Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Sắc màu” lễ hội góp phần tô sáng mùa xuân Quảng Điền
“Sắc màu” lễ hội góp phần tô sáng mùa xuân Quảng Điền
Ngày cập nhật 13/02/2015

Tết đến Xuân về là dịp để người dân vùng đất giàu truyền thống văn hóa huyện Quảng Điền Quảng Điền tái hiện các lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với nhiều ý nghĩa tâm linh và nhân văn của dân tộc. 

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Quảng Điền mang trong mình nhiều dấu ấn văn hóa đặc trưng như hò bã trạo, múa náp, đua ghe truyền thống đặc biết vào những ngày đầu xuân năm mới nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với nhiều ý nghĩa tâm lý và nhân văn như vật Thủ Lễ, đu tiên Phước Yên và các hoạt động đặc trưng khác như bài chòi, bóng chuyền cũng như đua ghe cũng được triển khai đều đặn.

Một trong những hoạt động mang tính chất tâm linh và nhân văn lớn nhất đó là vật Thủ Lễ, hiện nay không ai nhớ rõ lễ hội vật truyền thống làng Thủ Lễ có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, đây là trò chơi thể thao dân gian mang tính nhân văn, tinh thần thượng võ, hiện diện trên vùng đất của làng từ hàng trăm năm trước. Tương truyền, môn vật võ nhằm rèn luyện thân thể, sức mạnh của các tầng lớp nhân dân để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lao động sản xuất và có ý nghĩa cầu an. Trải qua bao thăng trầm, hội vật làng Thủ Lễ đến nay vẫn được nhân dân gìn giữ và phát huy trở thành lễ hội không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Các chước vật hùng mạnh của các bô lão được thế hệ hôm nay lưu giữ và phát huy. Thành thông lệ, cứ đến ngày mồng 6 tết, tại đình làng Thủ Lễ, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội vật nhằm lưu giữ và tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa của làng, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho người dân. Vật võ từ đó cũng đã trở thành mạch sống của làng Thủ Lễ và nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền. Theo ông Phan Hùng – Bí Thư Đảng ủy Quảng Phước cho biết “ vật truyền thống ở quê hương đã có trên 300 năm, sau một thời gian bị mai một vào năm 2006 UBND huyện đã cho phục dựng lại, từ đó đến nay hàng năm điều được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng âm lịch. Cứ mỗi lần tổ chức là dịp để tất cả người dân khắp nơi tề tựu về đình làng Thủ Lễ để thưởng thức lễ hội đặc trưng truyền thống của vùng đất văn vật”

            Cùng với vật Thủ lễ, tết đến Xuân về cũng là lúc để các cặp đôi trai gái làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, hay làng An Gia, thị trấn Sịa có dịp phô diễn những màn đu tiên hấp dẫn, quyến rũ bao người. Các vật dụng để làm dây đu, điểm tựa đều bằng nguyên liệu tre sẵn có trong làng. Theo thể thức chơi, các cặp đôi trai gái nhún xích đu đẩy càng bay cao càng chứng tỏ sự tài hoa, khéo léo và sức mạnh. Cặp đôi nào bay cao nhất, đẹp nhất mang về chiến thắng. Cũng có thể lệ chơi đu đơn nhưng không hấp dẫn bằng đu đôi nam nữ... Hội đu tiên có từ khi nào, ngay cả cao niên Trần Đức Thắng ở làng Phước Yên cũng không nhớ rõ. Ông cũng như dân làng chỉ biết rằng đây là trò chơi dân gian không thể bỏ qua trong dịp Tết cổ truyền. Các cặp trai gái tham gia chơi được tuyển chọn là những người khỏe mạnh, dẽo dai, khéo léo, có bản lĩnh. Đu tiên không chỉ là môn thể thao mang tính giải trí được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 5 tết, mà còn góp phần quy tụ nhân dân trong làng và các làng, xã khác đến với nhau, động viên, chia sẻ niềm vui, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng ấm no.

Ở huyện Quảng Điền còn có lễ hội đua thuyền truyền thống có từ lâu đời của cư dân vùng sông nước. Đây không chỉ là lễ hội mang tính giải trí, thể hiện sức mạnh của cư dân, mà còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội đua thuyền thường được tổ chức vào ngày mồng 7 tết, thu hút người dân khắp nơi trên địa bàn huyện đến xem. Các đội chiến thắng cũng được “trọng thưởng” bằng các sản vật của làng. Cũng dịp Tết đến Xuân về, người dân Quảng Điền còn được thưởng thức những màn trình diễn kéo co không kém phần sôi động. Những tiếng reo hò, hay “cố lên, cố lên...” làm sôi động một vùng quê vốn thanh bình. Hay chợ phiên ngày tết ở xã Quảng Ngạn chỉ đông trong 3 ngày tết nhưng người bán, kẻ mua hết sức tấp nập, vui tươi và phấn khởi. Người đi chợ để mua lộc với hy vọng một năm mới làm ăn phát đạt, hạnh phúc. Chợ có đủ loại nông sản, nhưng nhiều nhất là cau trầu, đồ chơi trẻ em. Có lẽ chỉ mục đích đi “hái lộc” mà phiên chợ cả người bán lẫn người mua không ai mặc cả...

Mỗi lễ hội ngày tết ở Quảng Điền có nhiều đặc điểm, thể thức, hình thức thể hiện khác nhau, nhưng có chung ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

 

 

                                                                                                                  Công Cường.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.576.967
Truy câp hiện tại 21.563