Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Festival Gió !
Ngày cập nhật 26/02/2010
Phá Tam Giang

Ai đã từng một lần ra bến đò Cồn Tộc ở Quảng Lợi (Quảng Điền) để nghe cái gió thổi thoáng đảng vào người, chắc sẽ nhận ra sự hiện diện của gió. Gió tưng bừng, gió náo động, gió không ngừng không nghĩ như nó chính là thiên chức của mùa hè, nó kéo dài không dứt và có cảm giác vui hơn cả tiếng ve kêu. Gió lồng lộng mà làn da vẫn cảm thấy mềm mại, gió trong lành mà vẫn cảm nhận được hương vị của đầm phá...

Theo truyền thuyết thì gió được sinh ra từ thần linh và tiếp đó thì gió sinh ra ánh sáng, gió đưa hơi thở của thần linh vào cõi hồn mang nguyên thuỷ, gió trở thành công cụ của thần linh để ban phát và trừng phạt. Cũng bởi vậy, gió mang tên của nhiều vị thần hiền dịu, bất an và hiếu động: gió Bắc, gió Nam, gió ban mai và gió phương Đông, gió chiều tối và phương Tây...Quá nhiều tên gọi như thế, nhưng khi về với cái gió ở Cồn Tộc, chúng ta chỉ nghe một tiếng gọi: gió Tam Giang. Tôi đã từng biết đến cái gió Tuy Hòa nổi tiếng đã từng đi vào câu thơ “Ôi cái gió Tuy Hòa”! của Trần Mai Ninh. Đó là một loại gió biển cả, nó đẩy người đi và người muốn sống chung với nó, phải biết trì chân để đi ngược gió, phải biết ăn to nói lớn để thông điệp con người còn đến được với nhau. Gió biển còn một đặc điểm khác là làm cho da con người rin rít hơi nước mặn và bởi thế, các cô gái rất sợ vì sẽ đen hơn.

            Nhưng gió Tam Giang, loại gió đầm phá nước lợ của cái đầm rộng nhất Đông Nam Á này lại khác. Gió Tam Giang cũng không hề có vị tanh nồng như gió sông, bởi đơn giản là nó đi từ biển vào và được lọc hóa bởi đầm phá nước lợ. Nó lồng lộng, rời rợi làn da mà cái mát trong lành vẫn ngấm từ ngoài vào trong. Nó khiến một người khó tính nhất cũng phải mỉm cười. Nó khiến những ai đang có chuyện đau buồn cũng được xoa dịu. Và nó làm cho niềm vui chúng ta như được nhân lên. Nó xứng đáng là người cầm chịch cho một cuộc chơi kỳ thú.

            Phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên Huế có chu vi hàng trăm cây số và sống cùng với đầm phá có khoản ba vạn dân. Thế thì Festival Huế, đầm phá nước lợ sẽ góp phần được gì? Dĩ nhiên, nó góp sức với cái gió để làm cho mùa hè của Huế mát mẻ hơn. Những buổi sáng và chiều, hải sản từ đầm phá nước lợ như: cá dìa, cá nâu, cá hồng... được đưa đến cho du khách thêm yêu mến vùng đất lắm thác ghềnh, nhiều sông suối và thừa cả nước lợ cùng di sản văn hoá này. Nhưng rõ ràng chừng đó là chưa khai thác hết tiềm năng đầm phá.

            Thế nên ý tưởng tổ chức một Festival gió mà cánh nhà báo chúng tôi nảy sinh trong một chiều cả gió ở Cồn Tộc không hề là câu chuyện nói mà chơi. Nếu tổ chức được một Festival Gió, du khách sẽ được đưa ra những cái chòi hóng gió ven đầm phá. Họ sẽ được tận hưởng cảm giác trong lành của gió Tam Giang đem lại mà chắc chắn, chưa bao giờ họ được cảm nhận. Bất kể sáng hay chiều, gió Tam Giang đều có thể là  loại “gió mậu dịch” nổi tiếng miễn phí hoàn toàn và rộng rãi ban phát. Và trong cái cảm giác sung sướng ấy, du khách có thể cùng tận hưởng các món ăn đặc sản vùng nước lợ của đầm phá Tam Giang. Sau khi tận hưởng, hoặc cùng lúc thưởng thức ẩm thực nước lợ trong cái gió nước lợ, du khách sẽ được chơi các trò chơi gắn liền với gió: những cánh chong chóng xoay xoay, những cánh diều bay lên và tại sao không nếu có một cuộc thi viết thư gửi theo những cánh diều?...

            Festival Gió, vì vậy rất đáng được góp mặt cùng Festival Huế trong tương lai gần.

                                                           Thanh Ngọc

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.349.270
Truy câp hiện tại 11.449