Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2019 và tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật
Ngày cập nhật 18/01/2019
(hình minh họa)

Trong năm 2018, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có diễn biến phức tạp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Trên địa bàn tỉnh, huyện dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cơ bản được khống chế; tuy nhiên, nguy cơ tái phát trong thời gian đến vẫn rất cao do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu, phát tán trong môi trường, thời tiết bất lợi tác động tiêu cực đến sức khỏe của đàn vật nuôi; việc vận chuyển, giết mổ động vật, mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là rất cao. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng, ngày 15/01/2018, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về việc tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân 2019 và tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, với các nội dung cụ thể như sau: 

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi.

- Ngăn chặn và xử lý kịp thời dịch bệnh tái phát, đặc biệt là dịch tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc, dịch cúm gia cầm để phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và môi trường sinh thái. Tập trung ngăn ngừa và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng xâm nhiễm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm đúng thời gian, đúng đối tượng, đạt tỷ lệ và hiệu quả cao.

- Quản lý tốt đàn gia súc, gia cầm; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đồng thời quản lý, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tới thôn, xóm, hộ gia đình.

II. Nội dung thực hiện

1. Đối tượng tiêm phòng

a) Đối với trâu bò

- Tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho 100% số trâu, bò trong diện tiêm.

- Tiêm vắc xin lở mồm long móng (LMLM): Tổ chức tiêm theo kế hoạch của tỉnh và Chương trình khống chế bệnh LMLM gia súc.

b) Đối với dê

- Vắc xin tụ huyết trùng dê.

- Vắc xin LMLM.

c) Đối với lợn

- Tiêm vắc xin tam liên lợn (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn) cho 100% đàn lợn nằm trong diện tiêm.

- Tiêm vắc xin LMLM cho đàn lợn nái, đực giống theo kế hoạch của tỉnh và Chương trình khống chế LMLM.

- Vắc xin E.coli, kháng thể E.coli: Phòng bệnh tiêu chảy và sưng phù đầu cho đàn lợn.

d) Đối với gia cầm

- Gà: Vắc xin cúm, newcastle, lasota, tụ huyết trùng, gumboro, đậu.

- Vịt: Vắc xin cúm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng.

- Chim cút: Vắc xin cúm, newcastle.

đ) Đối với chó, mèo

Tiêm phòng vắc xin dại chó cho 100% đàn chó, mèo. Trong đợt tiêm phòng vắc xin vụ Xuân, thú y viên kết hợp với Ban điều hành thôn thống kê đàn chó, mèo hiện có để tiêm phòng bệnh dại triệt để và đăng ký vắc xin với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện trước ngày 01/3/2019.

2. Thời gian triển khai tiêm phòng

a) Tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, tiêm vắc xin tam liên lợn (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn)

- Từ ngày 15/01 - 20/01/2019: Điều tra, thống kê và họp triển khai. 

- Từ ngày 21/01- 20/3/2019: Tiêm đại trà vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, dê; dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn lợn.

b) Tiêm vắc xin dại chó từ ngày 20/3/2019 đến 20/4/2019.

c) Tiêm vắc xin LMLM gia súc từ 20/4/2019 đến 30/5/2019.

d) Tiêm vắc xin gia cầm tiêm thường xuyên trong các tháng.

Lưu ý

- Các đơn vị tổ chức tiêm phòng tập trung, cuốn chiếu theo địa bàn từng thôn.

- Ngoài thời gian tiêm phòng vụ chính, thú y viên phải theo dõi và tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới và vụ chính chưa tiêm phòng.

3. Chỉ tiêu tiêm phòng

Căn cứ kết quả tiêm phòng hàng năm của các xã, thị trấn, phấn đấu tiêm đạt kế hoạch trong diện tiêm. Chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể: (có phụ lục kèm theo).

4. Kỹ thuật tiêm phòng, bảo quản vắc xin

Theo tập huấn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và hướng dẫn của nhà sản xuất.

5. Giá dịch vụ tiêm phòng: Như vụ Thu 2018.

III. Tổ chức thực hiện

1. UBND các xã, thị trấn

- Xây dựng kế hoạch và họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giao chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm cho các thôn, đội; chỉ đạo Ban Chăn nuôi thú y phân công thú y viên phụ trách từng địa bàn, phối hợp với Ban điều hành thôn để thống kê đàn gia súc, gia cầm và tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi vụ Xuân năm 2019 đạt chỉ tiêu và đúng thời gian quy định.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức cho nhân dân biết sự nguy hại của dịch bệnh; lợi ích của công tác tiêm phòng để mọi người dân tự giác thực hiện.

- Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tu sữa chuồng trại đảm bảo khô ráo, không bị mưa tạt, gió lùa; đồng thời tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

- Tập trung ngăn ngừa và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng xâm nhiễm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện. Thực hiện các biện pháp tổng hợp để phòng các loại dịch tái phát; chú trọng việc giám sát phát hiện dịch sớm, báo cáo nhanh, xử lý gọn ổ dịch không để lây lan; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi có gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh nguy hiểm phải báo ngay với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra, xử lý ngay hộ đầu tiên để tránh lây lan ra diện rộng; chủ động sử dụng ngân sách địa phương cho công tác phòng chống, dịch bệnh kịp thời.

- Tổ chức tiêu độc, khử trùng định kỳ hàng tháng đến tận hộ chăn nuôi, các hố chôn huỷ gia súc, gia cầm, đường làng, ngõ xóm và những nơi có nguy cơ cao; vận động chủ chăn nuôi tự mua hóa chất tiêu độc, thường xuyên vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của thú y.

- Chỉ đạo Ban Chăn nuôi Thú y phối hợp các ngành liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra và xử lý kiên quyết hành vi mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có thủ tục kiểm dịch, giết mổ động vật để kinh doanh không đúng địa điểm quy định, các quầy bán không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; chủ nuôi không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tiêm phòng bắt buộc đối với vật nuôi; thú y viên không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân công.

- Chỉ đạo Ban quản lý các chợ, Trưởng thú y thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán động vật và sản phẩm động vật không đúng địa điểm, không rõ nguồn gốc, không có thủ tục của thú y.

- Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo lịch thời vụ; tôm giống phải được kiểm dịch, xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi.

2. Phòng Nông  nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các ban ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để chủ vật nuôi, các hộ kinh doanh tự giác thực hiện các quy định, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

- Tham mưu UBND huyện tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý nghiệm các trường hợp vi phạm quy định của Luật Thú y, đặc biệt tập trung thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các ngày lễ lớn trong năm 2019.

- Bố trí cán bộ về cơ sở hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tu sửa chuồng trại đảm bảo khô ráo, không bị mưa tạt, gió lùa; đồng thời tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để tăng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

- Tập huấn kỹ thuật cho thú y viên, các hộ chăn nuôi về công tác tiêm phòng, giám sát dịch, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật và xử lý khi có nghi ngờ dịch bệnh.

- Chuẩn bị đủ vắc xin, hóa chất tiêu độc, khử trùng, trang thiết bị cần thiết phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Hàng tháng, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đến tận hộ chăn nuôi, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức triển khai, hướng dẫn công tác tiêu độc định kỳ các trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất tinh lợn, các lò giết mổ gia súc, các lò ấp, các quầy bán sản phẩm động vật, bãi tập kết động vật trên địa bàn huyện; đồng thời tăng cường kiểm tra, phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm theo quy định.

- Yêu cầu các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, các tổ chức các nhân kinh doanh, chăn nuôi, giết mổ khi nhập động vật vào địa bàn huyện phải khai báo với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để được hướng dẫn cụ thể và tuân thủ các điều kiện kiểm dịch động vật theo quy định của Luật Thú y.

3. Công an huyện

- Bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có thủ tục kiểm dịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh thú y, đặc biệt tập trung thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn, cơ quan thú y để xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện

Thường xuyên thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành cho mọi người về công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

5. Thủ trưởng các ban ngành liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

6. Chủ vật nuôi

- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật, tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm, tiêu độc định kỳ chuồng trại và trả phí theo quy định.

- Những hộ chăn nuôi cố tình trốn tránh việc tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp lệnh Thú y và không được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.229.267
Truy câp hiện tại 3.000