Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Làng văn hóa An Gia – điển hình trong phong trào xây dựng làng văn hóa ở Quảng Điền
Ngày cập nhật 15/10/2009

              Vào ngày 15/10/2009, tại tỉnh Thái Bình, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm, phong trào xây dựng làng văn hóa và tuyên dương các làng văn hóa tiêu biểu. Làng văn hóa An Gia, thị trấn Sịa cùng đại diện 2 làng văn hóa tiêu biểu khác của tỉnh Thừa Thiên Huế được bình chọn để tham dự hội nghị này. Nhân sự kiện này, chúng tôi giới thiệu đôi nét về những thành tích nổi trội của làng văn hóa An Gia trong quá trình xây dựng làng văn hóa ở địa phương.

            Cũng như bao làng quê khác của Quảng Điền, kể từ sau khi đăng ký xây dựng và được công nhận làng văn hóa, làng An Gia Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống mà ông cha đã để lại.

            Nằm ở phía Bắc của Thị trấn Sịa, An Gia có 472 hộ gia đình với 1923 nhân khẩu, người dân nơi đây sinh sống bằng các ngành nghề chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mộc, nề và buôn bán dịch vụ. Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp khá lớn, hơn 110 ha nên bà con nhân dân làng An Gia đã tăng cường đầu tư, thâm canh, nâng cao năng suất lúa đạt bình quân đạt 110 tạ/ha/năm, tăng từ 8-10 tạ/ha/vụ so với 10 năm trước; ngoài ra có 37 hộ gia đình đã tiến hành chuyển đổi 4,8 ha lúa 2 vụ sang trồng rau màu với nhiều loại như cải, ngò, xà lách, rau đậu các loại để cải thiện cuộc sống hàng ngày. Chăn nuôi cũng là thế mạnh của địa phương do có địa hình cao ráo, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào nên ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn lợn 547 con, gần 100 con trâu bò. Không những thế, phát huy lợi thế mặt nước đầm phá Tam Giang rộng hơn 100 ha, có 32 hộ gia đình đã tham gia nuôi tôm cá. Ngoài những thế mạnh nói trên, dân làng An Gia còn có nghề phụ truyền thống đó là chơm cá và chậm hến bằng thủ công, mỗi ngày có từ 50 đến 100 lao động tham gia, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt trong thời gian gần đây, một bộ phận nhân dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Thị trấn Sịa đã đề ra, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người gần 10 triệu đồng/năm. Đa số các hộ gia đình trong thôn đều có nhà xây lợp ngói, phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn được bà con nhân dân sắm sửa ngày càng nhiều hơn. Đường làng ngõ xóm được bê tông hoá sạch đẹp, mỗi xóm đều đã xây dựng được cổng chào khang trang. Có thể khẳng định đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân thôn An Gia ngày càng được cải thiện và nâng cao.

            An Gia cũng là làng đầu tiên của Thị trấn Sịa được công nhận làng văn hóa từ năm 2001, nơi đây bà con nhân dân sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm sâu đậm, một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần ở An Gia mà không phải nơi nào cũng có được, đó là vào các dịp tang lễ, người dân không dọn cỗ bàn linh đình như những nơi khác mà chỉ có trầu nước. Khi trong làng có người ốm đau, bà con trong làng đến thăm hỏi; khi có người qua đời được bà con đến chăm lo, phúng điếu và tiễn đưa... Cũng nơi đây tính cộng đồng vì lợi ích chung của tập thể luôn được bà con dân làng coi trọng, chính vì vậy mà trong một thời gian ngắn, nhân dân nơi đây đã tự nguyện di dời hàng nghìn ngôi mộ, trong đó có một ngôi mộ tổ đã tồn tại gần năm trăm năm đến một nơi khác để dành quỹ đất cho huyện xây dựng các công trình phúc lợi xã hội...Mỗi một gia đình trong làng đều tích cực phấn đấu để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, và hoà thuận, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Các tập tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan, cờ bạc rượu chè say sưa được đẩy lùi và giảm đáng kể, đặc biệt nơi đây chưa xảy ra tệ nạn ma tuý và các vụ việc trọng án. Con em trong làng đều được đến trường đầy đủ và được chăm sóc chu đáo, hội khuyến học thôn cũng đã được hình thành 7 năm qua, hàng năm đều huy động sự đóng góp của bà con nhân dân để khen thưởng cho các em học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào đại học và Cao đẳng, chính nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh giỏi, đỗ đạt cao ngày càng tăng, hiện tại trong thôn đang có gần 100 em đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước....Thống kê qua các năm có 756 học sinh đã nhận được phần thưởng từ chi hội khuyến học của làng với số tiền trên 21 triệu đồng, ngoài ra có 3 họ tộc trong làng cũng đã hình thành ban khuyến học dòng họ và tổ chức khen thưởng cho con cháu trong họ có thành tích cao. Nguyên nhân để chi hội khuyến học địa phương phát triển cũng là nhờ phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở địa phương được thực hiện có hiệu quả.

            Cũng chính từ phong trào xây dựng làng văn hóa mà bà con nhân dân nơi đây còn đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, xây dựng lại ngôi đình làng – biểu tượng văn hóa của làng quê Việt Nam. Được biết đình làng An Gia được xây dựng vào năm  Gia Long thứ 16 (năm 1817), là 1 trong những ngôi đình có quy mô lớn bậc nhất trong hệ thống kiến trúc nhà rường cổ thuộc khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế.  Qua gần 200 năm tồn tại, đến nay ngôi đình đã xuống cấp, việc trùng tu đình làng đã được bà con nhân dân trong làng đưa ra bàn bạc và nhất trí đóng góp kinh phí để đại trùng tu ngôi đình cổ này. Dự kiến kinh phí để đại trùng tu lên đến gần 1 tỷ đồng, trong đó mỗi lao động trong làng nhất trí đóng góp 500.000 đ được khoảng gần 300 triệu, số tiền còn lại làng kêu gọi sự hổ trợ, đóng góp của con dân làng An Gia đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước. Ông Ngô Văn Kỷ - Trưởng ban điều hành xây dựng đình làng vui vẻ cho biết: dự kiến vào đều tháng 9 âm lịch tới, công trình trùng tu đình làng An Gia sẽ cơ bản hoàn thành... Thiết nghĩ việc tiến hành trùng tu ngôi đình cổ có niên đại hàng trăm năm ở làng An Gia là việc làm rất đáng được biểu dương, khen ngợi – đây cùng là thành quả của tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư, là kết quả của phong trào xây dựng làng văn hóa mà An Gia là điển hình trong phong trào này.

            Theo Ông Nguyễn Tạo, trưởng thôn An Gia cho biết: để xây dựng thành công làng văn hóa : trước tiên, từ khi  bắt đầu đăng ký xây dựng làng văn hóa, bà con nhân dân trong làng đã trực tiếp xây dựng nên bản quy ước làng văn hóa với 7 chương 47 điều quy định cụ thể các điều khoản mà mỗi một người dân trong làng phải thực hiện, nội dung bản quy ước này hàng năm đều được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế như bổ sung các nội dung về thời gian tổ chức tang lễ, sử dụng âm thanh, chính sách dân số, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...cách làm này đã được dân làng đồng tình ủng hộ nên đã nghiêm túc thực hiện tốt nội dung quy ước làng văn hóa...

Chúng tôi tin rằng, với truyền thống tốt đẹp, lâu đời của một thôn có bề dày văn hóa lịch sử, sự đoàn kết đồng lòng đồng tâm của người dân nơi đây, An Gia sẽ tiếp tục thành công trong việc xây dựng làng văn hóa tiêu biểu không chỉ của Quảng Điền, mà cả của Thừa Thiên Huế./.(TP)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.580.270
Truy câp hiện tại 2.963