Tìm kiếm tin tức
Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số
Ngày cập nhật 25/08/2022

Trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số (CĐS) - Huế 2022, chiều ngày 18/8 đã diễn ra Hội thảo phiên chuyên đề “Chuyển đổi số: Phát huy sức mạnh văn hóa – di sản tạo đà phát triển kinh tế số ”. Tham dự chuyên đề có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA); cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa, di sản và các chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Phát biểu khai mạc chuyên đề, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số toàn diện trên các ngành, lĩnh vực, trong đó Văn hóa là một trong những lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị  Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Hội thảo phiên chuyên đề Chuyển đổi số, phát huy sức mạnh văn hóa, di sản tạo đà phát triển kinh tế số trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 ngày hôm nay có một ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị quản lý di sản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tiếp cận các dịch vụ, giải pháp nền tảng để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sảnPhó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hy vọng rằng với sự trao đổi, chia sẻ tận tình của các diễn giả, các doanh nghiệp tham dự Hội thảo sẽ giúp cho Thừa Thiên Huế gợi mở ra nhiều hướng đi, có thêm những sự lựa chọn, những giải pháp phù hợp để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực văn hóa di sản, tạo đà phát triển kinh tế số của địa phương.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc chuyên đề

 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải, đã trao đổi về định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, di sản. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, có 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có 7 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu. Vì thế, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Tại Thừa Thiên Huế một số đơn vị đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu. Cụ thể như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số… Đặc biệt, Tuần lễ Festival Huế 2022 đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai màn độc đáo và đầy ấn tượng.

 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải trao đổi về định hướng
chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, di sản

Tại phiên chuyên đề, các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia CĐS, lãnh đạo tập đoàn công nghệ số đã có tọa đàm, bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm vấn đề ứng dụng công nghệ số vào văn hóa di sản. Với các tham luận, chia sẻ về chuyển đổi số - Giải pháp quản lý, bảo tồn, phục dừng phát huy giá trị văn hoá, di sản; Giải pháp chuyển đổi số các di sản, văn hóa tạo đà phát triển bứt phá công nghiệp văn hóa; Kinh nghiệm triển khai và khai thác hiệu quả: Giải pháp số hoá, VR, 3D Mapping tái hiện và lan truyền văn hoá, di sản cung cấp dịch vụ du lịch văn hóa, di sản; Chương trình số hóa các di sản quốc gia: Bản đồ số văn hoá, di sản; Chuyển đổi số di sản thúc đẩy phát triển du lịch thông minh.

Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI
chia sẻ việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch

 

Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI, chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch, tập trung hệ tài nguyên số, kho dữ liệu số dùng chung trong toàn ngành không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, mà còn giúp doanh nghiệp trong ngành mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến nhiều tiện lợi cho du khách.

Quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy trình. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Đối với lĩnh vực văn hóa - di sản, việc số hóa và ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 được xem là một bước tiến quan trọng để làm tốt công tác bảo tồn di sản. Đồng thời, đây sẽ là cầu nối để đưa các di sản, văn hóa đến gần hơn với công chúng, thu hút khách du lịch, từ đó phát huy giá trị văn hóa. Hệ thống các di sản văn hóa số sẽ thành những sản phẩm du lịch thời cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh hội thảo phiên chuyên đề số 02

https://thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày