Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Những nỗ lực phát triển kinh tế trong năm 2015.
Ngày cập nhật 09/03/2015

           Quảng Điền là huyện có thế mạnh trên lĩnh vực sản xuất nông, ngư nghiệp. Để nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển theo hướng tăng trưởng và ổn định, trong những năm qua, nhất là năm 2015 này, huyện Quảng Điền đã đề ra nhiều giải pháp định hướng phát triển kinh tế. 

             Năm 2015, là năm cuối thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015. Ngay từ đầu năm, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn tiếp túc phát huy những kết quả đạt được, đề ra những chương trình, giải pháp cụ thể mang tính bức phá để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015. Trong năm 2015, sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân từ 11% đến 12%; thu nhập bình quân đầu người trên 25 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt trên 51.000 tấn, sản lượng thủy sản 6.120 tấn, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 người, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 06%. Phấn đấu thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện Quảng Điền đã và đang triển khai những chương trình, kế hoạch cụ thể đó là: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường đầu tư thâm canh, tăng hệ số sử dụng đất bằng các biện pháp xen canh. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, tạo bước chuyển biến về chất trong sản xuất và giá trị sản phẩm hàng hoá. Ổn định diện tích gieo trồng lúa khoảng 8.000 ha, năng suất bình quân đạt 62-63 tạ/ha/vụ. Sản lượng lương thực cây có hạt trên 51.000 tấn; giá trị sản lượng trên ha canh tác đạt 75 triệu đồng. Tăng cường đầu tư thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích trồng rau an toàn theo hướng VietGap ở Quảng Thành, Quảng Thọ; mở rộng diện tích trồng một số cây có giá trị kinh tế cao như: mía Cẩm Tân ở Quảng Phú, trồng hoa ở Quảng Thọ, Quảng Vinh, thị trấn Sịa; xây dựng cánh đồng mẫu cây lúa, rau ở những vùng có điều kiện (Quảng Vinh, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Thọ). Tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung ở thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ khoảng 50 ha. Tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển; khuyến khích các HTX có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày lớn, máy gặt đập liên hợp. Phấn đấu cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch lúa và trên 70% khâu vận chuyển. Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu để cơ giới hóa một số khâu sản xuất các cây trồng khác. Trên lĩnh vực chăn nuôi sẽ tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi huyện Quảng Điền trong năm 2015; tiếp tục đẩy mạnh chương trình nạc hóa đàn lợn, sind hóa đàn bò, tăng tỷ lệ đàn lợn nái 50% máu ngoại trở lên trên 38% và đàn bò lai lên trên 65%; tập trung thực hiện tốt Đề án phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao, nhất là vận động người dân đầu tư nuôi lợn nái ngoại; trong đó chú trọng kêu gọi và tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, nuôi công nghiệp ở vùng được quy hoạch đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Phát triển đàn lợn lên 40.000 con, duy trì đàn trâu 1.800 con, đàn bò 1.700 con, gia cầm 550.000 con. Trong chăn nuôi kết hợp chặt chẽ giữa phát triển tổng đàn với an toàn vệ sinh phòng bệnh.

          Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiếp tục ổn định diện tích nuôi thủy sản nước lợ khoảng 635,9 ha, trong đó có 16 ha nuôi chuyên cá chẽm, cá hồng mỹ; 7,34 ha nuôi tôm trên cát; sản lượng khoảng 241,8 tấn tôm sú, 315 tấn tôm chân trắng và 433,1 tấn cá, cua và tôm rảo các loại. Tăng cường chỉ đạo quản lý vùng nuôi, thả nuôi theo đúng lịch thời vụ, đảm bảo quy trình kỹ thuật. Đa dạng hoá các loại hình nuôi, đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt như nuôi chuyên cá ao hồ, nuôi cá-lúa, nuôi theo mô hình 3 tầng canh tác và nuôi cá lồng. Thực hiện tốt công tác quản lý khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ ở Quảng Lợi, khu bảo vệ thủy sản Cồn Máy Bay ở Quảng Ngạn để làm vùng bãi giống, bãi đẻ cho các loài thuỷ sản. Đồng thời, tăng  cường công tác quản lý nghề nò sáo trên phá Tam Giang theo quy hoạch. Khuyến khích phát triển các nghề chuôm, lưới dạy ở những nơi thích hợp. 

          Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng được quan tâm chú trọng. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp-xây dựng đạt 17%. Tiếp tục củng cố và phát triển các làng nghề đã xây dựng, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh để đầu tư, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống: Mây tre đan Bao La, bún bánh Ô Sa, mây tre Thủy Lập, chế biến mắm và nước mắm Tân Thành và đề nghị công nhận một số làng nghề khác như: Xây dựng ở Uất Mậu, thị trấn Sịa; chế biến nước mắm An Lộc, xã Quảng Công,… Khuyến khích, tạo điều kiện và vận động hình thành HTX, doanh nghiệp,...trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề.

          Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, sẽ tiếp tục tranh thủ và huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và các loại hình kinh tế, các tổ chức trong và ngoài huyện; nguồn vốn đóng góp của nhân dân; nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch các nguồn đầu tư. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để có thêm 01 xã (Quảng Công) đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015./.

                                                                                               

                                                                                                                 Công Cường

 

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 17.336.735
Truy câp hiện tại 5.501