Tìm kiếm tin tức
Chỉ thị đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn huyện
Ngày cập nhật 29/12/2022

Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trong tâm trong công tác, chỉ đạo điều hành của UBND huyện. Nhằm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh; ngày 28/12/2022, UBND huyện Quảng Điền ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh huyện, với các nội dung cụ thể:

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh, đạt được nhiều kết quả tích cực: Đã quan tâm đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính; cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tin học, chuyển đổi số để hình thành cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ từng bước đáp ứng nhu cầu công việc và tạo nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử. Việc triển khai các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; trên 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; tổ chức hội nghị trực tuyến được triển khai, thông suốt từ tỉnh đến cấp xã, qua đó đã phát huy hiệu quả thiết thực công tác chỉ đạo, điều hành. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức được thực hiện công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả thông qua phần mềm Xử lý dịch vụ công tập trung. Triển khai xây dựng mô hình xã thông minh tại Quảng Thọ, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành và phục người dân; Trung tâm điều hành đô thị thông minh của huyện đã hình thành và từng bước đưa vào hoạt động. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định: Công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức về chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai sâu rộng; nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số chuyển biến chưa tích cực; việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính chưa mạnh và thiếu đồng bộ. Tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn thấp, đặc biệt là ở cấp xã; số lượng người dân, tổ chức đăng ký tài khoản trực tuyến, hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích còn thấp. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính quyền số còn chậm, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.  

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn huyện trong thời gian tới, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn

- Chủ động xây dựng, hoàn thiện và phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: “4 không” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không tiền mặt) và “một có” (Dữ liệu có chuyển đổi số). Đổi mới phương thức làm việc, phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền số; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính.

- Xây dựng các kế hoạch và đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh và của UBND huyện: Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” theo Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 10/8/2018; “Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030” theo Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020; Đề án “Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” theo Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của huyện Quảng Điền; Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND huyện triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh huyện Quảng Điền đến năm 2025; Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 22/12/2022 của UBND huyện về chuyển đổi số huyện Quảng Điền năm 2023; Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh huyện Quảng Điền năm 2023.

- Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và của UBND huyện, tập trung triển khai, hoàn thiện và khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng tiến độ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đã và đang được triển khai, gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống Trang thông tin điện tử; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 bảo đảm các chức năng theo quy định. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên chủ động, quyết liệt triển khai tạo lập các cơ sở dữ liệu phục vụ việc xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.  

- Tập trung triển khai chuyển đổi số trong dịch vụ công, trước hết là áp dụng biểu mẫu điện tử (e-form), đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến có mẫu đơn điện tử (eform), làm cơ sở để hình thành, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng từ phân tán đến tập trung.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích những cách làm hay để người dân hiểu rõ lợi ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu có trên 50% hồ sơ được nộp, giải quyết ở mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ. Có các giải pháp khuyến khích công dân, tổ chức tham gia nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo năm sau cao hơn năm trước.

- Định kỳ trước ngày 05 của tháng cuối quý, báo cáo tình hình thực hiện và phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử gửi Phòng Văn hóa và Thông tin tổng hợp, trình UBND huyện để báo cáo UBND tỉnh theo quy định tại Khoản 12, Mục V Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 30/03/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị Quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

2. Phòng Văn hóa và Thông tin

- Tích cực triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền số của huyện. Tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, sử dụng ứng dụng Hue-S kết hợp thanh toán không dùng tiền mặt.

- Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu, đề xuất UBND huyện đầu tư, nâng cấp và duy trì, quản lý các hệ thống thông tin dùng chung và hạ tầng công nghệ thông tin của huyện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh; phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu tại Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 30/03/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị Quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

- Đẩy mạnh tuyên truyền về hệ thống tiếp nhận ý kiến công dân - tổ chức; Phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng trả lời, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp được trả lời kịp thời, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện xảy ra.

- Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và các cơ quan liên quan tham mưu UBND huyện triển khai các cơ chế, chính sách do UBND tỉnh ban hành để thu hút, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng Chính quyền số.

3. Phòng Nội vụ

- Tham mưu UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác cải cách hành chính hàng năm; trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.

- Tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện công tác cập nhập dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện; liên thông với Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức quốc gia.

- Tham mưu UBND huyện mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu UBND huyện triển khai các quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ, năng lực và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức đảm nhận vị trí việc làm công nghệ thông tin, đảm bảo năng lực triển khai xây dựng Chính quyền số.

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND huyện phân bổ ngân sách xây dựng Chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.

- Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn bố trí nguồn kinh phí bảo đảm dịch vụ bưu chính công ích, mua sắm trang thiết bị phù hợp để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến.

5. Văn phòng HĐND và UBND huyện

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND huyện các giải pháp, công nghệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến để đẩy mạnh số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến góp phần vào chuyển đổi số trong dịch vụ công.

- Phối hợp với Bưu điện huyện trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm gia tăng số lượng hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng; triển khai thí điểm mô hình thu phí, lệ phí trực tiếp, trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

6. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Ban biên tập Trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn

Thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin để phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết và tham gia hưởng hứng quá trình cải cách hành chính gắn với xây dựng, phát triển Chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh của huyện.

7. Phòng Văn hóa và Thông tin, Văn phòng HĐND và UBND huyện, Phòng Nội vụ, theo chức năng, nhiệm vụ để cùng chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Quảng Điền theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ tại Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND huyện những khó khăn, vấn đề phát sinh để UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về kết quả thực hiện./.

Tập tin đính kèm:
Trần Viết Trọng
Các tin khác
Xem tin theo ngày