Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Điền đẩy mạnh ngăn chặn khai thác thủy sản trái phép.
Ngày cập nhật 17/08/2012

            Quảng Điền là huyện có diện tích mặt nước vùng phá Tam Giang khá lớn, đây là điều kiện để phát triển kinh tế theo hướng đa dạng. Trong những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các xã, thị trấn đã khuyến khích, vận động bà con nhân dân đầu tư để phát triển nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn cho người dân. Tuy nhiên, vì nguồn lợi trước mắt, một số ngư dân trong và ngoài huyện đã sử dụng các loại phương tiện, dụng cụ đánh bắt nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt  đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Trước tình hình trên, các ngành chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện.

            Toàn huyện có chiều dài bờ biển gần 12 km, 3.535 ha mặt nước phá Tam Giang, 340 ha mặt nước sông hồ và nhiều hệ thống sông ngòi nên rất thuận lợi trong lĩnh vực phát triển kinh tế vùng biển, đầm phá. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, huyện Quảng Điền đã đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng nuôi, hoàn thành việc tách đê, khơi thông thủy đạo dọc theo tuyến đê ngăn mặn Tây phá Tam Giang. Ổn định đưa vào thả nuôi 644,9 ha thủy sản nước lợ, 64,7 ha diện tích nuôi cá ao hồ, cá lúa và 1.016 lồng cá trên phá và ven sông. Tiến hành sắp xếp và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản ở các địa phương, đa dạng hóa hình thức nuôi trồng, tổ chức sản xuất theo mô hình nuôi ao hồ, lồng bè, chạn xen canh để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Coi trọng việc bồi dưỡng kỹ năng canh tác ở từng tổ sản xuất, chú trọng công tác xen canh và đa dạng hóa vật nuôi. Hình thành một số nhân tố mới trong nuôi trồng thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi cá đặc sản ở vùng nước lợ như cá nâu, cá dìa, cá kình, cá chẽm, tạo ra khả năng tổ chức nuôi xen canh cùng với tôm sú để hạn chế tình trạng ô nhiểm môi trường. Nhân rộng mô hình nuôi xen ghép tôm - cá, kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả kinh tế, hạn chế được dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, hầu hết các hộ có lãi bình quân 20-40 triệu đồng/ha. Trong vòng 5 năm trở lại đây, người dân đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng cát ven biển đã đưa vào thả nuôi 6,2  ha tôm thẻ chân trắng. Mô hình này dù mới phát triển, diện tích chưa được nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá lớn, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 150 đến 180 triệu đồng/năm.

            Cùng với nuôi trồng, đánh bắt nguồn lợi thủy sản cũng được xem là thế mạnh của huyện đầm phá. Toàn huyện có hơn 3.535 ha mặt nước phá Tam Giang. Trong hệ đầm phá này, với nguồn động, thực vật được đánh giá là phong phú và lớn nhất ở khu vực Đông - Nam Á, với những loài cá, tôm và động vật sống dưới đáy...; trong những năm qua, huyện Quảng Điền đã chú trọng gắn khai thác nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế dần các loại hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, từng bước triển khai sắp xếp lại ngư trường, dỡ bỏ một bộ phận nò, sáo có ảnh hưởng môi trường sinh thái và luồn lạch giao thông đường thủy, tiến hành quy hoạch, khoanh vùng bãi đẻ để tạo ra sự phong phú và bền vững cho nguồn lợi thủy sản. Vận động bà con ngư dân đầu tư kinh phí mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ phục vụ công tác đánh bắt trung và gần bờ. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản bình quân hàng năm đạt 3.485 tấn, trong đó sản phẩm có giá trị xuất khẩu là 447,5 tấn.

Nguồn thủy sản phong phú, song đang có dấu hiệu sụt giảm và nguy cơ sẽ bị cạn kiệt. Trên phá Tam Giang nhiều năm nay đang xuất hiện nghề đặt lừ dày đặc. Với mắt lưới nhỏ, chỉ sau một đêm giăng lừ dưới đáy phá, từ cá lớn đến cá bé đều không thoát. Đặc biệt một số ngư dân đã dùng xung điện, giả cào để  khai thác thủy sản trên phá Tam Giang và trong khu vực nuôi trồng của người dân. Chúng không chỉ lén lút khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên vùng đầm phá mà còn liều lẫn dùng xung điện để vào khai thác tôm cá trong hồ nuôi của người dân. Trước tình hình trên, các xã Quảng Phước, Quảng An, Thị Trấn Sịa đã tổ chức nhiều đợt truy quét ở phá Tam Giang. Ông Lê Đức Ưa-Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết: Những năm trở lại đây, tình trạng ngư tặc dùng xung điện, giả cào để khai thác các nguồn lợi thủy sản trái phép diễn ra khá nhiều làm cạn kiện nguồn lợi thủy sản, trước tình trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương tiến hành mai phục, kiểm tra trên các dòng sông và phá Tam Giang. Từ đầu năm đến nay, UBND xã Quảng Phước đã tiến hành kiểm tra gần 10 vụ trên phá Tam Giang, nhưng những đối tượng khai thác thủy sản trái phép trên phá rất mưu mô, khi thấy lực lượng chức năng lập tức tháo chạy hoặc vức bỏ dụng cụ nên rất khó bắt và xử lý. Nhưng với quyết tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã phối hợp bà con nhân dân tăng cường kiểm tra, truy quét để hạn chế tình trạng khai thác thủy sản bừa bãi trên phá Tam Giang. Hiện nay, bình quân mỗi ngày trên phá Tam Giang của huyện Quảng Điền lượng khai thác trìa lên đến hàng tấn, chưa kể các loại thủy sản khác như tôm cá, lươn, lệt….Tại địa bàn thôn An Xuân, xã Quảng An với tổng diện tích đưa vào thả nuôi 147 ha tôm cá các loại, trong đó diện tích ngoài đê ngăn mặn là 117 ha, phần lớn những diện tích này bà con sử dụng biện pháp nuôi quảng canh. Dùng lưới vây xung quanh mặt hồ để nuôi tôm cá, lợi dụng nước thủy triều dâng cao, ngư tặc đã tiến hành rạch lưới đưa thuyền có gắng kích điện để vào khai thác, khi phát hiện có người dân hoặc cơ quan chức năng chúng liền tẩu thoát.  Về vấn đề này ông Nguyễn Hiền – Chủ tịch UBND xã Quảng An cho biết: Đặc thù của Quảng An là ở vùng đầm phá, diện tích nuôi tôm cá ở vùng hạ triều khá lớn, địa bàn đi lại khó khăc, do vậy bọn ngư tặc đã lợi dụng lúc ban đêm để thác từ ngoài phá Tam Giang, thậm chí vào cả ao hồ nuôi của người dân. Trước thực trạng như vậy, UBND xã đã tiến hành nhiều đợt truy quét, từ đầu năm 2012 đến nay UBND xã đã tiến hành 5 đợt kiểm tra,  truy quét và đã tiến hành bắt xử lý 6 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp là người ngoài địa phương, đây là những hộ dân của xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tất cả đối tượng nay chúng tôi đã tạm giữ phương tiện và tiến hành tiêu hủy dụng cụ khai thác thủy sản trái phép, xử phạt hành chính. Nhưng vấn đề khó khăn của xã hiện nay do địa bàn xã diện tích vùng đầm phá khá rộng, trong khi đó lực lượng truy bắt trên lĩnh vực khai thác thủy sản của xã còn mỏng, phương tiện đi lại trên phá yếu và cồng kềnh nên công tác truy bắt rất khó khăn.

Một thực trạng đáng quan tâm nhất hiện nay là hầu hết các đối tượng sử dụng xung điện, giả cào để khai nguồn lợi thủy sản trái phép toàn là những người ở ngoài địa bàn, chúng sử dụng mọi thủ đoạn, chống trả hoặc lẫn trốn khi có đoàn kiểm tra, hoặc phản ứng của người dân. Trong khi đó lực lượng của đoàn kiểm tra mỏng, phương tiện của ngư dân địa phương không có nên bọn ngư tặc vẫn hành động. Để công tác quản lý nguồn lợi thủy sản được triển khai đồng bộ, đồng thời bảo vệ tài sản của người dân, chính quyền các cấp cần phải có những giải pháp đồng bộ trong công tác truy quét các đối tượng khai thác thủy sản trái phép. Đồng thời ở mỗi địa phương cần phải rà soát, nắm bắt các đối tượng sử dụng xung điện khai thác nguồn lợi thủy sản để thu giữ phương tiện. Có như vậy công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới được phát huy có hiệu quả, người dân yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống .

 

                                                                                       Công Cường

           

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 20.444