Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Quảng Điền chú trọng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững
Ngày cập nhật 21/02/2017

              Trong giai đoạn 2016 – 2020 huyện Quảng Điền triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Quảng Điền thành huyện nông thôn mới. 

           Ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã đạt được những kết quả nhất định, đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, một số sản phẩm mang tính hàng hóa, có thương hiệu, các mô hình liên kết trong sản xuất… Vì vậy hiệu quả kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nông nghiệp Quảng Điền vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung còn chậm; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ; cơ cấu nguồn lực đầu tư chưa hợp lý…

            Trước thực trạng đó, huyện Quảng Điền triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh mở rộng quy mô, tăng hệ số sử dụng đất, mặt nước, coi trọng sắp xếp lại tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả chất lượng, tăng giá trị của ngành nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó giảm nghèo nhanh bền vững, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Điền thành huyện nông thôn mới.

            Theo đó, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền đối với cây lúa ổn định diện tích gieo trồng khoảng 7.500 đến 7.700 ha, đẩy mạnh việc thay đổi cơ cấu giống lúa có năng suất, chất lượng cao theo hướng liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, phấn đấu năng suất lúa đạt từ 64 đến 65 tạ/ ha, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng tập trung ở các cánh đồng lớn ở Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Phước, thị trấn Sịa với khoảng 2.300 ha. Tiếp tục quy hoạch chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây đa canh để tăng hiệu quả canh tác; Hình thành các vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: cây Ngô, cây lạc, cây mía cẩm tân và các cây thực phẩm ở các địa phương. Đối với các diện tích rau màu, quy hoạch vận động nhân dân mở rộng các vùng trồng rau sạch tập trung ở Quảng Thành, Quảng Thọ, thị trấn Sịa, Quảng Lợi và Quảng Vinh theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt khoảng 100 ha, kết hợp với việc xây dựng thương hiệu  để chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Khuyến khích nông dân trồng rau trong nhà lưới và hệ thống tưới tự đọng để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; Mở rộng diện tích trồng rau má chuyên canh theo hướng Vietgap từ 60 đến 70 ha gắn với chế biến đa dạng hóa sản phẩm. Đối với cây ném, mở rộng diện tích trồng ném ở các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, thị trấn Sịa, vùng cát nội đồng, hình thành các vùng sản xuất ném tập trung, tiến tới xây dựng thương hiệu ném Quảng Điền. Phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 100 ha ném. Đồng thời tiến hành quy hoạch việc trồng dưa gang, dưa hấu ở Quảng Công,  Quảng Lợi với diện tích 25 ha; vận động nhân dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích để trồng cây trái vụ, mở rộng diện tích trồng hoa ở các vùng chuyên canh La Vân Hạ, Quảng Thọ, Giang Đông, An Gia, thị trấn Sịa, Nam Vinh, Quảng Vinh và xã Quảng Công để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong các dịp lễ tết. Phấn đấu đưa diện tích trồng hoa đến năm 2020 đạt 40 ha. Phấn đấu giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 85 triệu đòng/ ha

            Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện Quảng Điền tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại nuôi công nghiệp ở các vùng được quy hoạch, phát triển mạnh đàn lợn và đàn gia cầm, đẩy mạnh công tác cải tạo chất lượng giống vật nuôi, thực hiện chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học để đảm bảo môi trường, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt, trứng, liên kết với các doanh nghiệp để phân phối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Triển khai nhân rộng các mô hình nuôi sản phẩm đặc sản như: trĩ, vịt trời, bồ câu, thỏ.... để nâng cao hiệu quả kinh tế trên lĩnh vực chăn nuôi.

            Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện Quảng Điền hoàn thành việc quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản tại 5 xã, thị trấn còn lại, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho các khu nuôi trồng, vận động nhân dân đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi cả thủy sản nước ngọt và nước lợ, chú trọng nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng. Phấn đấu giá trị sản lượng bình quân đạt 130 triệu đồng/ ha.

             Theo đó, huyện Quảng Điền chỉ đạo các địa phương tiếp tục củng cố và phát triển các nghề, làng nghề hiện có; hình thành thêm một số làng nghề, chú trọng xây dựng, phát triển các nghề chế biến các mặt hàng nông sản, đặc sản có thế mạnh của địa phương như: chế biến mắm, nước mắm- ruốc, sản xuất trà rau má, nghề làm bún, tôm chua, nem chả, tăng cường công tác liên kết để mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

            Để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, huyện Quảng Điền sẽ tiến hành công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tập trung chỉ đạo, điều hành, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM; Huy động các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể HXT. Có như vậy, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016- 2020 mới đạt được mục đích và hiệu quả đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Điền./.

 

                                                                                     Thực hiện: Ngọc Kim

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.305.091
Truy câp hiện tại 3.290