Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 của UBND huyện Quảng Điền
Ngày cập nhật 24/11/2017

Được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan, ban ngành và các địa phương công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; chuẩn tiếp cận pháp luật  năm 2017 trên địa bàn huyện đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

I. CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Kết quả thực hiện

a) Công tác ban hành văn bản triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn

- UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp - Cơ quan thường trực Hôi đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện tiếp tục tổ chức Hội nghị để triển khai, quán triệt các nội dung của Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến toàn thể cán bộ chủ chốt của các cơ quan, ban ngành cấp huyện và cán bộ chủ chốt của các xã, thị trấn nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiện quả hơn, thiết thực hơn trong thời gian đến.

- Trên cơ sở Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2017 về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017, đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp tổ chức triển khai, quán triệt đến thành viên Hội đồng, các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn và chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo đúng theo tinh thần nội dung của kế hoạch đề ra.

 b) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị và địa phương. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện. Cụ thể tổ chức các hội nghị triển khai văn bản pháp luật mới ban hành, các chính sách, đường lối, chủ trường của Đảng và Nhà nước như:  Hội nghị triển khai Bộ Luật dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Báo chí; Luật trẻ em... Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các văn bản luật đã có hiệu lực thi hành như Luật Tiếp công dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Hộ tịch; ... Ngoài ra, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn các Đề án nhằm nâng cao kỷ năng tuyên truyền miệng, tập huấn Đề án 452 về một số nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật... cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

c) Công tác kiểm tra phổ biến, giáo dục pháp luật

Định kỳ 06 tháng, năm, UBND huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn. Qua đó, góp phần củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật gắn với thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước”. Kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thi hành luật.

d) Củng cố, kiến toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

 UBND huyện đã thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, Hội đồng đã ban hành quy chế hoạt động mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở địa phương, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật.

đ) Đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện chủ yếu là cán bộ chủ chốt các ngành từ huyện đến cơ sở. Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện gồm 24 người; báo cáo viên pháp luật huyện gồm 26 người; tuyên truyền viên pháp luật gồm 87 người/11 xã, thị trấn. Hoạt động của đội ngũ này phần lớn mang tính kiêm nhiệm, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền hoạt động đạt hiệu quả khá tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; hàng năm đều được tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật; thực hiện chế độ, thông tin báo cáo định kỳ và chuyên đề theo yêu cầu đảm bảo đúng quy định.

e) Nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Trên cơ sở Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017, ngoài việc tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức khác nhau.

- Các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn đã có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện công tác này một cách đồng bộ, khá đa dạng, áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng như: tuyên truyền qua các cuộc hội nghị triển khai phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành; thông qua việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở; hoạt động hòa giải ở cơ sở, thông qua các phiên tòa xét xử lưu động; công tác thi hành án dân sự; thông qua các hội thi; tọa đàm, đối thoại trên hệ thống Đài truyền thanh huyện...

- Chỉ đạo các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” các xã, thị trấn; các trường THPT Nguyễn Chí Thanh, THPT Hóa Châu, THPT Tố Hữu tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật”, duy trì sinh hoạt theo chuyên đề “Tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật” nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đối với nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên và học sinh.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của huyện gồm 19 cộng tác viên, trong đó cấp huyện 08 cộng tác viên, cấp xã 11 cộng tác viên, duy trì công tác trợ giúp pháp lý miễn phí tại trụ sở cơ quan và UBND các xã, thị trấn cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo đảm bảo như cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.

- Xây dựng Tủ sách pháp luật: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn. Đến nay, Tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn tiếp tục được củng cố và tăng cường kinh phí được cấp từ ngân sách phục vụ cho công tác mua sắm, bổ sung đầu sách pháp luật mới ban hành và thay thế đầu sách pháp luật đã hết hiệu lực thi hành nhằm kịp thời phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ và nhân dân ở địa phương.

f) Thực hiện ngày pháp luật 

Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 23/01/2017 của UBND huyện về theo dõi thi hành pháp luật, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” năm 2017 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

g) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn huyện có hiệu quả, UBND huyện đã trang cấp cho Phòng Tư pháp 01 bộ máy chiếu, 01 máy laptop. Ngoài ra, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương được UBND huyện phân bổ trong dự toàn hàng năm của từng đơn vị; đối với kinh phí phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật phân bổ huyện được cấp cho Phòng Tư pháp.

2. Đánh giá chung

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện có nề nếp, thực sự đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác nhau đã bước đầu hình thành ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và từ đó nâng cao hiểu biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật của các tổ chức, cán bộ và nhân dân trong toàn huyện. Góp phần vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

3. Thuận lợi, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

a) Thuận lợi

- Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được củng cố, kiện toàn; nhiều cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được bồi dưỡng nghiệp vụ; chất lượng hoạt động ngày một nâng lên.

- Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện và các xã, thị trấn đã thể hiện được vai trò liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, nội dung tuyên truyền đã bám sát vào thực tế cuộc sống và phục vụ kịp thời việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu của mỗi cơ quan, ban ngành địa phương, tính hình thức trong công tác tuyên truyền đã được đẩy lùi. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư.

- Trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên đáng kể, các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng giảm dần, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

b) Tồn tại, hạn chế

- Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn tuy đã được thành lập, song quy mô và chất lượng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mang lại hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới. Việc phổ biến các văn bản pháp luật chỉ mới đến đội ngũ cán bộ, chưa sâu rộng.

- Việc triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật của các xã, thị trấn đôi lúc thực hiện không nghiêm túc. Còn nhiều văn bản pháp luật mới chưa thực sự triển khai đến tận cán bộ và người dân. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn còn nhiều hạn chế, còn kiêm nhiệm và chưa thực sự chủ động thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vẫn còn trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

- Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện đa phần là Thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị, do bận công việc quản lý chuyên môn nên việc tuyên truyền các văn bản pháp luật mang lại hiệu quả chưa cao, triển khai tuyên truyền các văn bản luật mới còn chậm.

- Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện số lượng còn ít.

c) Nguyên nhân

- Kinh phí phân bổ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hạn chế do ngân sách địa phương còn khó khăn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của một số báo cáo viên pháp luật cấp huyện còn hạn chế, nhất là về kỷ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm.

4. Đề xuất, kiến nghị

- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban ngành cần phải tăng cường sự chỉ đạo tạo ra nhận thức đồng bộ về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các tổ chức chính trị xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, là một nội dung quan trọng trong công tác dân vận của Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong giai đoạn hiện nay.

- Đề nghị Sở Tư pháp biên soạn đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng chuyên đề; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp. Tổ chức toạ đàm, học tập chuyên đề, trao đối kinh nghiệm phục vụ công tác tuyên truyền.

- Đề nghị chính quyền, ban ngành các cấp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, chế độ tài chính, tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

II. THỰC HIỆN CÔNG TÁC  HÒA GIẢI CƠ SỞ; XÂY DỰNG ,THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC VÀ CÔNG TÁC CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT

1. Công tác hòa giải cơ sở

a) Kết quả thực hiện

Trên cơ sở Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 13/12/2016 của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 09/01/2017 về việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; đống thời tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Hiện nay, toàn huyện có tổng số 112 tổ, với 648 tổ viên hòa giải, số lượng hòa giải viên được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý công tác hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở; đây là những hòa giải viên được sự tín nhiệm của nhân dân, am hiểu kiến thức pháp luật, người có uy tín, gương mẫu, tâm huyết, nhiệt tình trong công tác hòa giải và được UBND các xã, thị trấn ra Quyết định công nhận. Ngoài ra, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở năm 2017, có hơn 150 hòa giải viên tham dự.

b) Đánh giá chung

Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện thời gian qua đã đi vào nề nếp và tương đối ổn định, công tác hoà giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Hoạt động hoà giải góp phấn hạn chế việc khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhận thức đúng gắn về vai trò của công tác hòa giải.

c) Một số tồn tại, khó khăn

- Trình độ đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải.

- Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu chủ động.

- Chế độ hỗ trợ báo cáo viên pháp luật còn hạn chế, thủ tục thanh toán còn khó khăn

d) Nguyên nhân

- Nhận thức, hiểu biết của một bộ phận nhân dân về hoạt động hòa giải chưa cao, nhiều vụ, việc khi tổ hòa giải đến giải quyết thì không được tôn trọng, đôi lúc người dân còn có thái độ coi thường, không hợp tác, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở

 - Cán bộ Tư pháp cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay kiêm nhiệm rất nhiều công việc nên việc đầu tư thời gian để kiểm tra, đôn đốc, chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong công tác hòa giải còn nhiều hạn chế. Thiếu sự chủ động trong công tác quản lý, phối hợp về công tác hòa giải ở cơ sở.

- Đa phần các địa phương chưa chú trọng đến việc đầu tư kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Việc tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng và thực hiện chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ chưa được thực hiện dẫn đến tình trạng các hòa giải viên không có động lực, không nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

e) Kiến nghị, đề xuất

- Nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, bòi dưỡng, cấp phát tài liệu.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hòa giải cơ sở, quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí thỏa đáng cho hòa giải viên.

- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không những cho các hoà giải viên mà còn cho các tầng lớp dân cư trên địa bàn huyện, để không chỉ các tổ viên tổ hoà giải thực hiện công tác hoà giải mà mỗi người dân cũng có thể làm được công việc đó.

2. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và Công văn số 2.650/UBND-KPL ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan tổ chức thẩm định, tham mưu phê duyệt các bản hương ước, quy ước bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 98 thôn, tổ dân phố đều có quy ước. Qua thẩm định, rà soát từng quy ước của các thôn, tổ dân phố có sự khác nhau nhưng nhìn chung các bản quy ước đều có những nội dung quy định mỗi hộ gia đình phải thực hiện những vấn đề về xã hội, tập quán xử sự mang ý nghĩa đạo lý tốt đẹp của mỗi con người, tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng năng suất sản xuất, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, thực hiện kế họach hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới,… hình thức bản quy ước được thể hiện theo Chương, Điều. Tuy nhiên, qua rà soát quy ước các thôn, tổ dân phố vẫn còn gặp phải một số điểm không còn phù hợp cần phải sửa đổi, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành sửa đổi quy ước theo đúng quy trình nhằm tổ chức thực hiện hương ước, quy ước có hiệu quả.

3. Chuẩn tiếp cận pháp luật

a) Kết quả thực hiện

Trên cơ sở Kế hoạch 194/KH-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh về thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 20/01/2017 về thực hiện quy định chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017.  

Nhằm đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân, ngày 02/6/2014, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1.882/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, qua đó có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

b) Những tồn tại, hạn chế

- Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở là một nhiệm vụ mới nên nhiều địa phương thực hiện còn dè dặt, việc triển khai chưa triệt để, đôi lúc thiếu quan tâm.

- Việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật chưa hiệu quả, hầu như coi đó là trách nhiệm của riêng ngành Tư pháp.

- Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức đánh giá, công nhận, xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật nên việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chưa thường xuyên, kịp thời hoặc đơn giản hóa việc triển khai làm thử; chưa bố trí đủ nguồn lực kinh phí và bố trí cán bộ theo dõi công tác này phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

c) Kiến nghị, đề xuất

- Đề nghị Sở Tư pháp tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ về kiến thức chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Bảo đảm các nguồn lực, bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.263.410
Truy câp hiện tại 13.753