Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những kết quả nỗi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông.
Ngày cập nhật 16/07/2013

Thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/HU ngày 20 tháng 5 năm 2009 của Huyện ủy Quảng Điền về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn huyện Quảng Điền đến năm 2020, qua 05 năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự nghiệp nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt được tiến độ đề ra.

                Xây dựng nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh và sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng,, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, trong đó ổn định diện tích gieo trồng lúa nước có năng suất, hiệu quả cao; hạn chế tối đa việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất lúa nước sang mục đích khác để đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung: lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng, vùng rau, hoa, vùng trang trại rú cát nội đồng, trang trại đất thục, vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ. Hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng sản xuất rau ở Quảng Thọ, Quảng Thành; vùng chuyên lạc ở các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ và một phần thị trấn Sịa với diện tích 546 ha; vùng hoa ở Quảng Vinh, Quảng Thọ, trồng dưa ở Quảng Công, Quảng Lợi.

Chương trình đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp được tăng cường, góp phần đẩy nhanh tiến độ các khâu trong sản xuất, đến nay toàn huyện đã có 94 máy cày lớn (tăng 40 chiếc), 445 máy cày nhỏ, 60 máy gặt đập liên hợp (tăng 46 chiếc), 159 máy gặt rải hàng, đã cơ giới hóa trong sản xuất lúa với 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi đã được khẳng định có hiệu quả như: mô hình nuôi ngan Pháp, nuôi gà an toàn sinh học, kỹ thuật vỗ béo trâu bò, sử dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi ở những vùng có quy mô chăn nuôi lớn. Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao giai đoạn 2009-2015 đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và được người chăn nuôi hưởng ứng tích cực, đặc biệt là việc phát triển đàn lợn F1.

 Lĩnh vực khai thác biển được duy trì và phát triển, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, cải tiến công cụ và phương thức đánh bắt. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã khẳng định hiệu quả: Mô hình nuôi xen ghép, mô hình nuôi cá chẽm, mô hình nuôi cua thương phẩm từ cua khay, mô hình nuôi tôm có sử dụng chế phẩm sinh học, mô hình ươm cua khay; mô hình ươm cá dìa,...

           Tiểu thủ công nghiệp có bước tiến đáng kể, một số ngành sản xuất tăng trưởng đạt khá như: Khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất bờ lô, đồ gỗ, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm; các dự án khuyến công, khoa học và công nghệ được thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các làng nghề đã xây dựng. Trong đó đã quan tâm đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư thiết bị, xây dựng thương hiệu, đầu tư hạ tầng. Đã hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực; hỗ trợ một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ Festival Huế, lễ hội “Sóng nước Tam Giang”,...

            Lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng dịch vụ được nâng lên đáng kể, thu hút nhiều lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của nhân dân. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hoá được duy trì và phát triển; các tuyến xe khách và dịch vụ vận tải ngày được nâng cao về chất lượng và mở rộng địa bàn hoạt động, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá với chất lượng cao hơn. Hoạt động tín dụng đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động vốn và cho vay để thúc đẩy phát triển kinh tế.

            Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn

Hệ thống giao thông có bước phát triển; nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Đường liên xã Quảng Vinh-Quảng Phú, đường Tây Quảng Thành, nâng cấp tỉnh lộ 4B (Quảng Thành, Quảng An ), đường Đập Mít – La Vân Hạ (Quảng Thọ), đường Quảng Thọ-Quảng Thành, đường Thủy Điền-Phú Lương A (Quảng Thành), đường Đức Trọng - Ô Sa (Quảng Vinh), đường Khuôn Phò - Thủ Lễ (Quảng Phước), các tuyến đường thuộc dự án bãi ngang, các tuyến đường phục vụ khai tác khoáng sản titan kết hợp phục vụ dân sinh tại xã Quảng Lợi,...Hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng đã được tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa thông qua nhiều chương trình, dự án và từ nguồn vốn đóng góp của nhân dân, của HTX, các tổ chức, cá nhân tài trợ nên đã đầu tư cứng hoá được nhiều tuyến đường giao thông. Một số công trình thủy lợi quan trọng được đầu tư xây dựng mới, đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả như: các trạm bơm tưới, tiêu: Tây Hưng 1, 2, Tín Lợi, Tam Giang, Bắc Biên, Thâm Điền, Phú Thuận, Quảng An, Mai Dương; nâng cấp hệ thống đê thủy lợi kết hợp giao thông dân sinh và nội đồng Quảng Công-Quảng Ngạn.

Cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục-thể thao, môi trường,...được đầu tư đáng kể thông qua chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, tầng hóa trạm y tế xã và các chương trình, dự án hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước. Đã tích cực tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và thông qua chương trình đổi đất lấy hạ tầng để đầu tư xây dựng mới mạng lưới chợ nông thôn gắn với hình thành các khu dân cư mới. Đã xây dựng và đưa vào hoạt động chợ trung tâm xã Quảng An; đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư chợ trung tâm các xã: Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Thái.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện quyết liệt. Đến nay, 01 xã đạt 15 tiêu chí (xã Quảng Phú), chiếm tỷ lệ 10%, 01 xã đạt 14 tiêu chí (Quảng Vinh), chiếm tỷ lệ 10%, 02 xã đạt 13 tiêu chí (Quảng Lợi, Quảng Phước), chiếm tỷ lệ 20%, 03 xã đạt 12 tiêu chí (Quảng Thành, Quảng An, Quảng Công), chiếm tỷ lệ 30%; 02 xã đạt 11 tiêu chí (Quảng Thọ, Quảng Thái), chiếm tỷ lệ 20%, 01 xã đạt 10 tiêu chí (Quảng Ngạn), chiếm tỷ lệ 10%.

 Tổng vốn đầu tư xã hội (giai đoạn 2010-6/2013) ước đạt 943,2 tỷ đồng, tăng bình quân 20,1%, trong đó xây dựng cơ bản 700,4 tỷ đồng, tăng bình quân 23,3%. Trong đó, ngân sách nhà nước 608,2 tỷ đồng, chiếm 64,5%; nhân dân và các thành phần kinh tế 276,7 tỷ đồng, chiếm 29,3%; các nguồn viện trợ 58,3 tỷ đồng, chiếm 6,2%. Lĩnh vực được tập trung đầu tư là hệ thống giao thông, thủy lợi; giáo dục - đào tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị; sự nghiệp văn hóa và các công trình phúc lợi xã hội. Đến nay, trung tâm các xã bước đầu được hình thành đã đóng vai trò động lực cho phát triển của từng vùng và đã tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn

Đã từng bước tổ chức sắp xếp lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề trong nông nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình và qui hoạch phát triển của địa phương. Lồng ghép các chương trình, dự án tạo được nhiều việc làm cho người lao động; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Các di tích lịch sử, văn hoá từng bước được trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn; các hoạt động văn hoá thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống của các địa phương được khơi dậy và phát huy; các thiết chế văn hóa cơ sở được tiếp tục xây dựng và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu; thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là các nhóm đối tượng khó khăn, dễ gặp rũi ro trong cuộc sống; tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo 519 nhà.

Chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực và đạt được kết quả đáng kể, đã gắn công tác giảm nghèo với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục; nâng lao năng lực, kỹ năng lao động; giải quyết việc làm, tăng cường hỗ trợ vốn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đầu tư tăng thêm năng lực sản xuất mới. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,91% (2.883 hộ), giảm bình quân 1,98%/năm (479 hộ/năm), hộ cận nghèo 2.118 hộ, chiếm 7,8%.

 Có thể nói sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, bộ mặt nông thôn huyện nhà đã có nhiều khởi sắc. Điều này một phần đã khẳng định tính hiệu quả và thiết thực của Nghị quyết cũng như sự chỉ đạo, điểu hành của các cấp trong thời gian qua. Với những kết quả bước đầu mà huyện nhà đạt được, tin tưởng rằng đó là cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Quảng Điền tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong thời gian tới nhằm xây dựng thành công huyện nông thôn mới trên cơ sở thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nông nghiệp hiện đại.

                               Minh Châu

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.321.761
Truy câp hiện tại 4.770