Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Điền trên tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Ngày cập nhật 22/02/2013

            Được tỉnh Thừa Thiên Huế chọn là 1 trong 2 huyện điểm xây dựng nông thôn mới, qua hơn 01 năm triển khai thực hiện chương trình, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ các Sở, ban ngành cấp tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân nên bước đầu huyện Quảng Điền đã đạt được một số kết quả tích cực.

                Đến nay, 10/10 xã đã hoàn thành và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới, 09/10 xã đã hoàn thành và phê duyệt quy hoạch (còn xã Quảng Thành, do quy hoạch nông thôn mới được lồng ghép trong quy hoạch xây dựng đô thị Thanh Hà). Trên cơ sở quy hoạch và đề án được phê duyệt, các xã đã tổ chức công bố công khai để nhân dân nắm bắt, theo dõi và thực hiện.

                Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện chương trình với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt như: Tổ chức lễ phát động phong trào thi đua và ra quân xây dựng nông thôn mới tại 10/10 xã; tổ chức cho các thôn ký cam kết, đăng ký và thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới; tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,...

Mặt trận và các Đoàn thể các cấp cũng đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình với các hoạt động rất thiết thực như: Hội liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng mô hình "năm không, ba sạch"; Hội Nông dân đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua và ký cam kết xây dựng nông thôn mới cho các chi hội trên địa bàn, vận động hội viên hiến đất, hiến cây để xây dựng các công trình hạ tầng; Hội Cựu chiến binh đã triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến 93 chi hội ở cơ sở, tổ chức vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng mô hình "năm không, ba có"; Đoàn Thanh niên đã ban hành và triển khai đến cơ sở kế hoạch tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới.

            Đã chú trọng chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất. Vận động nhân dân đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc như: máy gặt đập liên hợp, máy cày lớn,...để thực hiện tốt cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhân rộng các mô hình đã được khẳng định có hiệu quả như: mô hình trồng nấm, mô hình nuôi ngan Pháp, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản, mô hình nuôi xen ghép,...Tổ chức tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án để đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: tôm chua, tôm chấy, nem chả, các sản phẩm cơ khí,...

            Thường xuyên phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng thôn, xóm văn minh, sạch đẹp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân tự cải tạo, xây dựng, nâng cấp nhà ở đạt chuẩn, chỉnh trang tường rào, vườn; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung. Hàng tháng, phát động nhân dân tham gia làm vệ sinh môi trường ở từng thôn, xóm và trong từng hộ gia đình.

            Đã tích cực tranh thủ và huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa-thể thao,...) và thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ tốt hơn cho vấn đề dân sinh. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư thực hiện chương trình là: 135.239 triệu đồng; trong đó: Nguồn vốn ngân sách 66.052 triệu đồng (ngân sách huyện: 3.523 triệu đồng, ngân sách xã: 12.538 triệu đồng); vốn Doanh nghiệp, HTX: 41.480 triệu đồng; vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ: 3.333 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp: 24.374 triệu đồng, trong đó nhân dân đã hiến 49.863,5m2 đất, 45.114 cây các loại, 1.021 mét tường rào và nhiều công trình phụ khác; đóng góp 12.305 ngày công; 6.555 m3 đất, đá,...để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

            Song song với việc chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các địa phương đã quan tâm củng cố, xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh. Đã chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

            So với 19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia, đến nay trong 10 xã của huyện có 01 xã đạt 11 tiêu chí (Quảng Phú), 01 xã đạt 10 tiêu chí (Quảng Thành), 02 xã đạt 9 tiêu chí (Quảng An, Quảng Lợi), 05 xã đạt 8 tiêu chí (Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái) và 01 xã đạt 7 tiêu chí (Quảng Thọ).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đó là: Ngân sách huyện, xã còn gặp nhiều khó khăn nên đầu tư hỗ trợ để thực hiện chương trình còn ít, đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc phát huy nội lực để góp vốn xây dựng các công trình hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là đường ngõ xóm; một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác chỉ đạo, còn thiếu chủ động, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn thiếu thường xuyên, liên tục nên chưa tạo được phong trào mạnh mẽ trong nhân dân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để phấn đấu xây dựng huyện Quảng Điền thành huyện nông thôn mới vào năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra; trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

            Trước hết, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cho người dân nhận thức sâu sắc chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình mà nhân dân là chủ thể, nhà nước tổ chức triển khai, vận động và hỗ trợ một phần nguồn lực để nhân dân thực hiện, tránh tình trạng người dân chỉ trông chờ vào Nhà nước. Phải phát huy vai trò, trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của hệ thống chính trị ở thôn, nhất là vai trò của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trong tổ chức phát động các phong trào nhân dân xây dựng nông thôn mới. Luôn đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của chương trình. Thường xuyên đưa các tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng về các gương điển hình trong thực hiện chương trình ở các địa phương để nhân dân, các địa phương học tập kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.

            Thứ hai, trên cơ sở 19 tiêu chí với 39 nội dung theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, từng địa phương phải có kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện một cách khoa học, thiết thực; trong đó những tiêu chí, nội dung nào đã đạt rồi thì tiếp tục phấn đấu để đạt ở mức độ cao hơn; những tiêu chí, nội dung nào thuận lợi thì triển khai thực hiện trước; những tiêu chí, nội dung nào còn khó khăn thì triển khai từng bước, qua từng năm. Đặc biệt những tiêu chí, nội dung không nhất thiết phải có kinh phí hoặc cần ít kinh phí thì cần phải quyết tâm tổ chức và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện để sớm đạt được.

            Thứ ba, hỗ trợ một phần nguồn lực và trên cơ sở đề án, quy hoạch để định hướng cho người dân đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất; trong đó cần tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển các ngành nghề truyền thống, lợi thế để từng bước nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là nội dung quan trọng, cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới.

            Thứ tư, tích cực tranh thủ và huy động mọi nguồn lực cũng như tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án để từng bước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ tốt cho vấn đề dân sinh. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất (thuỷ lợi, giao thông nội đồng, hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề), trường học, hạ tầng thiết chế văn hoá, thể thao.

Thứ năm, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện văn hoá với xây dựng nông thôn mới. Quan tâm công tác đào tạo nghề và xóa đói giảm nghèo. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong toàn xã hội. Chủ động ứng phó với những tác động do biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, hàng năm tổ chức sơ kết tình hình, kết quả thực hiện chương trình để đánh giá rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, qua đó phát hiện, nêu gương và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình nhằm tạo sự lan tỏa trong nhân dân.

            Có thể nói, việc thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Quảng Điền trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đặc biệt là trong giai đoạn mà tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh và huyện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay. Nhưng tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, huyện Quảng Điền sẽ xây dựng thành công huyện nông thôn mới theo đúng tiến độ đề ra.

Hồ Vang

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.239.578
Truy câp hiện tại 13.274