Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Quảng Điền đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đầm phá
Ngày cập nhật 28/12/2009

           Quảng Điền là địa phương thuộc vùng đầm phá và ven biển, có diện tích mặt nước khá lớn, toàn huyện gần 12 km bờ biển, 3.535 ha mặt nước phá Tam Giang, 340 ha mặt nước sông hồ, 377 ha ruộng lúa vùng trũng là điều kiện để mở rộng lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Đây được xem là mũi nhọn phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Để nuôi trồng  và khai thác nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, huyện Quảng Điền đã chú trọng công tác khai thác kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 

 

          Xác định đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn để địa phương phát triển kinh tế, huyện Quảng Điền đã tập trung chỉ đạo các địa phương đơn vị phát huy sức mạnh nội lực đẩy mạnh công tác đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản. Trong năm 2009, toàn huyện đã đưa vào thả nuôi 644,9 ha thủy sản nước lợ, 64,7 ha diện tích nuôi cá ao hồ, cá lúa và 1.016 lồng cá trên phá và ven sông. Trong những năm qua huyện Quảng Điền đã đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng nuôi, hoàn thành việc tách đê, khơi thông thủy đạo dọc theo tuyến đê ngăn mặn Tây phá Tam Giang, đồng thời đã hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản của xã Quảng An, Quảng Thành. Tiến hành sắp xếp và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản ở các địa phương, đa dạng hóa hình thức nuôi trồng, tổ chức sản xuất theo mô hình nuôi ao hồ, lồng bè, chạn xen canh để khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng. Coi trọng việc bồi dưỡng kỹ năng canh tác ở từng tổ sản xuất, chú trọng công tác xen canh và đa dạng hóa vật nuôi. Hình thành một số nhân tố mới trong nuôi trồng thủy sản, nhận rộng các mô hình nuôi cá đặc sản ở vùng nước lợ như cá nâu, cá dìa, cá kình, cá chẽm, tạo ra khả năng tổ chức nuôi xen canh cùng với tôm sú để hạn chế tình trạng ô nhiểm môi trường. Mô hình chuyển đổi theo hướng nuôi xen ghép (tôm - cá), kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả kinh tế, hạn chế được dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường. Hầu hết các hộ có lãi bình quân 20-40 triệu đồng/ha. Trong vòng 3 năm trở lại đây người dân đã phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng cát ven biển đã đưa vò thả nuôi 5,3 ha tôm trên cát . Mô hình này dù mới phát triển, diện tích chưa được lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá lớn, bình quân mỗi ha cho thu nhpậ từ 150 đến 180 triệu đồng/năm. Đây là một tiềm năng để Quảng Điền phát huy sức mạnh nội lực của địa phương. Song song với nuôi trồng thủy sản trên vùng nước lợ, những năm trở lại đây huyện Quảng Điền đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng đưa vào thả nuôi mô hình nuôi ba ba, mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt trên vùng trang trại rú cát. Để tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong vấn đề chọn con giống, các địa phương đã từng bước hình thành các cơ sở sản xuất tôm giống, ba ba và giống cá nước ngọt từ đó đã chủ động đựơc nguồn giống thả nuôi, giảm chi phí trong quá trình sản xuất . Trên lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy sản huyện Quảng Điền đã chú trọng gắn khai thác nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế dần các loại hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, từng bước triển khai sắp xếp lại ngư trường, dỡ bỏ một bộ phần nò, sáo có ảnh hưởng môi trường sinh thái và luồn lạch giao thông đường thủy, tiến hành quy hoạch, khoanh vùng bãi đẻ để tạo ra sự phong phù và bền vững cho nguồn lợi thủy sản. Vận động bà con ngư dân đầu tư kinh phí mua sắm tàu thuyền ngư lưới cụ phục vụ công tác đánh bắt trung và gần bờ. Nhờ vậy sản lượng thủy sản bình quân hàng năm đạt 3.485 tấn, trị giá 36,540 tỷ đồng chiếm trên 30 % tổng giá trị thu nhập của huyện, trong đó sản phẩm có giá trị xuất khẩu là 447,5 tấn.

           Vùng ven biển và đầm phá được tập trung phát triển toàn diện cả nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng CNH, HÐH gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới. Nuôi trồng thủy sản phát triển; kết cấu hạ tầng về điện, đường, trường, trạm được đầu tư theo hướng kiên cố hóa từ chương trình giảm nghèo bãi ngang ven biển.  Xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ được huyện Quảng Điền quan tâm đặc lên hàng đầu. Huyện đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, kêu gọi các dự án về du lịch, dịch vụ... như dự án du lịch sinh thái vùng biển và đầm phá giai đoạn 2010 - 2010, chiến lược phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang....Để các dự án chiến lược được phát huy có hiệu quả, ngoài tuyến đường quốc lộ 49B, cầu Cacút, huyện Quảng Điền đã triển khai xây dựng các tuyến đường ngang, hệ thống giao thông liên huyện, xã nhất là các tuyến đường nối liền vùng trung tâm huyện lỵ ra phá và các tuyến đường ra biển tạo thành mạng lưới giao thông dày đặc .

  Những hạn chế và giải pháp: 

             Do địa hình mặt nước hệ thống ao chìm, nhất là các ao không thể hút khô nước để cải tạo chiếm khá nhiều. Tư tưởng chủ quan của người nuôi vẫn còn thờ ơ xem nhẹ  yếu tố khoa học kỹ thuật, chưa ý thức đựơc việc kiểm dịch con giống . Hoạt động khai thác đầm phá còn tùy tiện, bừa bãi, tình trạng giăng nò, sáo, đáy dày đặc và vấn đề khai thác thủy sản mang tính, cạn kiệt, hủy diệt đã hạn chế đến vấn đề môi trường mặt nước, một số loại thủy sản đang có chiều hướng ngày càng giảm sút, tình hình dịch bệnh ở khu vực nuôi thường xuyên xảy ra.

         Với mục tiêu phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng sông, vùng phá Tam Giang và thủy nội địa nhằm góp phần phát triển kinh tế thủy sản bền vững và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học nhằm hình thành ý thức và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mọi tầng lớp nhân dân, huyện Quảng Điền sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp nò sáo và chuyển đổi nghề trên vùng đầm phá. Ðẩy mạnh các chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển giống thủy sản; tăng cường mạng lưới khuyến ngư viên cơ sở tại các vùng nuôi trồng trọng điểm; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước, vùng đầm phá của huyện... tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở và dân thủy diện; quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tập trung, các vùng trọng điểm khai thác đầm phá Tam Giang gắn với việc giao quyền khai thác và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý. Có chính sách trợ giá các loài giống thủy sản đối với vùng đang gặp thua lỗ nhiều năm để trợ giúp cho người nuôi. Tuyên truyền ý thức Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho nhân dân. Quản lý chặt chẽ lực lượng khai thác nội địa, giảm và hạn chế các nghề lưới lứ, đáy, cào ven sông…xác định vùng và thời gian cho phép khai thác hợp lý. Kiến quyết ngăn chặn tình trạng khai thác bằng xung điện và lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định. Củng cố và tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát các hành vi khai thác mang tính chất hủy diệt nguồn lợi, phá hoại sinh cảnh và các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi khác. Xây dựng phương pháp khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên cơ sở quản lý cộng đồng để phát triển bền vững. Xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn lợi tự nhiên, phục hồi các đối tượng có giá trị kinh tế đang bị giảm sút hoặc có nguy cơ bị hủy diệt bằng phương thức thả giống nhân tạo. Không ngừng phát triển nguồn lợi thủy sản, tăng sản lượng nuôi để thỏa mãn nhu cầu xã hội trong tỉnh, giảm áp lực lên việc khai thác nguồn lợi tự nhiên, đồng thời với việc chú trọng chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đặc biệt bước vào năm năm 2010, huyện Quảng Điền sẽ tổ chức “Ngày Hội Tam Giang" với tên gọi “Sóng Nước Tam Giang”. Đây là cơ hội để Quảng Điền giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước tiềm năng văn hóa, du lịch của vùng đất lịch sử lâu đời, gắn liền với những di tích lịch sử nổi tiếng, nhiều sản vật phong phú, độc đáo, hấp dẫn, tạo ấn tượng cho du khách đến với Quảng Điền. Đồng thời, thông qua đó khai thác có hiệu quả các giá trị về văn hóa, du lịch vùng đầm phá, ven biển đặc trưng của vùng đất Quảng Điền để tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian của địa phương, từng bước tạo nên một thương hiệu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó huyện Quảng Điền sẽ hình thành các Tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang, biển gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế đầm phá phát triển một cách bền vững ổn định và phong phú.

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đầm phá của huyện Quảng Điền sẽ mở ra một triển vọng mới cho nền kinh tế lâu nay vốn chủ yếu là thuần nông. Qua đây chúng ta có thể hy vọng huyện Quảng Điền sẽ tạo được đòn bẩy phát triển kinh tế xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

                                                                                                                                                                                             

                                             Công Cường

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.580.263
Truy câp hiện tại 2.957