Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp toàn diện trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 10/9/2004 của Huyện uỷ
Ngày cập nhật 16/04/2012

            Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 10 tháng 9 năm 2004 của Huyện ủy (Khóa X) về phương hướng phát triển khoa học và công nghệ; trong 08 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, hoạt động khoa học-công nghệ trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

           Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã tích cực triển khai thực hiện tốt việc chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, đổi mới phương thức sản xuất và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất được thử nghiệm có hiệu quả đã và đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn, như: Mô hình ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vi sinh vật xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở vùng chuyên canh rau tại HTX Kim Thành theo hướng VietGAP; mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất rau mầm tại thị trấn Sịa...
           Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi lợn thịt lai F1 ngoại có sử dụng chế phẩm vi sinh EM, kết quả thực hiện mô hình đã đem lại hiệu quả cao (lợn tăng trọng nhanh, năng suất và chất lượng cao, hạn chế được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Mô hình nuôi ngan Pháp trên vùng cát nội đồng thuộc 03 xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, kết quả triển khai thực hiện, mô hình đã thu hoạch và cho kết quả tốt. Ngoài ra, đang triển khai mô hình nuôi thử nghiệm chăn nuôi lợn rừng sinh sản tại trang trại vùng cát nội đồng xã Quảng Thái.
           Trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đã phối hợp với Khoa Thuỷ sản (Trường Đại học Nông Lâm Huế) thực hiện mô hình "Nuôi tôm sú có sử dụng chế phẩm sinh học EM và Bokashi trầu". Đây là một công trình nghiên cứu đã được Khoa Thuỷ sản (trường Đại học Nông Lâm Huế ) chuyển giao công nghệ ở các tỉnh phía Nam và đem lại hiệu quả cao. Qua thực hiện mô hình cho thấy, tôm sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi, đặc biệt là đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nước trong quá trình nuôi. Từ thành công bước đầu của mô hình, được sự quan tâm của Dự án Phát triển nông thôn huyện đã tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng mô hình trong năm 2009, với diện tích 15,25 ha tại xã Quảng An (gồm 24 hộ tham gia thực hiện dự án). Kết quả thu được rất khả quan, tạo thêm niềm tin cho người nuôi trồng thuỷ sản vùng đầm phá Tam Giang đối với việc sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi trồng thủy sản. Với những kết quả đạt được, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện đã phát hành cuốn sách “Sổ tay cho người nông dân”. Trong cuốn sổ đã tập hợp đầy đủ các quy trình trong sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản có sử dụng chế phẩm sinh học EM và các hợp chất của chúng.
           Ngoài các mô hình, dự án được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, trong những năm qua, huyện đã huy động và lồng ghép bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện các mô hình nghiên cứu, thử nghiệm, như: Mô hình sản xuất giống lúa xác nhận, giống lạc mới; mô hình trồng nấm kết hợp với sản xuất phân hữu cơ ở vùng trang trại rú cát; mô hình sử dụng nấm Tricoderma để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, xử lý gốc rạ sau thu hoạch; sử dụng phân bón tổng hợp NPK, phân bón lá, phân chuyên dùng,...Xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao ứng dụng một số kỹ thuật mới cho người chăn nuôi như: phối trộn thức ăn, nuôi vỗ béo bò, nuôi lợn thâm canh, nuôi gà an toàn sinh học; chương trình khí sinh học biogas. Thực hiện các mô hình chuyển đổi phương thức, đối tượng trong nuôi trồng thủy sản như: nuôi xen ghép tôm-cá, nuôi hỗn hợp; nuôi các đối tượng mới như: cá chẽm, cá kình, cá dìa, tôm rảo, cua,...Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ tổ chức sản xuất, khả năng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người nông dân.
           Ngoài ra, trong những năm qua, việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp ngày mỗi nhiều và đa dạng, đủ chủng loại các phương tiện có công nghệ tiên tiến, đã giảm được lao động trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt 70% và cơ giới hóa trong khâu vận chuyển đạt 60%.
           Với những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp toàn diện trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 10/9/2004 của Huyện uỷ. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới được UBND huyện xác định là: Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp toàn diện. Trong đó, tập trung vào chương trình tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi phương thức, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa trong các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển. Đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình thử nghiệm đã khẳng định có hiệu quả; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình thử nghiệm mới nhằm tìm ra hướng đi mới trong sản xuất trên địa bàn nhằm sớm xây dựng Quảng Điền thành huyện nông thôn mới.(HTN)
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 19.346