Tại Hội nghị này, Thường trực HĐND và các Ban HĐND huyện, xã, thị trấn đã tập trung thảo luận, đánh giá và chia sẽ kinh nghiệm hoạt động xung quanh 02 chủ đề: (1) Một số kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giải trình của Thường trực HĐND, (2) Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các Đoàn giám sát.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Cảnh Dư-Chủ tịch HĐND huyện đã đánh giá những kết quả đạt được, nêu lên những hạn chế, khuyết điểm trong việc tổ chức hoạt động giải trình của Thường trực HĐND và việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện, xã, thị trấn trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện, xã, thị trấn cần quan tâm đến một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động này trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần lựa chọn đúng nội dung: là những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết, bức xúc, nổi cộm tại địa phương, tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến dư luận, được đại biểu HĐND và các cử tri quan tâm nhưng chậm giải quyết hoặc không tập trung giải quyết nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, do năng lực quản lý, điều hành, do sự tắc trách, đùn đẩy trong công việc, tránh chọn những vấn đề do các nguyên nhân khách quan, khó giải quyết gây áp lực cho việc điều hành của UBND. Có như vậy, các kết luận tại phiên họp mới có tính khả thi, tạo sự tin tưởng đối với cử tri.
Thứ hai, phải xác định rõ mục tiêu cần đạt được của phiên giải trình, của việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị là gì. Đây cũng là vấn đề quan trọng, bởi xác định được mục tiêu sẽ định hướng được bước đi của các bước tiếp theo, việc điều hành và kết luận phiên giải trình cũng sẽ tập trung, chất lượng hơn.
Thứ ba, cần coi trọng công tác chuẩn bị: từ việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tư liệu; xây dựng bộ câu hỏi, đặt câu hỏi về trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, liên quan đến lĩnh vực phụ trách, yêu cầu rõ lộ trình khắc phục.
Thứ tư, công tác điều hành phải linh hoạt, quyết đoán, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc. Phải phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên tham dự phiên họp. Có như vậy, các vấn đề mới được đưa ra thảo luận một cách cởi mở, thấu đáo.
Thứ năm, kết thúc phiên giải trình, đợt giám sát kết quả giải quyết phải có thông báo kết luận cụ thể, sát đúng với mục tiêu đề ra, các nội dung giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp thực hiện phải cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng, không nên đưa ra những kết luận chung chung, hiệu quả thực hiện và tính khả thi sẽ không cao.
Thứ sáu, phải coi trọng công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung được đưa ra tại Thông báo kết luận. Đây là khâu quan trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả của phiên họp giải trình, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của các Đoàn giám sát. Chỉ khi nào các kết luận đưa ra được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả thì việc tổ chức phiên họp giải trình, tổ chức giám sát mới thành công, tạo được sự tin tưởng của cử tri và nâng cao vai trò, vị thế của Thường trực HĐND và HĐND tại địa phương.
Phương Dung