Đình Làng Thủ Lễ
Ngày cập nhật 25/06/2022

Địa điểm: Thị trấn Sịa, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 16km về phía Bắc, cách huyện lỵ Quảng Điền 1km.

Năm 1998, Đình làng Thủ Lễ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 61/1999/QĐ/BVHTT, ngày 13/9/1998.

Thủ Lễ là một làng cổ ở vùng Sịa, gần phá Tam Giang, hiện nay một phần thuộc xã Quảng Phước, một phần thuộc thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, cách trung tâm thành phố Huế 16 km về phía Bắc. Chưa rõ làng được lập năm nào, nhưng địa bạ lập từ đời Hoằng Định (niên hiệu vua Lê Kính Tông 1601 – 1619) chứng tỏ trước đó dân làng đã khá đông đúc, đủ sức khai khẩn và canh tác một số ruộng đất rất lớn. Từ làng Thủ Lễ đã phát triển thành vùng Sịa, “nhất Huế nhì Sịa”. Làng còn nổi tiếng với hội vật Thủ Lễ hàng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch.

Đình Thủ Lễ là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Thừa Thiên Huế về nhiều mặt: Kiến trúc, nghệ thuật trang trí, phong thuỷ cảnh quan và triết lí dân gian về vũ trụ và nhân sinh ẩn trong công trình. Chưa rõ đình được xây dựng năm nào, nhưng đã trải qua ba đợt trùng tu, đợt cuối cùng được khắc ghi trong nội thất là năm Thành Thái thứ 5 (1893). Đình nằm ở khu đất rộng và cao ráo, tại vị trí trung tâm của làng, cách chùa làng khoảng 400m, khuôn viên đình rộng chừng 1.000m2, gồm có hệ thống trụ biểu, nhà bia, hồ bán nguyệt, bình phong, nhà tăng và ngôi đình khá hoàn chỉnh.

Bốn trụ biểu dẫn vào đình được kết cấu theo lối trụ vuông, hai trụ giữa cao hơn, có phần đế trụ, câu đối chữ Hán, đầu trụ gắn với cổ lâu và bầu rượu; hai trụ nối với la thành bao quanh đình, mặt thành trước có hai cổng phụ tả, hữu môn. Cách trụ biểu 5m là nhà bia và hồ bán nguyệt […].

Trước sân là bình phong đình được xây theo lối cuốn thư, mặt trước đắp hình long mã, mặt sau là hình tượng chim phụng. Sân đình rộng, đây là nơi mỗi năm làng tổ chức hội vật Thủ Lễ, sới vật đắp hình tròn, mỗi kì vật xong lại san bằng như cũ. Hai bên sân là hai nhà tăng 3 gian 2 chái đăng đối, tường xây, mái lợp ngói liệt, bờ nóc bình thường, không trang trí.

Ngôi đình nằm cuối sân, làm theo kiểu nhà rường 5 gian 2 chái, Mái đình hơi ngang, lợp ngói âm dương, giữa đỉnh nóc gắn cặp rồng “hồi long” chầu mặt nguyệt, dọc bờ nóc, bờ quyết trang trí hình tượng lân, quy, phụng khá lớn để tạo các điểm nhấn. Mặt trước đình là 6 cột hàng hiên xây bằng gạch, chân cột tạo hình quả bí, thân cột đắp hình rồng mây, đầu cột là hoa sen cách điệu, chia đình thành 5 gian; hai đầu hồi là tường xây, đắp hình long mã ghép sành sứ; mặt trước đình không có cửa, chỉ giới hạn bằng các lan can.

Đình có 48 cột với bộ rường gỗ vững chãi, kiểu dáng uy nghi, các đuôi kèo được chạm trỗ mặt hổ phù, trang trí hoa lá, các cột đỡ sát nóc mái đình được bào chuốt tỉ mỉ, đầu trụ chạm kiểu nắp quả, chân trụ uốn lượn thành hình con tôm, hầu hết các chi tiết khác ít trang trí, chạm trổ. Nội thất gồm 2 phần: Bái đường phía trước có treo bức hoành “Nguyên khí hội” (nơi tích tụ nguyên khí của trời đất) ở gian giữa và 2 bức khác ở hai gian hai bên. Hậu cung ở phần trong, thiết trí 3 án thờ xây xi măng có sơn thiếp và các bàn thờ xây sát tường, mặt tường có các bức vẽ trang trí kiểu ô hộc truyền thống. Dọc các cột gỗ ở nội thất gắn 16 câu đối chữ hán sơn son thếp vàng.

Đình Thủ Lễ là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng làng xã vùng Sịa, sát phá Tam Giang. (*)

Hiện đình còn giữ được ba cổ vật là chiếc khánh đá, tấm bùa đá (được cho là bùa phòng chống ôn dịch, căn cứ vào hình khắc trên tấm bùa) và cặp đèn hạc bằng gỗ.

Gắn với ngôi đình cổ kính này là lễ hội Vật được tổ chức ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội có quy mô lớn và thu hút đông đảo du khách nhiều nơi về tham gia.

Theo các bô lão, lễ hội đã có từ thời các chúa Nguyễn. Mục đích của lễ hội là cầu Quốc thái dân an và rèn luyện thể lực để cung cấp binh lính tinh nhuệ cho các chúa Nguyễn.

Sau phần nghi lễ được các chức sắc của làng tiến hành trong đình, Hội vật mở đầu bằng màn biểu diễn của hai đô vật cao niên trong làng với những pha biểu diễn đầy kinh nghiệm, đẹp mắt. Tiếp đó là phần thi của các đô vật nam, nữ trong tiếng reo hò, cổ vũ của du khách và người dân địa phương.

Hội vật rất chú trọng tinh thần thượng võ, các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt... mà phải hạ đối thủ "lấm lưng trắng bụng".

Tiếng reo hò, cổ vũ tạo thành không khí vui tươi, cùng với các miếng đánh của đô vật được tung ra đẹp mắt, thanh thoát và đầy dũng mãnh để thể hiện sức mạnh đầu xuân mới.

(* Trích đoạn từ “Địa chí Thừa Thiên Huế” - UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa, năm 2020, trang 854-856)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày