Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tập trung quyết liệt chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Quảng Điền
Ngày cập nhật 27/05/2019
(hình minh họa)

Vào ngày 24/5/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại các thôn: La Vân Thượng (xã Quảng Thọ); Phú Lễ (xã Quảng Phú); Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi); Mai Dương (Quảng Phước) và hiện nay tại một số địa phương khác đang có lợn bệnh, lợn bị chết xảy ra, đã lấy mẫu xét nghiệm.

Do dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát, dịch còn diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu hộ gia đình, nhỏ lẻ, đan xen trong các khu dân cư, mật độ chăn nuôi dày. Do vậy, việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lây lan mầm bệnh như: chuột, gián và các loại côn trùng khác để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó khăn; mặt khác, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan. Vì vậy, trong thời gian tới nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên địa bàn huyện là rất cao, diễn biến hết sức phức tạp, bệnh có thể lây lan sang các xã, thị trấn chưa có dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Thủ trư­ởng các cơ quan, ban ngành liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện tập trung mọi nhân lực, nguồn lực để tổ chức dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp về phòng, chống dịch theo nội dung quy định tại Quyết định số 2.842/QĐ-UBND  ngày 07/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 20/02/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 28/02/2019 của UBND huyện về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện; đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung công việc trọng tâm, cụ thể như sau:

1. UBND các xã, thị trấn

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, UBND huyện. Huy động cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch tả Châu Phi bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi biết, tự bảo vệ đàn lợn của mình. Thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho lợn và áp dụng các biện pháp đồng bộ để bao vây và dập tắt dịch.

- Chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định, nếu có khó khăn, phải báo cáo về UBND huyện để có cơ sở theo dõi, chỉ đạo.

- Phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật của xã, thị trấn; Trưởng thôn và thú y viên giám sát dịch đến các hộ chăn nuôi, từng cơ sở mua bán lợn, các điểm giết mổ,... nếu phát hiện lợn ốm, chết xảy ra phải báo ngay cho Ban Chỉ đạo xã, thị trấn, phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện để kiểm tra, xử lý kịp thời.

a) Đối với các xã đã xảy ra dịch

Phải áp dụng khẩn cấp và đồng bộ các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện) để dập tắt dịch.

- Trong thời gian có dịch tả lợn Châu Phi, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch.

- Tổ chức các chốt chặn tại vùng có dịch để kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch để phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan.

- Tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp, kiên quyết tiêu huỷ (không điều trị) đối với lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi. Khi tiêu huỷ phải thực hiện: cân trọng lượng, lập biên bản hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước. Chôn huỷ lợn bệnh phải đảm bảo quy trình, tốt nhất là chôn huỷ trong vườn (số lượng ít) để tránh lây lan. Hạn chế người ra vào vùng dịch.

- Khi có lợn ốm, chết, chủ chăn nuôi phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương (thông qua Trưởng thôn hoặc Thú y viên) để được kiểm tra, chẩn đoán và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện).

- Tuyệt đối không vứt xác lợn chết bừa bãi ra ngoài môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Người nào cố tình dấu dịch, không khai báo để điều trị, làm lan truyền dịch bệnh phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Đối với các xã, thị trấn chưa xảy ra dịch

- Chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở, các ban ngành phối hợp với các đoàn thể, thôn (Tổ dân phố) nắm chắc tổng đàn lợn; tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn chết, lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình nghi của dịch tả lợn Châu Phi thì cần phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn (phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện) để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời.  

- UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Ban chăn nuôi thú y tổ chức các đội phun thuốc sát trùng và rãi vôi bột trên trục đường chính, các chợ mua bán động vật, sản phẩm động vật và đến từng hộ chăn nuôi; đồng thời, vận động các chủ nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực liên quan.

- Tuyên truyền cho người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống nắng nóng và khẩn trương tiêm phòng các loại vacxin Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn và Lở mồm long móng cho đàn lợn để nâng cao sức đề kháng để dễ dàng chẩn đoán, phân biệt khi nghi ngờ có dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.

 

- Xây dựng phương án phòng chống dịch nếu có dịch xảy ra áp dụng như các xã đã xảy ra dịch (kinh phí, tiêu hủy lợn ốm chết, địa điểm chôn hủy, lực lượng xử lý, phương tiện vận chuyển, chốt chặn, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác tiêu hủy,...).

2. Phòng Nông Nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi lây lan; phải tăng cường bám sát cơ sở, tổ chức triển khai việc chống dịch, giải quyết kịp thời những khó khăn; phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý kiên quyết những vi phạm về phòng, chống dịch; đồng thời, tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ về nhân lực, vật tư của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đáp ứng cho việc phòng, chống dịch.

3. Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng dự toán kinh phí và cấp phát kinh phí đầy đủ, kịp thời, phục vụ công tác chống dịch nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan theo đúng quy định hiện hành.

 4. Công an huyện (Đội Cảnh sát giao thông, trật tự; Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường) tăng cường chốt chặn, kiểm tra hoặc trong lúc làm nhiệm vụ phát hiện các ph­ương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có thủ tục kiểm dịch để phối hợp với UBND xã, thị trấn sở tại xử lý theo quy định.

 5. Thủ trư­­­ởng các cơ quan, ban ngành liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách để phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

  6. Đoàn kiểm tra liên ngành phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát về việc giết mổ, thủ tục kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, sản phẩm từ lợn mắc bệnh, nghi mắc dịch tả lợn Châu Phi hoặc không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện; tập trung tại các tuyến đường tỉnh lộ, các chợ, các lò mổ và các vùng dịch,… 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.190.925
Truy câp hiện tại 2.304