Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Quảng Điền trong năm 2010.
Ngày cập nhật 14/12/2010

 

         Năm 2010, là năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI và kế hoạch 05 năm, thời kỳ 2006- 2010; bên cạnh những thuận lợi cơ bản và những tiền đề đã có được từ những năm trước, chúng ta vẫn phải tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thử thách. Tuy vậy, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của UBND và các ngành cấp tỉnh, của Ban Thường vụ Huyện ủy; cán bộ và nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy những lợi thế có được để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo thêm năng lực sản xuất mới, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

               Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,4%, tăng 0,74% so với năm 2009; trong đó ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 1,4%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 17,2%; ngành dịch vụ tăng 21,3%. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục có chuyển biến tích cực. So với năm 2009, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,2% lên 23,5%; dịch vụ tăng từ 36,5% lên 40,4%; nông - ngư nghiệp giảm từ 41,3% xuống còn 36,1%. Cơ cấu lao động trong nông nghiệp giảm từ 51% xuống còn 48%; lao động công nghiệp - xây dựng tăng từ 15,7% lên 18%; lao động dịch vụ tăng từ 33,3% lên 34%. Các thành phần kinh tế phát triển và có nhiều chuyển biến. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có bước cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2010 ước đạt 14 triệu đồng/năm, tăng 4,1 triệu đồng so với năm 2009.

Công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ đã được đẩy mạnh; đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để xây dựng các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Giống lúa xác nhận vào gieo cấy trên 98% diện tích; tỷ lệ diện tích gieo trồng giống lạc mới đạt 97,2%; đồng thời chú trọng việc trồng rau sạch, rau trái vụ có hiệu quả kinh tế cao; tổ chức thử nghiệm một số giống lúa mới, ứng dụng một số công nghệ vi sinh vật vào sản xuất; triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP” tại 2 HTX: Kim Thành và Quảng Thọ 2; xúc tiến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và quản bá thương hiệu rau an toàn Hóa Châu; triển khai dự án xây dựng làng hoa La Vân Hạ; mở rộng vùng chuyên canh rau Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Vinh, thị trấn Sịa; chuyên mía ở Quảng Phú; chuyển đất lúa từ các chân ruộng kém hiệu quả sang mô hình nuôi cá theo 3 tầng sinh thái cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
           Ngành chăn nuôi đã phát triển theo hướng gia trại, trang trại; một số trang trại đã áp dụng các công đoạn sản xuất theo quy trình nuôi công nghiệp; từng bước kiểm soát được chất lượng sản phẩm, kiểm soát được dịch bệnh; sản phẩm trứng gà ở trang trại đã có được thương hiệu, đáp ứng được theo yêu cầu của thị trường. Việc ứng dụng công nghệ sinh học vàochăn nuôi (chế phẩm EM) được đẩy mạnh. Nhiều mô hình, dự án chăn nuôi có hiệu quả tiếp tục được triển khai và nhân rộng.  Ước tính trong năm 2010, tổng đàn lợn (không kể lợn sữa) 40.700 con, tăng 10,4%; đàn bò 1.970 con, tăng 15,9%; đàn trâu 1.950 con, tăng 2,6%; đàn gia cầm 475.000 con, tăng 5,3%; tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 39,8% lên 42% tổng giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.
          Ngành thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, nhất là việc chuyển đổi phương thức, đối tượng nuôi và áp dụng các mô hình mới, đặc biệt là việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. Toàn huyện đã đưa vào thả nuôi 630 ha nước lợ, đạt 98% kế hoạch. Tỷ lệ diện tích nuôi tôm xen ghép, chuyên cá các loại chiếm 89,4% diện tích thả nuôi. Tuy dịch bệnh tôm có xảy ra trên diện hẹp nhưng đã chủ động phòng ngừa kịp thời, không để lan rộngtrên địa bàn. Nhìn chung, năm nay do giá cả các loại tôm, cá cao hơn năm trước, dịch bệnh tôm nuôi ít phức tạp, người dân đẩy mạnh chuyển đổi phương thức, đối tượng nuôi nên đây là vụ nuôi đạt kết quả khá cao. Đồng thời đã thả nuôi 80,27 ha cá ao hồ nước ngọt, đạt 97,2%; 32,5 ha cá lúa, đạt 68,5%; 812 lồng cá, đạt 86,8% kế hoạch. Đã triển khai mô hình nuôi thâm canh, năng suất cao ở Quảng Thọ, ở HTX Bắc Vinh (Quảng Vinh).
Chương trình phát triển kinh tế trang trại có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, qui mô và trình độ tổ chức sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 61 trang trại, gồm 32 trang trại vùng rú cát (có 03 trang trại đạt giá trị sản phẩm 1 tỷ đồng/năm ), 23 trang trại vùng đất thục nội đồng ( chăn nuôi 21, tổng hợp 02), 06 trang trại nuôi trồng thủy sản và 400 gia trại chăn nuôi vùng đất thịt nội đồng. Các trang trại ở vùng rú cát nội đồng có xu hướng giảm trồng trọt, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở nền tảng lâm nghiệp.
          Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp-xây dựng có bước phát triển khá về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện là 66.404 triệu đồng (theo giá cố định 1994), đạt 96,2% kế hoạch và bằng 114,5% so với năm trước. Các ngành xây dựng, mộc dân dụng - mỹ nghệ, cơ khí gia công, mây tre đan phát triển khá. Nghề thêu xuất khẩu, may công nghiệp được mở rộng ở nhiều xã; khả năng cạnh tranh của sản phẩm có bước tiến bộ, có một số mặt hàng đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh như: Đồ gỗ gia dụng, sản phẩm cơ khí, trang trí nội thất.
Bên cạnh đó, đang củng cố các làng nghề hiện có, trong đó đã phối hợp với các ngành cấp tỉnh đề nghị công nhận 3 làng nghề truyền thống đã xây dựng trong năm 2007 gồm: Làng đan lát Bao La, đan lát Thuỷ Lập, bún Ô Sa. Đồng thời lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của làng nghề sản xuất bún bánh Ô Sa để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển với tốc độ khá, đa dạng về sản phẩm, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 396.000 triệu đồng, tăng 21,3% so với năm 2009 và chiếm 40,4% trong tổng giá trị sản xuất, chiếm 34% lao động xã hội. Các hoạt động thương mại, dịch vụ ở các trung tâm và các tiểu vùng trong huyện được mở rộng. Cơ sở vật chất một số ngành dịch vụ được đầu tư về trang thiết bị công nghệ, mở rộng về qui mô, nhất là dịch vụ bưu chính, viễn thông.
          Nhiệm vụ đầu tư xây dựng được chỉ đạo tích cực ngay từ đầu năm. Đã đôn đốc hoàn thành các công trình chuyển tiếp năm 2009 và triển khai hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công các công trình đã được thông báo vốn trong năm 2010. Những công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng đã có tác động tích cực đến sản xuất và phục vụ cho nhu cầu dân sinh.
          Lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; thực hiện tốt công tác duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì đơn vị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, các vấn đề xã hội bức xúc, chính sách an sinh xã hội được quan tâm và giải quyết kịp thời; đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,5%; tỷ lệ hộ dúng điện trên 99,7%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch và hợp vệ sinh trên 98%.
Từ những kết quả đã đạt được; trong năm 2011, UBND huyện xác định các chỉ tiêu và các chương trình trọng điểm chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) 17-18%.(Nông nghiệp: 3-4%; dịch vụ: 22-23%; tiểu thủ công nghiệp-xây dựng: 21-22%);Thu nhập bình quân đầu người trên 18 triệu đồng; Thu ngân sách địa phương trên 20 tỷ đồng;...Chương trình xây dựng xã, huyện nông thôn mới; Chương trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp toàn diện; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản và khai thác bền vững phá Tam Giang; Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, trọng tâm là thị trấn Sịa và đô thị Thanh Hà; Chương trình phát triển cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

        Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn quân và toàn dân trong huyện, Quảng Điền sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2011 để sớm xây dựng huyện Quảng Điền thành huyện nông thôn mới. (Tuấn Nam)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.330.485
Truy câp hiện tại 1.272