầm cờ, mang thư lên cho quận trưởng. Vừa tới nơi, bọn cảnh sát đã xông ra đánh hai anh chị tơi bời, sau đó chúng lôi anh Thắng, chị Tho qua cồn mộ ngay trước cổng quận bắn chết.  Cờ đi đến đâu nhân dân 2 bên đường kéo ra đón tiếp nồng nhiệt. Đủ biết lòng dân hướng về Mặt Trận và tin tưởng vào cách mạng như thế nào. Cuộc, Tròn, Thắng, Tho hy sinh, chỉ hơn 10 giờ sau tiếng súng giờ G mở màn cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đã bùng lên. "Có những phút làm nên lịch sử, có cái chết hóa thành bất tử" là vậy. Thơ Tố Hữu đã  ca ngợi chính chiến công người dân quê hương mình.

     Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy các lực lượng quân sự trong huyện đã bổ sung lực lượng, chỉnh huấn, chuẩn bị đạn dược, lương thực và lên phương án tác chiến của mình. Phương án của Quảng Điền gồm 3 mũi. Mũi hướng Đông Bắc. Trung đội 3 thuộc C114 cùng với du kích xã Quảng Thái tấn công chiếm các làng An Gia, Thạch Bình, Tráng Lực và liên lạc với hướng Đông Nam xã Quảng Phước cùng du kích Quảng Thọ, Quảng Đại nổi dậy. Hướng Tây Nam, hướng này có đồn Đức Trọng địch đã bỏ chạy trước khi ta chưa tấn công. Đội du kích tập trung cùng 2 trung đội C114 đánh chiếm phân chi khu xã Quảng Vinh. Ta chiếm Quảng Vinh xong, đánh tiếp về Uất Mậu, Vân Căn.Hướng Đông Nam, trung đội 3 thuộc C114 cùng du kích Quảng Vinh, Quảng Đại tấn công đánh chiếm làng Thủ Lễ, làng Khuông Phò và liên lạc với hướng Đông Bắc.

      Giờ G thật thiêng liêng, chưa có lệnh nổ súng tất cả các mũi tấn công đều hồi hộp chờ đợi, khoảng sau 2 giờ, sáng ngày 31/01/1968, tất cả bầu trời thành Huế rực lửa thì Quảng Điền cũng tưng bừng nổi dậy tấn công. Các mũi tấn công đều đánh chiếm cơ bản đúng như kế hoạch tác chiến đã đề ra. Rất tiếc là C114 và du kích không có B41 và DKZ nên không giải phóng được trung tâm thị trấn Sịa. Nhưng ta vây chặt bọn lính Ngụy ở Sịa không làm được gì. Vui mừng là chiến thắng vang lừng, hàng 100 thanh niên xung phong gia nhập vào bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, không khí ở ngày giải phóng thật tưng bừng.

       Một vinh quang nữa cho Quảng Điền, là Huế coi Quảng Điền là hậu phương của mình. Từ chiến khu về Huế theo cánh Bắc phải đi qua Quảng Điền. Nên từ Huế lên chiến khu hoặc chiến khu về Huế theo cánh Bắc đều phải đi qua Quảng Điền. Quảng Điền chở vũ khí, gạo hỗ trợ cho lực lượng bên trong của Huế. Rất kín đáo khi những khẩu AK được đặt trong những bao gạo to cồng kềnh, và đạn được gói như gói bánh chưng để ngụy trang đưa lên Huế.

     Có người hỏi:

     - Làm bánh chưng chi sớm vậy.

     Được trả lời ngay:

     - Đạn bên trong chứ bánh chi đâu.

     Vậy là những chuyến chở vũ khí theo đường sông lên Huế rất an toàn.

     Quảng Điền tổ chức 4 chuyến đưa du kích lên Huế giúp thanh niên đường phố nổi dậy. Trong đó, đoàn 10 người và đoàn 40 người lên được, 2 đoàn còn lại đi theo đường Bao Vinh và An Hòa vì địch còn đang chiếm giữ, không qua được phải quay về. Điều rất cần cho Huế lúc này là thương binh tại Huế, không thể để ở Huế được, một trong những hướng đi ra là Quảng Điền. Thương binh đến Quảng Điền có lúc đông nhất là 1.000 người. Hầu hết gia đình nào ở Quảng Điền cũng nuôi dưỡng thương binh, có nhà nuôi tới 2,3 thương binh cho ăn uống, chăm sóc, cho thuốc thang, đúng là chỉ có quê hương được giải phóng mới làm nổi điều đó. Và nhất là khi chuyển thương binh lên rừng, không ai khác, chính dân Quảng Điền, đã lần lượt gánh thương binh lên chiến khu. Ngày thứ 15, các vùng nổi dậy đã được phép rút quân lên chiến khu, Huế, ông Tư Minh, Bí thư Thành Huế cũng điện ra Trung ương xin ý kiến, nhưng đồng chí Lê Duẩn trả lời rất rõ ràng: "Huế phải ở lại để làm chính trị cho các chiến trường khác". Chính vì vậy tới ngày 26, Huế mới được lệnh rút quân.

     26 ngày đêm, Quảng Điền đã nổi dậy, tấn công tưng bừng. Chính những năm trước Mậu Thân, Quảng Điền đã giải phóng, nên tới xuân Mậu Thân, Quảng Điền đã có thể tự mình đứng dậy đấu tranh, góp phần làm cho chiến thắng Mậu Thân rực rỡ. Sau Mậu Thân, Mỹ phải ngồi vào để tiến tới ký hiệp định Paris rõ ràng không phải là chuyện bình thường. Chiến thắng Mậu Thân chẳng phải là một điểm sáng trong lịch sử đánh Mỹ đó sao !                                     

         

Trần Gắng kể

                                                                   Nguyễn Quang Hà ghi

                   

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Công khai TTHC
 
Phản ánh-kiến nghị
 
Rà soát, kiểm soát Thủ tục hành chính
 
Tin tức khác
 
Tình hình giải quyết TTHCC
 
Văn bản QPPL
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.279.932
Truy câp hiện tại 3.715