Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Điền ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.
Ngày cập nhật 13/12/2010

 Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 2010, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên và các dự án để triển khai chương trình trọng điểm về "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp". Qua một năm triển khai, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

 

Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất là yếu tốt quan trọng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm 2010, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã vận động bà con nông dân của của 11 xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức được 115 lớp chuyển giao KHKT, thu hút gần 4 nghìn lượt nông thôn tham gia, với các nội dung: kỹ thuật thâm canh lúa, lạc, kỹ thuật trồng rau xanh, trồng hoa, cây kiểng...Qua đó đã giúp bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Đối với Ngành trồng trọt, huyện Quảng Điền đã vận động đưa giống lúa xác nhận vào sản xuất đạt 98,08% diện tích, với số lượng 908, 455 tấn, trong đó giống lúa xác nhận tại chỗ chiếm hơn 236 tấn. Vì vậy, năng suất lúa bình quân cả năm của huyện đạt 57,08 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt trên 45 nghìn tấn. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã vận động bà con nông dân đưa giống Lạc mới MD7, L14 vào sản xuất, với diện tích 612 ha; mở rộng diện tích trồng rau màu, trồng hoa, rồng Ngô vụ Đông, mướp đắng trái vụ, diện tích lúa chất lượng, diện tích Lạc Hè thu và thực hiện thành công mô hình ươm nhân giống hoa cúc tại HTX Nam Vinh, xã Quảng Vinh. Nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, được sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, bà con nông dân của các xã, thị trấn cũng đã đẩy mạnh cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh, hoa và cây ăn quả. Phong trào trồng, kinh doanh cây kiểng ngày càng được nông dân quan tâm và phát triển theo chiều hướng tốt, kể cả số lượng lẫn chất lượng, điển hình là ở xã Quảng Thọ và Quảng An. Đặc biệt để từng bước khẳng định thương hiệu rau xanh của Quảng Điền, được sự giúp đỡ của Sở khoa học công nghệ và hỗ trợ của Dự án phát triển nông thôn huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai Dự án xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP ở xã Quảng Thọ vụ thứ 4 và xã Quảng Thành vụ thứ 5 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đồng thời đã hỗ trợ, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng hoa, đến nay, các HTX Quảng Thọ 2, HTX Nam Vinh, thị trấn Sịa tiếp tục được mở rộng diện tích trồng hoa quanh năm khoảng 4 ha, trong đó chủ yếu là hoa cúc, giá trị sản lượng trên 1 sào đạt bình quân từ 10 đến 12 triệu đồng/ vụ.

Bên cạnh việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, huyện Quảng Điền cũng đã triển khai các mô hình, dự án như: đã tổ chức thử nghiệm các giống lúa có chất lượng cao như: TDDB6; N46; HT6, Quốc hương 5 với diện tích gần 10 ha ở 4 HTX: Phú Hoà, Đông Vinh, số 1 và số 2 thị trấn Sịa; đã triển khai mô hình sử dụng nấm Trichodesma để ủ phân hữu cơ, xử lý gốc rạ tại 03 HTX: Phú Hoà, Kim Thành và số 2 thị trấn Sịa, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là sử dụng mô hình này để bón trên đất trồng hoa, rau xanh các loại; Mô hình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (3 giảm, 3 tăng) vẫn được tiếp tục triển khai và mở rộng ở 17 HTX trên địa bàn huyện.

Đối với Ngành chăn nuôi, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên dịch bệnh động vật nguy hiểm được khống chế, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt khá. Chăn nuôi theo quy mô trang trại và gia trại tiếp tục phát triển. Hiện nay, toàn huyện có 27 trang trại và 500 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, phát huy những kết quả đạt được trong việc sử dụng chế phẩm sinh học EM trong vụ nuôi trồng thuỷ sản, năm 2010 này, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trường Đại học Nông lâm Huế, phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục phổ biến rộng rãi trong các hộ nuôi trồng về sử dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn ở các xã như: Quảng Phước và Quảng An. Năm nay, các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản đều chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên đã thả nuôi thuỷ sản theo hướng xen ghép, nuôi hỗn hợp các đối tượng như: cá kình, cá dìa, cua...Diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ ổn định 637 ha. Mô hình nuôi cá nước ngọt, gồm cá ao, hồ; cá lúa, nuôi cá lồng được các địa phương tiếp phát triển. Các mô hình khuyến ngư cũng đã được triển khai thí điểm trên địa bàn huyện gồm: mô hình nuôi cho sinh sản nhân tạo cá rô đồng tại Trại giống HTX Quảng Thọ 2 (đợt 2) và đang nuôi cá rô đồng thương phẩm, hiện tại ở HTX Quảng Thọ đang có khoảng 7 vạn cá giống rô đồng để chuẩn bị cho vụ nuôi năm tới. Triển khai mô hình nuôi thâm canh cá nước ngọt ở vùng nuôi HTX Bắc Vinh và HTX Quảng Thọ 2 với diện tích 2 ha, có 10 hộ tham gia. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9 tấn, năng suất bình quân đạt 45 tấn/ha, tăng 2,5 lần so với năng suất của toàn huyện, các hộ tham gia nuôi đều có lãi. Mô hình nuôi cá - lúa được triển khai thực hiện ở 3 HTX: Phú Thanh, Kim Thành và An Xuân, với diện tích là 1,5 ha. Nhìn chung mô hình đã cho kết quả cao hơn so với việc chuyên trồng lúa, đã tận dụng được sản phẩm dư thừa, chất thải của cá nên đã giảm được lượng phân bón khoảng 10 đến 15%.

Việc triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ sinh học trên địa bàn huyện Quảng Điền đã tạo điều kiện cho bà con nông dân nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời để người nông dân mạnh dạng đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản đã triển khai thí điểm cho hiệu quả kinh tế cao vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp.

                                              Ngọc Kim

                                                                      

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.343.810
Truy câp hiện tại 2.496