Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Ký ức Điện Biên trong lòng cựu chiến binh Đoàn Văn Diệm
Ngày cập nhật 07/05/2015

           Chiến thắng Điện Biên Phủ là trang sử vàng của dân tộc. Trong trận đọ sức lịch sử ấy, các đơn vị chủ lực của quân đội ta được huy động tối đa lên vùng Tây Bắc với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ. Trong chiến công lẫy lừng ấy có sự đóng góp không nhỏ của những con người bình dị nhưng rất đỗi phi thường, điển hình như cựu chiến binh Đoàn Văn Diệm người con của quê hương Quảng Điền. 61 năm đã đi qua, nhưng những kỷ niệm về Điện Biên vẫn không phai nhòa trong tâm trí người cựu chiến binh Đoàn Văn Diệm, người chiến sỹ đã chiến đấu suốt 56 ngày đêm, vừa đào giao thông hào vừa giữ chiến hào cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, đi xuyên lòng đất tiến lên tiêu diệt quân thù. 

              Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Lợi (Quảng Điền) anh hùng, giàu truyền thống cách mạng. Năm 17 tuổi, người thanh niên trẻ Đoàn Văn Diệm lên đường nhập ngũ và được biên chế vào trung đoàn Trần Cao Vân. Năm 1950, ông chuyển về trung đoàn 57 sư đoàn 304 và trực tiếp tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Với cương vị là đại đội trưởng, Ông cùng anh, em trong đơn vị ngày đêm đào giao thông hào để bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, tiêu diệt quân Pháp tại cứ điểm Hồng Cúm, một trong những cứ điểm mạnh, tập trung nhiều lực lượng quân địch tại chiến trường Điện Biên. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết tuổi thanh xuân, ngày ngày Ông và các chiến sỹ trong đơn vị đã đào từng tất đất từ trong lòng núi vào đến căn cứ của địch, chỉ với những dụng cụ thô sơ như cuốc chim, xẻng... 100 chiến sỹ của đại đội ông đã làm việc suốt ngày đêm, vừa đào hào, vừa chiến đấu với kẻ thù để kịp phục vụ chiến dịch... Trò chuyện với chúng tôi, Ông Đoàn Văn Diệm cho biết: “Mặc dù làm việc với cường độ cao, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, vừa đào hào lại vừa chiến đấu để giữ vững đường hào, có ngày các chiến sỹ trong đơn vị Ông phải chiến đấu không biết bao nhiêu trận với máy bay và quân địch, họ không có thời gian để ăn và nghỉ ngơi. Mỗi ngày, các chiến sỹ được cấp 2 bữa cơm vắc sáng và chiều, đôi khi đến giờ ăn nhưng có địch cũng phải chiến đấu, bùn đất bám đầy người... Vào những ngày mưa, công việc của đơn vị ông lại càng gian khổ, vì mưa nên càng đào đất lại theo nuớc mưa chảy xuống, lấp đầy những đường hào, nên phải đào lại, trong những cơn mưa rừng giá rét đó, máy bay địch lại không ngừng ném bom, oanh tạc, nhưng các chiến sỹ của đại đội ông vẫn không sờn lòng, vẫn quyết tâm làm việc..

              Nhiệm vụ đào giao thông hào càng khó khăn, nguy hiểm hơn khi đã đào sâu vào gần căn cứ của địch ở Hồng Cúm, ở đây chúng bố trí hàng rào thép gai dày đặc, vì vậy đơn vị của Ông phải đào sâu xuống lòng đất để địch không thể phát hiện, làm đường hào kín để “ quân của Tướng Giáp từ dưới đất chui lên” mà đánh giặc. Cứ thế suốt 56 ngày đêm ròng rã, đơn vị của Ông đã đào hàng km đường giao thông hào từ bìa rừng ra tới căn cứ Hồng Cúm, rồi đào hào xung quanh để tạo thế bao vây, cô lập căn cứ này, không cho quân địch ở đây lên tiếp viện cho lực lượng địch ở Mường Thanh, chia rẻ và làm suy yếu lực lượng của chúng. 56 ngày đêm làm nên lịch sử, chính những chiến sỹ đào giao thông hào như đại đội của ông Đoàn Văn Diệm đã mở đường để bộ đội ta hành quân trong lòng địch mà chúng không hề hay biết.

               Từng tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến, nhưng những tháng ngày đào chiến hào, giao thông hào ở Điện Biên là những ngày tháng đáng nhớ trong cuộc đời Ông, hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về Điện Biên Phủ, về “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm thấm đất máu trộn bùn non” vẫn không phai mờ trong tâm trí người cựu chiến binh, thương binh Đoàn Văn Diệm. Nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy, Ông còn nhớ như in trận đánh đẩy lùi một tiểu đoàn của địch trong chiến dịch. "Nhiệm vụ của trung đoàn chúng tôi là tiến hành bao vây, kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm". Trận địa đại đội nằm giữa cánh đồng bằng phẳng, mọi sinh hoạt đều nằm dưới giao thông hào, có mái che tránh được đạn pháo của địch và dọc giao thông hào đều có hầm ếch để ẩn nấp, dễ cơ động hỏa lực và binh lực.

  (CCB Đoàn Diệm cùng các cựu chiến binh khác ôn lại truyền thống anh hùng cách mạng của người lính Cụ Hồ). 

              Hoàn thành nhiệm vụ ở Hồng Cúm, ông được lệnh quay trở về giải phóng đồng bằng, đánh địch ở Sơn Tây. Ba đêm, ông chỉ huy đơn vị diệt ba đồn Pháp và lính bảo vệ. Trước lúc có lệnh ngừng bắn một ngày, đêm đó đơn vị bị địch tập kích, Ông bị thương và được đưa về bệnh xá Vân Đình (Hà Nội) điều trị. Ngày bộ đội tiếp quản Thủ đô, Ông vinh dự có trong đội quân duyệt binh. Trong những ngày luyện tập, Ông vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần đến thăm và nói chuyện ở sân bay Bạch Mai, nơi đơn vị duyệt tập. Từ ngày trở về sống tại quê nhà Quảng Lợi, suốt 38 năm qua, Ông luôn gắn bó với địa phương, liên tục trên nhiều cương vị trọng trách không chút nề hà: Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng bộ xã, Chủ tịch UBMTTQ xã, Chủ tịch Hội CCB xã, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã và bây giờ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Tất cả mọi công việc, Ông luôn hoàn thành xuất sắc, luôn được người dân yêu mến.

               Những câu chuyện về Điện Biên - dòng ký ức vô tận của những cựu chiến binh đều đã bước qua tuổi 80, làm rưng rưng dòng lệ trên những đôi mắt của những người cựu chiến binh  và cả trong những cặp mắt của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, những con người đã và đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc./.

 

                                                                                                                             Công Cường

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.320.329
Truy câp hiện tại 16.311