Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hiệu quả việc thực hiện phát triển kinh tế, mô hình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong hội viên phụ nữ
Ngày cập nhật 07/09/2020

     Xác định “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội. Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã không ngừng phát huy nội lực, khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các phong trào thi đua và mang lại hiệu quả rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

     Với phương châm là "trao cần câu, không trao con cá", Hội phụ nữ đã trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo bằng con giống, cây giống, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, chú trọng tuyên truyền phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp cũng đã khai thác và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh của phụ nữ nghèo và cận nghèo. Hiện nay, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do các cấp Hội trong huyện đang quản lý là trên 158 tỷ đồng, giúp cho 6.569 hộ vay phát triển kinh tế, đã thành lập được 92 nhóm tiết kiệm tín dụng tại chi, tổ phụ nữ, thu hút 9276 cán bộ, hội viên tham gia. Từ nguồn vốn tiết kiệm, các cấp Hội đã giúp 2435 phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi hoặc vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Chính vì vậy trong hai năm qua, Hội các cấp đã giúp 22 hộ nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.

     Để phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo ra chuổi giá trị sản xuất liên kết, cung cấp nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn ra thị trường, Hội hướng dẫn thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, giúp hội viên hình thành tư duy làm ăn kinh tế theo chuỗi giá trị. Nắm bắt nhu cầu được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh của phụ nữ, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành Hội đã thành lập mới 09 tổ hợp tác, tổ liên kết với 225 thành viên tham gia ngâng tổng số hiện nay là 07 tổ liên kết và 04 tổ hợp tác.

     Thực hiện Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội khảo sát, chọn 127 phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp tại các xã, thị trấn, sau đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, ý tưởng kinh doanh cho 127 hội viên có nhu cầu khởi sự kinh doanh. Để chị em hình thành tư duy khởi nghiệp, Hội LHPN huyện hướng dẫn bằng những mô hình sống động ở cơ sở, để chị em nhìn thấy, học tập và làm theo, tiêu biểu các mô hình đã giải quyết được nhiều lao động cho địa phương như mô hình may đồng phục của chị Đặng Thị Thùy Trâm (Quảng Thành), Hồ Thị Thúy Hằng (Quảng Vinh), mô hình sản xuất mắm, nước mắm của Chị Hồ Thị Giang (Quảng Công), Lê Thị Gái (Quảng Ngạn), mô hình củi trấu của Chị Trần Thị Như Hương (Quảng An), mô hình Nhà hàng tiệt cưới của các chị Nguyễn Thị Mai (Quảng Phước), Nguyễn Thị Kim Hoàng (Thị trấn Sịa), Văn Thị Mười (Quảng Thái)...Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp các ban ngành địa phương tổ chức 29 lớp đào tạo nghề, tư vấn xuất khẩu lao động, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 754 chị tham gia, giới thiệu 155 chị có việc làm tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy trong và ngoài địa bàn huyện, tuyên truyền, vận động 11 hội viên, phụ nữ tham gia xuất khẩu lao động. 

     Để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, các cấp Hội đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện “Nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng”. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều cuộc truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động phụ nữ gắn thực hiện an toàn thực phẩm với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” nhằm chuyển đổi hành vi của hộ gia đình hội viên phụ nữ trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn, tham gia có hiệu quả Đề án Ngày chủ nhật xanh, chương trình 60 phút sạch nhà đẹp ngõ, các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông dòng chảy kênh mương tại địa phương; chủ động trồng hoa và cây xanh ven đường; thực hiện tốt các biện pháp phân loại rác thải từ gia đình và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế dùng túi nilon khi đi chợ.

      Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững an toàn vệ sinh thực phẩm của hội liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào thường xuyên của Hội. Hiệu quả và ý nghĩa của các hoạt động chính là sức mạnh thu hút các cán bộ hội, chị em xây dựng tổ chức hội vững mạnh, cũng từ đó công tác chăm lo đời sống tinh thần của phụ nữ được tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

         Bảo Thư

Hội LHPN huyện

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.274.473
Truy câp hiện tại 1.954