Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tích cực vận động nhân dân trồng rừng ngập mặn hạn chế tác động của biến đổi khí hậu
Ngày cập nhật 20/12/2015

             Rừng ngập mặn là nguồn tài nguyên quan trọng đối với nguồn lương thực và sinh kế của con người. Nếu diện tích rừng ngập mặn bị suy giảm thì đồng nghĩa với thực trạng là nguồn thủy sản sẽ ít đi, cộng đồng địa phương sẽ phải gánh chịu những tác hại của thiên tai do thiếu sự bảo vệ tự nhiên của đai rừng ngập mặn. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đặc biệt đối với vai trò phát triển nuôi trồng thủy sản, những năm qua, huyện Quảng Điền đã tiếp nhận và triển khai nhiều dự án nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng rừng ngập mặn gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản, bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định. 

            Quảng Điền là địa phương vùng trũng, hàng năm vào mùa lụt, bão, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, gây xói lở nhiều vùng đất ven biển, ven phá, ảnh hưởng đến nhà cửa, cây cối, ao hồ nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân. Trước tình hình khí hậu toàn cầu đang có những biến đổi lớn, bất lợi đối với cuộc sống của con người, thì vai trò của việc rừng ngập mặn nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng của của thiên tai do biến đổi khí hậu càng trở nên đặc biệt quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

          Các địa phương ven phá, ven biển như ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng An và Quảng Thành…sẽ an toàn hơn nếu có các vành đai rừng ngập mặn làm nhiệm vụ phòng hộ ở bên ngoài để chắn sóng, hạn chế tình trạng xói lở, bảo vệ bờ biển và vùng đầm phá. Vì vậy, việc trồng, phục hồi và phát triển thêm diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết, với các loại cây chắn sóng như đước, vẹt, bần, sú…. nhằm đảm bảo thích nghi với môi trường nước vùng ngập mặn và có tỷ lệ sống cao với môi trường vùng ven biển, đầm phá của huyện Quảng Điền.

            Trên cơ sở đó, từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và các chương trình hỗ trợ của dự án “Sáng kiến và phát triển địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu" của Luxambouar, huyện Quảng Điền đã triển khai thực hiện công tác trồng rừng ngập mặn ở các địa phương ven phá, ven biển trên địa bàn, chỉ tính riêng vùng đất ngập mặn ven phá Tam Giang và cửa sông Ô Lâu ở các xã Quảng Thái và Quảng Lợi; vùng cát ven biển và cát nội đồng ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thái, thuộc huyện Quảng Điền có diện tích đất tự nhiên 14.160ha; trong đó đất lâm nghiệp 1.828ha.

             Giai đoạn từ 2012-2015, huyện Quảng Điền đầu tư tổng nguồn vốn 14,3 tỷ đồng, do ngân sách Trung ương cấp từ Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững, ngân sách tỉnh và huy động từ các nguồn vốn khác để trồng và chăm sóc khoảng 370ha rừng ngập mặn tại các địa phương ven phá, ven biển trên địa bàn huyện. Trong số đó, trồng rừng ngập mặn ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi khoảng 150 ha; rừng phòng hộ vùng cát ở các xã Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi khoảng 220ha và chăm sóc 30,2ha rừng đã trồng thuộc dự án 661.

            Rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ cho cộng đồng trước các thiên tai, đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng dễ bị xói lỡ. Nhiều người dân ở thôn Trung Làng, xã Quảng Thái cho biết, thấy được lợi ích thiết thực và to lớn của rừng ngập mặn, nhiều người dân tích cực tham gia trồng rừng theo dự án, trồng phân tán ở các ao hồ. Chính nhờ trồng cây ngập mặn trong các ao hồ thủy sản đã giúp họ mở rộng được thêm diện tích ao nuôi, thả thêm nhiều con giống, thức ăn, nên năng suất và sản lượng tăng lên, đem lại nguồn thu khá cao.

            Một khi những diện tích rừng ngập mặn được trồng phát triển tốt sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới cho địa phương, cộng đồng dân cư và cả hệ thống cảnh quan môi trường quanh khu vực. Thực tế tại các vùng rừng ngập mặn ở xã Quảng Thái và Quảng Lợi cho thấy khi thủy triều lên ở một số vùng rừng ngập mặn, người dân phát hiện thấy nhiều loài tôm, cua, cá vào trú ngụ và kiếm ăn trong rừng. Chính vì thế, nếu diện tích rừng ngập mặn được phủ xanh, những khu vực ven biển, đầm phá của huyện sẽ trở thành những bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, bảo vệ tính đa dạng sinh học, giúp người nuôi trồng thủy sản có thể phát triển theo hướng nuôi sinh thái bền vững.

             Trong thời gian tới, huyện Quảng Điền tiếp tục tranh thủ các nguồn lực dự án và vận động nhân dân các địa phương tiếp tục trồng mới và bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn và rừng phòng hộ vùng cát với mục đích nhằm bảo vệ và phát triển rừng ngập nước vùng ven biển và đầm phá, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, tăng khả năng hấp thụ CO2, bảo vệ môi trường sinh thái và các công trình hạ tầng vùng ven biển, đầm phá, phát triển du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân huyện Quảng Điền./.

                                                                                                        Thực hiện: Ngọc Kim

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.182.911
Truy câp hiện tại 44.366