Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát triển du lịch - huớng đi mới của kinh tế Quảng Điền
Ngày cập nhật 22/07/2009

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện nhà, Quảng Điền đang phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa cơ cấu kinh tế và ngành nghề sản xuất. Trong đó, du lịch là một hoạt động mới lạ nhưng đầy triển vọng, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công cho sự nghiệp phát triển kinh tế  - xã hội của Quảng Điền.

            Là một huyện vùng trũng phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Điền là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, nông nghiệp là thành phần kinh tế chủ đạo chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện (79,6%). Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa là tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Quảng Điền đã dần dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trên, trong đó chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ du lịch, nhiều dự án thành lập các khu công nghiệp như: Khu, cụm công nghiệp Quảng Vinh, cụm tiểu thủ công nghiệp An Gia... đã và đang hình thành, hứa hẹn đem lại nhiều đổi mới cho quê hương Quảng Điền. Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch cũng đang được chú trọng phát triển, đây được xem là hướng đi đầy triển vọng của địa phương.

            Được hình thành cách đây hơn 700 năm, Quảng Điền là vùng đất giao thoa giữa 2 nền văn hóa Việt - Chăm, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay nhiều địa phương trong vùng còn lưu giữ nhiều dấu tích, nhiều hiện vật về nền văn hóa Chăm Pa như: tượng Bò Nandin, tượng thần Visnu, và phế tích tháp Chăm cổ ở xã Quảng Vinh... đặc biệt là di tích thành Hóa Châu và chùa Thành Trung ở xã Quảng Thành là 2 địa điểm còn mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Chăm trên đất Việt...

Ngoài ra, nhiều địa phương trong huyện vẫn còn lưu giữu những phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống như: đua nghe, vật võ, đu tiên và nhiều trì chơi dân gian khác... thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của một miền quê văn vật. Nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh công nhận là di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh như: đình làng Thủ Lễ, đình làng Thủy Lập, Khu lưu niệm Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh, mộ và miếu thờ danh nhân Đặng Hữu Phổ, địa điểm diễn ra hội nghị Nam Dương và nhiều di tích  lịch sử văn hóa khác gắn với những tên đất, tên người của Quảng Điền trong công cuộc khai hoang lập làng và sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước. Ngoài ra, Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu cũng sẽ được xây dựng tại xã Quảng Thọ sẽ là những điểm tham quan, du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ có vậy, thiên nhiên đã ưu ái cho Quảng Điền với hơn 12 km bờ biển với những bãi cát đẹp. Phá Tam Giang rộng trên 3500 ha mặt nước, với sân chim Bắc Biên và nhiều thủy hải sản nổi tiếng như: cá dìa, cá ong, tôm, cua, trìa... là những món ăn đặc sản, ai đã một lần nếm thử không thể nào quên. Quảng Điền còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như: làng đan đát Bao La, làng hoa La Vân Hạ, làng rau sạch Thành Trung......

Với những tiềm năng và thế mạnh đó, lại thêm hệ thống giao thông thuận lợi, du khách có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ đến các điểm tham quan du lịch trên. Trong tương lai, Quảng Điền có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng và hình thành các tour du lịch như: du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa và làng nghề ở Quảng Thọ bao gồm Phủ Phước Yên, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu và làng hoa La Vân Hạ, làng rau Phước Yên; tham quan làng nghề thủ công truyền thống Bao La, tìm hiểu phủ Bác Vọng, chùa Hạ Lang và thăm lăng mộ Đặng Hữu Phổ; tham quan thành cổ Hóa Châu với những di tích Chămpa và làng rau Thành Trung; du lịch sinh thái trên phá Tam Giang, thăm sân chim Bắc Biên và du lịch nghỉ dưỡng bên bờ biển thơ mộng, hấp dẫn...

Để hoạt động du lịch thật sự là thế mạnh của địa phương, chúng ta cần có sự quy hoạch hợp lý và có những kế hoạch cụ thể, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực  để có thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một khi hoạt động du lịch trở thành ngành nghề kinh tế chính, nó không chỉ làm đa dạng hóa cơ cấu kinh tế ở địa phương mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chổ, phát huy được những giá trị văn hóa, lịch sử của những di tích trên địa bàn huyện. Chúng ta tin tưởng rằng, trong tương lai du lịch sẽ là một hoạt động kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

                                                       Thanh Loan

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.287.232
Truy câp hiện tại 418