Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Miền ký ức ngập tràn sóng gió
Ngày cập nhật 22/02/2010
Sản phẩm của làng nghề Bao La

Có đến hơn mười năm dâu bể, tôi mới có dịp làm một cuộc điền dã Quảng Điền như ước nguyện xưa. Cái thời tuổi trẻ với tay cao hơn trời, một chiều ngồi nâng chén rượu Lai Hà với bạn bên phá Tam Giang, hẹn nhau đi một vòng cho biết trầm tích văn hóa Quảng Điền nó sâu đến mức nào, nó rộng đến thế nào. Mà đáng đi quá chứ, gió Tam Giang lồng lộng thế kia, sóng nước sông Bồ lúc bấy giờ vẫn vỗ trước thành Hóa Châu, trước phủ Bác Vọng, trước phủ Phước Yên...Và chén rượu chiều xưa sao mà nồng nàn khiến người ta cứ muốn làm một cái gì đó ngay. Ấy vậy mà phải mất hơn mười năm sau, khi huyện Quảng Điền tổ chức cho các nhà văn đi thực tế sáng tác, tôi mới có dịp “thống kê di sản” vùng đất trũng nằm bên phá Tam Giang theo cách của mình, thấy mình như thể đang đi qua miền ký ức ngập tràn sóng gió. Bạn ơi, mười năm nữa đã đi qua, có muộn lắm không?

Tôi về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/ Có ai về Sịa với tôi thì về/ Đất Sịa có lịch có lề/ Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”...

            Nếu có thể chồng xếp các thời kỳ văn hóa lên nhau theo một trục thẳng đứng, Quảng Điền quả là một vùng đất hội tụ chiều sâu hun hút trầm tích và chiều lan tỏa văn hóa rộng đặc biệt. Khởi đi từ thời điểm 1306, đến nay, đất Quảng Điền còn nhắc đến những cái tên đi vào lịch sử, đi vào tâm thức dân tộc. Vùng đất này ngoài thành Hóa Châu, còn có các di tích Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng là những khu đô thị sớm, thể hiện truyền thống tư duy sông nước trong việc định đô, lập nước của dân tộc. Cái tên Sịa cũng làm hao tốn không biết bao nhiều giấy mực bàn cãi xưa nay: Có người bảo đó cũng là một cái tên gốc Chămpa như tên các làng Nong, Truồi, Ô Lâu, Nam Ô... Nhưng nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang lại cho đó có thể là một cái tên gốc người miền núi PaKoh, gọi “cá” là Siaq. Hay nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm lại cho cái tên Sịa để chỉ đến cái sịa có lỗ, dùng để sàng sẩy ở thôn quê. Dù sao đi nữa, Sịa ngày xưa vẫn là vùng quê nổi tiếng thứ hai chỉ sau kinh đô Huế: “Nhất Huế nhì Sịa”, chứng tỏ xưa kia, văn vật vùng đất này cũng xứng đáng là một trấn đô. Ở Quảng Điền, những cái tên làng gắn với nghề nghiệp đã được các nghệ nhân nâng lên thành một thứ nghệ thuật trưởng thượng. Xưa Ô Châu Cận Lục có nhắc đến “làng La Vân có nếp văn vật...Phò Nam giặt lụa nhiều hồ ”, dân gian vẫn lưu truyền đến “Cơm Mỹ Xá, cá Hộ Yên, tiền Phú Ngạn”, “trống An Gia, thanh la Thạch Bình, đình họ Khuôn, chuông Thủ Lễ”... Nay người dân ba miền vẫn còn nhắc đến thúng mủng Bao La, đan lát Thuỷ Lập, bún Ô Sa, rau Thành Trung, chén rượu Lai Hà... Văn hóa tâm linh cũng gắn chặt vào từng ngôi làng ở đây với hàng loạt các đền thờ, miếu mạo: Đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở Sịa nhớ ơn người con gái ra đi vì vận nước. Miếu Bà Tơ có hai câu đối “Mặt nước hưởng nhờ ơn vũ lộ/ Dây tơ cứu khổ trận phong ba” thờ người phụ nữ đã có công phò chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang. Đặc biệt, đây có thể là miếu thờ đầu tiên của quân dân Nguyễn Hoàng tại vùng đất mới phương Nam. Ngoài ra, còn có nhiều đền miếu tạo nên một hệ thống thiết chế tâm linh như miếu Bà Thủy, miếu Bà Hỏa, miều Thần Nông, đền Dương, các đền thờ ngài khai canh, khai khẩn, cô đàn, các đình làng, chùa làng...

            Ở Quảng Điền, ngoài các di tích, di vật Chămpa còn sót lại khá nhiều, cũng là nơi còn tồn lưu một số di tích thời Tây Sơn đã gần như bị triều Nguyễn xoá sạch. Ở làng Bác Vọng Tây, làng Thủ Lễ hòm bộ làng và một số họ tộc còn lưu giữ tư liệu Hán Nôm thời Tây Sơn. Làng Hạ Lang, chùa còn lưu giữ quả đại hồng chung và chuông gia trì có khắc bài minh đề niên hiệu Cảnh Thịnh. Chừng đó cũng là rất quý cho chứng tích một triều đại anh hùng.

Nhiều di tích văn hóa lịch sử hiện vẫn còn hiện hữu trên mảnh đất giàu truyền thống văn vật này. Huyện hiện có sáu di tích văn hoá, di tích lịch sử, cách mạng được công nhận là di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Đình làng Thủ Lễ, Đình làng Thủy Lập, chùa Thành Trung, miếu mộ Đặng Hữu Phổ, di tích Hội nghị Nam Dương, Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

                                             ***

Tôi về thành Hóa Châu xưa, nơi trấn ải những ngày đầu mở nước, bây giờ xanh ngát những vườn rau Thành Trung. Cái màu xanh nõn nà của lá rau đang phủ lên một cách bình yên nơi ngày xa xưa đã xảy ra rất nhiều biến cố. Từ khi về với Đại Việt sau khi Huyền Trân Công Chúa “nước non ngàn dặm ra đi”, sau một cuộc hôn nhân có một không hai, với một sính lễ hết sức độc đáo của một giai đoạn lịch sử đặc biệt, Hóa Châu được xem là trọng trấn biên viễn đầu sóng ngọn gió đất phương Nam của Tổ quốc. Món quà cưới ấy không dễ giữ, chẳng bao lâu sau, mảnh đất ấy trở thành vùng tranh chấp ác liệt, bị chà đi xát lại suốt mấy trăm năm qua các cuộc chiến Việt-Chăm, qua cuộc kháng chiến chống quân Minh mà câu nói của tướng giặc Trương Phụ đến giờ vẫn còn được nhắc: “Ta sống được là ở Hóa Châu, chết cũng là ở Hóa Châu, Hóa Châu chưa lấy được, mặt mũi nào về nhìn chúa Thượng”. Thành Hóa Châu vì những lẽ như vậy, đã gắn liền với bao tên tuổi của các anh hùng, tướng lĩnh, thi nhân. Người của Hóa Châu xưa, Quảng Điền nay cũng đã soi hồng tên tuổi mình lên những trang sách sử. Lịch sử sẽ còn mãi nhắc một Đặng Tất, danh tướng trải ba triều Trần, Hồ, Hậu Trần. Tổ tiên của Đặng Tất vốn cư ngụ ở kinh kỳ Thăng Long, đến thời ông, sau khi thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần được bổ làm tri phủ Hóa Châu. Khi Hồ Quý Ly nắm quyền binh, đã tin dùng Đặng Tất, phong cho làm Đại tri châu Hóa Châu. Năm 1402, Hồ Quý Ly mở nước đến đất Quảng Ngãi, lập bốn châu mới chiếm là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và cử Hoàng Hối Khanh làm Tuyên uý sứ trấn thủ, Đặng Tất đi theo giúp việc. Đến khi nhà Hồ tan, Đặng Tất trá hàng rồi tìm tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi, phò lên làm đế, tức Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần chống quân Minh. Năm 1408, Đặng Tất kéo quân từ Hóa Châu ra Bắc, riêng trận đại chiến Bô Cô (Nam Định) đã đánh tan 10 vạn quân Minh, khiến Mộc Thạnh phải tháo chạy. Tiếc thay việc lớn đáng lẽ thành mà lại không thành, Giản Định Đế nghe lời dèm pha, lập mưu hèn giết chết tướng tài. Cuộc kháng chiến quân Minh phải chờ đến Lê Lợi-Nguyễn Trãi hai chục năm sau. Nhà Hậu Trần cũng suy vong từ đó. Con của Đặng Tất là Đặng Dung sinh ở Quảng Điền khi Đặng Tất được cử làm quan ở Hóa Châu, nối chí cha rước Trần Quý Khoách lập làm vua, tức vua Trùng Quang. Trải các trận đánh lớn ở Mô Độ, Thiên Quan, Thái Già khiến quân Minh khiếp đảm. Tuy nhiên, lực mỏng, việc lớn không thành, ông ôm hận gieo mình xuống biển, để lại bài thơ “Thuật hoài” có hai câu cuối còn vang mãi đến nay: “Nợ nước chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài dưới nguyệt biết bao ngày”. “Phi hào kiệt chí sỹ bất năng” (không phải người hào kiệt không thể làm được) - danh sỹ Lý Tử Tấn đã nói về tác giả bài thơ này như thế.

            Ôi, Quảng Điền, phải là đất địa linh mới sinh ra những người con kiệt liệt như vậy! Về sau còn có Đặng Chiêm Khoa thời Lê đã dâng sớ xin cải cách thuế khóa. Hai cha con Đặng Huy Cát, Đặng Hữu Phổ tổ chức đánh Pháp trong biến cố 23 tháng 5 Ất Dậu. Việc bất thành, ông xin tha cho cha là chồng của công chúa Nguyễn Thị Tĩnh Hòa, chỉ mình ông chịu chết. Đặng Hữu Phổ thọ hình tại bến đò Quai Vạc ngay trên quê hương Quảng Phú. Bến đò ấy bây giờ chỉ còn là bến nước, nhưng gió vẫn lồng lộng thổi qua ba bến phân vân khúc sông chảy uốn chia dòng, vọng mãi câu thơ ông lưu lại lúc ra pháp trường: “Tuyệt đại tài hoa tin thử thân/ Nhất sinh trung hiếu khuất nhi thân/ Nhi kim chính khí hoàn thiên địa/ Tinh phách thường tùy quân dữ thân” (dịch: Tài hoa rất mực tự tin/ Trọn đời trung hiếu kinh quyền dám sai/ Trả chính khí lại đất trời/ Mà tinh phách vẫn theo hoài vua, cha). Hiện miếu và mộ ông vẫn còn, hương khói nghi ngút quanh năm. Mộ ông nằm bên cánh đồng bên cạnh mẹ, như đứa con thơ ấu trở về vòng tay yêu dấu. Những người khác tiếp tục tinh thần bất khuất có thể kể đến là ẩn cư Cao Đăng Đệ hưởng ứng hịch Cần Vương bàn mưu chiêu hiền đãi sĩ lập căn cứ chống Pháp, Trần Thúc Nhẫn tuẫn tiết trong trận chiến bảo vệ Thuận An 1883...Trong công cuộc cách mạng giải phóng và dựng xây đất nước, về sau còn sáng mãi cái tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-nhà lãnh đạo quân sự thiên tài; nhà thơ Tố Hữu-con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam...

Miền quê vùng trũng và lam lũ này gần đây lại sản sinh nhiều người con ưu tú trong nghiệp đèn sách. Chỉ riêng làng Phú Lễ-Quảng Phú đã ghi tên cho đất nước nhiều giáo sư đầu ngành như giáo sư lý luận văn học Trần Đình Sử, giáo sư Nguyễn Xuân Nam, giáo sư sử học Trần Bá Đệ, giáo sư vật lý Trần Bá Chữ...Quảng Điền cũng là quê hương của thần đồng toán học Lê Bá Khánh Trình, người đã mở ra một thời kỳ hội nhập mới của ngành giáo dục đất nước những năm tám mươi của thế kỷ 20.

***

            Trong tầm nhìn xa hơn về phía trước, Quảng Điền đang nỗ lực đóng góp phần mình cùng cả tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2013. Quảng Điền đã đăng ký xây dựng huyện văn hóa và đây là huyện đầu tiên của cả tỉnh đăng ký danh hiệu này. Nguyên Bí thư Huyện uỷ Trần Phước Hinh nói rằng “ Xây dựng huyện điểm văn hóa không phải chỉ là quan tâm đến chuyện cờ, đèn, kèn, trống... mà cái quan tâm lớn chính là xây dựng con người Quảng Điền thế nào để góp phần làm cho vùng quê lúa chiêm trũng này thật sự thay da đổi thịt...”. Mục tiêu lớn nhất trong xây dựng huyện điểm văn hóa là xây dựng con người phát triển toàn diện cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trí tuệ, thể lực, kỹ năng lao động; mỗi gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội; mỗi làng quê trở thành cộng đồng dân cư phát triển cả về dân sinh, dân trí, dân chủ...Người dân Quảng Điền hôm nay dù đang còn vất vả mưu sinh vẫn luôn lo lắng việc học hành của con cháu. Đến nay, huyện đã có 11/11 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và đang triển khai phổ cập giáo dục bậc trung học. Quảng Điền cũng là địa phương có phong trào khuyến học khuyến tài phát triển mạnh, đặc biệt hàng năm huyện có tỷ lệ học sinh đậu đại học rất cao, trong năm 2009 có 736 em đậu, riêng trường Nguyễn Chí Thanh, tỷ lệ này lên đến 30%. Những con số đó ắt hẳn khiến nhiều người giật mình.

            Nằm trong những nỗ lực phát triển, Quảng Điền cũng đang có kế hoạch tổ chức một Festival trên đầm phá Tam Giang và chắc chắn đó sẽ là một Festival vô cùng hấp dẫn. Ngồi tán chuyện mông lung xung quanh Festival ở Tam Giang, tôi nói với Phó Chủ tịch huyện Trần Giải rằng: bốn năm trước, chúng tôi ngồi ở Bến đò Cồn Tộc đầy gió đến mức chúng tôi nghĩ rằng nên có một Festival Gió ở đây. Tôi về viết ngay bài “Festival Gió”. Không ngờ cái ý tưởng mơ mộng kia bây giờ lại sắp thành hiện thực ngay trong Festival Huế 2010 tới đây. Anh Trần Giải cho biết cái tên của nó có thể là “Nắng gió Tam Giang”, có thể là “Sóng Tam Giang”.  Dù tên gì đi nữa thì Festival Tam Giang cũng sẽ tận dụng tối đa ưu thế nắng, sóng, gió và văn hóa Tam Giang, sẽ có chợ trưng bày và bán các sản vật địa phương như các loại nghêu, sò, ốc, hến, trìa, các loại cá tôm; rồi lại tổ chức chơi các trò chơi dân gian sông nước, đua ghe câu...Tôi nghĩ trên bến đò Cồn Tộc này, lúc đó tổ chức cho các em học sinh nghỉ hè chơi thả diều, quay chong chóng tự tay làm trên ven bờ phá... Bày bán các loại bánh, bún, mà cái miếng thịt heo Quảng Phú đã thành thương hiệu chắc chắn sẽ lưu khách rất đông; rồi các loại dưa mà dưa nưa là thứ khiến nhiều du khách sẽ muốn nếm một lần cho biết để hiểu thêm bài “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu. Thêm nữa, bày các chiếu rượu Lai Hà nhấm với trứng lộn đặc sản vùng đất này cùng với các loài hải sản nước lợ, chắc chắn du khách sẽ nhớ mãi một khi đã về đây thưởng thức. Chắc chắn đó sẽ là một Festival cực kỳ đặc trưng của một vùng quê ven phá, không nơi nào có được...

Tự nhiên mong sao Festival 2010 mau đến.

                                                         

                                             Ghi chép của HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

                                            (Trại sáng tác Quảng Điền tháng 6/2009)

                                                                                                                          

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.351.710
Truy câp hiện tại 12.951