Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn sau dịch trên địa bàn huyện Quảng Điền
Ngày cập nhật 15/10/2019
(hình minh họa)

Hiện nay, tình hình Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn ra tại các địa phương trong cả nước. Trên địa bàn huyện, tính đến ngày 09/10/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 11 xã, thị trấn, tổng số lợn tiêu hủy 11.432 con (3.545 nái, 5.281 lợn thịt, 2.606 lợn con), tổng trọng lượng tiêu hủy 755.739kg. Khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây nhiễm và tái phát kéo dài trong thời gian tới là rất cao. Bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi hiện nay có chiều hướng tăng mạnh, một số hộ chăn nuôi có ý định tái đàn. Để tránh tư tưởng chủ quan và tăng cường các biện pháp chủ động khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, giúp phát triển chăn nuôi an toàn, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung công việc, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh

- Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ:

+ Công điện số 1.194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

+ Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ban hành kèm theo Quyết định số 4.527/QĐ-BNNPTNT ngày 15/11/2018.

+ Công điện số 1.237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 về việc tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;

+ Công văn số 1.960/BNN-TY ngày 20/3/2019 về việc chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

+ Hướng dẫn số 4.249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

+ Công văn số 5.169/BNN-TY ngày 22/7/2019 về việc hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

+ Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

+ Thông báo số 5.542/TB-BNN-TY ngày 02/8/2019 về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi”.

- Các văn bản của UBND tỉnh:

+ Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 07/9/2018 và Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 14/9/2018 về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.

+ Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 20/11/2018 về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.

+ Quyết định số 2.842/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 về việc ban hành "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh”.

+ Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 05/01/2019 về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2019.

+ Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 20/02/2019 về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh

+ Các Công văn chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 28/02/2019 của UBND huyện về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện; Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 23/5/2019 về việc tập trung quyết liệt chống dịch tả lợn Châu Phi.

2. Tăng cường chỉ đạo một số giải pháp kỹ thuật

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, các hoạt động kinh doanh, vận chuyển lợn và sản phẩm chế biến từ lợn trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột hoặc các hóa chất như: Ben Kocide, Han Iodine, xút (NaOH),… theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Tần suất thực hiện như sau:

+ Đối với cơ sở chăn nuôi: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi 01 lần/tuần và theo các đợt phát động của địa phương.

+ Đối với cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt lợn, sản phẩm thịt lợn: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất, giết mổ.

+ Đối với địa điểm thu gom, chợ bán sản phẩm của lợn: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán sau mỗi phiên chợ; trong đó, phương tiện vận chuyển phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần vận chuyển.

- Tăng cường công tác giám sát dịch tễ, kịp thời phát hiện bệnh để báo cáo các cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp đồng bộ khống chế, bao vây, dập tắt.

- Thực hiện đúng quy trình trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm lợn sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

- Tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn xâm nhiễm, khuyến cáo chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh kết hợp với sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đã được công nhận lưu hành đã kiểm chứng trên thực tế có tác dụng trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và nâng cao chất lượng chăn nuôi; tuyên truyền chăn nuôi liên kết theo chuỗi và xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

3. Về quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn trong vùng không có dịch và vùng hết dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Sau khi công bố hết dịch và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, các cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn so với công suất thiết kế tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

- Hướng dẫn, khuyến khích và chỉ đạo các cơ sở, các hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo Hướng dẫn số 254/HD-CCCNTY ngày 17/7/2019 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Công văn số 5.329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; trong đó, lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:

+ Vị trí chăn nuôi phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

+ Chuồng trại chăn nuôi phải cách biệt với nơi ở; đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

+ Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch; trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

+ Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp; không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới.

+ Phải vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống thường xuyên; thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng quy định; trong trường hợp phát hiện có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch.

+ Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải: Chất thải rắn phải được thu gom và trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch bệnh; nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn.

4. Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Thông báo kết luận số 5.542/TB-BNN-TY

- Rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn trong vùng đang không có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (chủ yếu ở vùng trang trại rú cát nội đồng), bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn; duy trì đảm bảo tốt các giải pháp phòng dịch bệnh, trong đó chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh.

- Khuyến cáo những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học thì không nuôi tái đàn lợn. Các cơ sở cố tình tái đàn mà không khai báo với chính quyền và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra.

5. Về giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi

- Khẩn trương thực hiện giải ngân nguồn kinh phí tỉnh đã cấp để hỗ trợ kịp thời cho các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

- Tuyên truyền, vận động các hộ sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ để khôi phục, phát triển sản xuất, chuyển đổi các đối tượng vật nuôi, cây trồng phù hợp, đầu tư thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

- UBND các xã, thị trấn thực hiện báo cáo kết quả giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ sau mỗi đợt cấp về cho UBND huyện (qua phòng Tài chính - Kế hoạch) để có cơ sở theo dõi, chỉ đạo./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.190.925
Truy câp hiện tại 163