Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Về với cội nguồn!
Ngày cập nhật 30/06/2009

        Những ngày cuối tháng 6, tôi may mắn được tháp tùng cùng đoàn các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đi thực tế theo chương trình hoạt động của Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2009 tại Quảng Điền, và chuyến đi này thật bổ ích đối với tôi - một người làm công tác văn hóa của huyện nhà bởi qua chuyến đi này, tôi được hiểu sâu sắc hơn về lịch sử văn hóa và truyền thống của vùng quê mà tôi đang sinh sống.

            Điểm đầu tiên mà đoàn chúng tôi dừng chân đó là lăng miếu mộ Đặng Hữu Phổ ở xã Quảng Phú - Một di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ Văn hóa Thể thao du lịch công nhận. Đặng Hữu Phổ là con trai trưởng của Công chúa Tĩnh Hoà với Phò mã Đặng Huy Cát, là cháu ngoại của Vua Minh Mạng. Ông sinh năm Giáp Dần (1854) tại làng Bác Vọng, năm 24 tuổi ông thi đỗ cử nhân khoa Mậu Dần (1878) và được bổ chức Thị Độc học sĩ Viện Hàn Lâm Triều Nguyễn. Sau sự kiện thất thủ Kinh đô (1885), người con yêu nước của Quảng Phú  bị Pháp bắt và hành hình tại bến đò Quai Vạc bên bờ sông Bồ. Thi thể của ông được nhân dân đưa đi an táng nằm bên cạnh mộ mẹ - Công chúa Tĩnh Hoà ở tại xứ Cồn Căng, làng Bác Vọng. Cảm phục trước khí tiết của ông, nhân dân làng Bác Vọng đã lập miếu thờ ngay tại nơi ông mất- Bến đò Quai Vạc, miếu thờ này còn gọi là "Thị độc miếu" (miếu của quan Thị độc). Trải qua bao thời gian và những biến cố bi hùng của lịch sử, nhưng khu di tích lăng mộ và miếu thờ nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Hữu Phổ được các thế hệ con cháu và nhân dân địa phương bảo vệ. Đó chính là niềm tự hào, thành kính, trân trọng của các thế hệ con em nhân dân làng Bác Vọng đối với một người con trung nghĩa, đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, mọi cám dỗ vật chất đời thường để chọn lấy cái chết vì nước, vì nhà.

            Không xa bến đò Quai Vạc là mấy, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về thăm phủ Bác Vọng cũng thuộc địa phận làng Bác Vọng xã Quảng Phú – đây là vùng đất văn vật và ngày nay vẫn còn giữ được nét đẹp yên ả của một làng quê vùng ven sông Bồ. Bác Vọng là nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu đã chọn đóng phủ trong khoảng thời gian từ năm 1712 đến năm 1738.  Được biết vào năm 2008, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh đã tổ chức đào  thám sát một số khu vực thuộc Phủ Bác Vọng theo đề tài “Nghiên cứu, thám sát khảo cổ học các thủ phủ Đàng Trong ở Thừa Thiên Huế”.  Một số dấu tích của thời thủ phủ Bác Vọng hiện nay vẫn còn như con kênh mang tên Ao Phủ Xứ, nền đất mang tên Tàu Tượng (chuồng Voi) nằm rải rác ở hai làng Hạ Lang và Bác Vọng Tây, mà đặc biệt nhất có lẽ là hệ thống kênh mương - đây là hệ thống thuỷ lộ phục vụ cho các họat động ở Phủ Chúa và cũng chính là đường giao thông của người xưa.

            Gắn liền với phủ Bác Vọng là ngôi chùa làng mang tên Thiện Khánh - một ngôi chùa uy nghi cổ kính. Theo sử sách ghi lại, chúa Nguyễn Phúc Chu là người rất sùng đạo Phật. Có thể ông đã cho xây dựng ngôi chùa này ở gần phủ để tiện cho việc thờ tự và chiêm bái của mình. Ngôi chùa làng bây giờ do một vị thầy lớn tuổi chăm nom hương khói. Dấu thời gian đã in sâu lên cổng chùa cho thấy một phần nào lịch sử của vùng đất này. Hiện tại trong chùa, ngoài việc thờ ba ngôi đức Phật là Phật Thích ca, Phật Di Đà, Phật Di Lạc, bà con còn thờ Quan Thánh, các vị hộ pháp và thờ những người có công với làng. Hiện nay, chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng đang lập hồ sơ để đề nghị công nhận chùa Thiện Khánh là di tích lịch sử văn hóa.

            Được biết, Phủ Bác Vọng là một trong 3 thủ phủ của các chúa Nguyễn dừng chân trong hành trình dời thủ phủ từ Ái Tử (Quảng Trị) về Phước Yên và Kim Long. Tự hào cho vùng đất Quảng Điền, trước Bác Vọng - Phước Yên ở Quảng Thọ cũng là nơi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đóng phủ trong 10 năm từ 1626 đến 1636, nơi đây ngoài dấu tích ngôi phủ và bức bình phong xưa cũ còn cò phần mộ của danh tướng Nguyễn Hữu Dật – một vị tướng xuất sắc có nhiều mưu lược trong thời gian phò giúp chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên... Trên nền đất cũ của Phước Yên - thủ phủ một thời của chúa Nguyễn là làng quê Phước Yên trù phú xanh tươi giống như tên gọi vốn có-  mảnh đất thiêng xưa kia nay tốt tươi một màu xanh của cây trái...

            Cũng trong hành trình tìm về với nguồn cội này, chúng tôi còn được đến với thành cổ Hoá Châu. Thành Hóa Châu là một trung tâm quân sự, hành chính, kinh tế của xứ Thuận Hóa từng tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử. Nguyên xưa, đây là một trong những thành lũy quan trọng nhất ở biên giới phía bắc của nước Chăm Pa. Sau sự kiện vua Chăm dâng hai châu Ô, Lý để làm sính lễ cưới công chúa nhà Trần là Huyền Trân (năm 1306) thì hai châu này đã thuộc về Đại Việt, nhà Trần đã “đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa”. Từ đó thành cũ của người Chăm được gọi là thành Hóa Châu.  Qua các tư liệu, có thể khẳng định thành Hóa Châu là một thành lũy quân sự có vị trí chiến lược quan trọng của người Chăm, cùng với thành Thuận Châu, Thành Lồi tạo nên một hệ thống phòng lũy khá vững chắc ở miền cực bắc của vương quốc Chăm Pa; là một trung tâm hành chính, kinh tế của xứ Thuận Hóa thời Trần, Lê và Mạc.   

Chùa Thành Trung cũng được hình thành khá lâu đời, vào năm 1745 do nhân dân trong làng đóng góp công sức để xây dựng, đến đời Vua Tự Đức - trong một lần đi tuần du phương Bắc ngang qua thành nội Hóa Châu, nhìn vẻ uy nghi cổ kính của ngôi chùa nên đã sắc phong Chùa Thành Trung là Kim Thành Tự. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu, sữa chữa nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng. Đặc biệt, tại ngôi chùa cổ này hiện còn lưu giữ 4 hiện vật rất có giá trị gồm  chuông đồng hay còn gọi là Đại Hồng Chung và 3 tượng cổ bằng gỗ, trong đó có tượng thần Visnu - một tượng cổ thờ vị thần bảo hộ của người Chăm mà dân làng lưu giữ được - đây là một minh chứng sinh động về sự giao thoa giữa hai dân tộc Chăm - Việt, về sự tồn tại hàng trăm năm của 1 pho tượng, 1 hiện vật có giá trị về nhiều mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật...bên cạnh đó tượng Phật Thích Ca và tượng Phật Địa Tạng cũng có niên đại hàng trăm năm...Đây là những hiện vật có giá trị niên đại về văn hóa truyền thống của dân Thành Trung - nơi gắn liền với di tích Thành Hóa Châu, mà một thời là thủ phủ Đàng Trong của nước Đại Việt...

Và cũng nhờ chuyến đi thực tế này, chúng tôi đã có những hiểu biết hơn về những câu chuyện mang tính huyền sử như Mộ Ba tầng, Miếu Bà Tơ, đền thờ Huyền Trân công chúa, đường thiên lý Bắc - Nam...được tìm hiểu sâu hơn về sự giao thoa, kế thừa và phát triển của hai nền văn hóa Chăm- Việt được biểu thị trên nền văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu lại trên mảnh đất này như phế tích tháp Chăm ở làng Cổ Tháp và Đức Nhuận xã Quảng Vinh; tượng thần Visnu tại Chùa Thành Trung, Bia cánh Sen ở làng Phú Lương A xã Quảng Thành, tượng bò Namdin...;được tận mắt nhìn thấy chuông đồng thời Tây Sơn ở Chùa Hạ Lang xã Quảng Phú; được tham quan khu di tích lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh - vị tướng tài ba của quê hương Quảng Thọ; được đến với mảnh đất Phù Lai - quê hương của nhà thơ cách mạng Tố Hữu...để rồi từ đây, thế hệ trẻ chúng tôi càng tự hào hơn về truyền thống lịch sử cách mạng của vùng đất mà mình đang sống...

                                                            Phương Linh

                       

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.191.310
Truy câp hiện tại 4.252