Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Mướp đắng trái vụ - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Quảng Thái.
Ngày cập nhật 10/10/2012

           Hiện nay, mướp đắng là một loại rau quả trồng và bán được quanh năm trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn, vì vậy, nông dân xã Quảng Thái đã tiến hành trồng mướp đắng trái vụ. Tuy được đưa vào trồng vào thời điểm trái vụ so với vụ chính, song nhờ ứng dụng các biện pháp chăm sóc tốt nên mướp đắng trồng trái vụ cũng cho thu hoạch năng suất khá, mở ra triển vọng mới cho người dân Quảng Thái.

 

             Vụ trồng mướp đắng trái vụ năm nay, xã Quảng Thái đưa vào trồng 6 ha với 30 hộ dân tham gia, tập trung các hộ ở thôn Tây Hoàng và một số hộ ở vùng trang trại rú cát. Cùng với những kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây mướp đắng phát triển khá mạnh, cây to khỏe, sai quả. Hiện nay mướp đắng đang đến thới kỳ thu hoạch. Theo nhiều người dân cho biết, kỹ thuật trồng mướp đắng trái vụ khá đơn giản, chi phí thấp nhưng giá thành bán ra khá cao, bình quân mướp đắng cho thu nhập 80 triệu/ha. Chúng tôi đến thăm vườn mướp đắng của ông Văn Đức Cường ở thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái, qua hỏi thăm trò chuyện ông Cường đã bộc bạch tâm sự những khó khăn của mô hình trồng mướp đắng trái vụ, cũng như những niềm vui khi thu hoạch giá thành cao. Để dẫn chứng cho lời nói của mình ông đã dẫn chúng tôi ra tham quan vườn mướp đắng của gia đình, giới thiệu những giàn mướp đắng đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhìn qua giàn mướp đắng của gia đình ông Cường thấy được sự chăm sóc tỷ mỹ của gia đình, những trái mướp đắng trái vụ to dài không kém gì mướp đắng chính vụ. Chứng kiến cảnh gia đình đang thu hoạch những quả mướp đắng để kịp đưa đi bán buổi chợ, niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của những thành viên trong gia đình. Qua tâm sự với ông Cường được biết: Đây là năm thứ 5 gia đình ông đã đưa vào trồng mướp đắng trái vụ, bước đầu khi đưa vào trồng gia đình đã gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm kỹ thuật. Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, gia đình ông đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc mướp đắng trái vụ. Mướp đắng là loại rau quả rất thích hợp với đất cát pha thịt, hạn chế ở vùng trũng ứ nước, để trồng cây mướp đắng được tốt, sai quả, ông Cường cho biết: muốn dây phát triển nhanh, sai trái, ít bệnh, người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, giâm vào bầu tro cho tới việc xới đất, vun luống, đặt dây, ngắt ngọn và bón phân sao cho đúng quy cách, đúng kỹ thuật. Theo kinh nghiệm riêng của ông Cường, các loại phân chuồng, phân gia cầm... rất thích hợp với dây thân mướp đắng. Trong quá trình bón phân cần làm cỏ, xới vun kết hợp với 2 lần bón thúc đầu, chủ yếu xới đất và vun cao trước khi cắm giàn. Cần phải làm sạch cỏ không để cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với mướp đắng. Dùng nguồn nước sạch để tưới, tuyệt đối không dùng nước thải chưa qua xử lý để tưới. Cần giữ độ ẩm cho đất trong vườn mướp vào các đợt hoa cái nở rộ và bắt đầu đậu quả khoảng từ 80- 85%. Đặc biệt để phòng trừ nấm bệnh và giúp cây phát triển nhanh, trước khi xuống giống cần rắc vôi đều lên nền đất, kết hợp với bón lân, urê và NPK một cách hợp lý trong suốt quá trình chăm sóc.

            Hiện nay, gia đình ông đã trồng 3 sào mướp đắng trái vụ, số diện tích này trước đây quanh năm chỉ trồng sắn và những loại cây khác, hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi triển khai mô hình trồng mướp đắng trái vụ, hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt, bình quân mỗi kg mướp đắng được bán trên thị trường 10.000 đồng, mỗi ha cho thu nhập trên 80 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác trên vùng đất cát xã Quảng Thái. Từ hiệu quả trên, hiện nay đã có nhiều hộ gia đình chuyển đổi sang trồng mướp đắng. Ngoài ông Cường, hiện nay thôn Tây Hoàng đã có 30 hộ dân tham gia trồng mướp đắng trái vụ. Để mướp đắng phát triển nhanh và bảo đảm an toàn thực phẩm, những hộ dân trồng mướp đắng giữ vững nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách. Nhờ vậy mướp đắng trái vụ trên đất Quảng Thái luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng nên tiêu thụ dễ dàng.

            Để mô hình trồng mướp đắng nói chung, cây mướp đắng trái vụ nói riêng trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, xã Quảng Thái đã  có những giải pháp phát triển trồng cây mướp đắng như phối hợp với Trạm khuyến nông-lâm-ngư huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mướp đắng, tạo thương hiệu thị trường cho sản phẩm mướp đắng và phát triển diện tích trồng mướp đắng trái vụ lến 10 ha vào năm tiếp theo. Với những hiệu quả đạt được của cây mướp đắng mang lại cũng như những định hướng sắp tới của chính quyền địa phương, tin chắc rằng cây mướp đắng sẽ góp phần rất lớn giúp người dân xã Quảng Thái có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

                                                                                                   Công Cường.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.278.247
Truy câp hiện tại 12.663