Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản đề án văn hoá cho Hoá Châu xưa.
Ngày cập nhật 19/01/2009

            Từ thành phố Huế, chúng tôi đi theo hướng Bao Vinh phố cổ về với xã Quảng Thành (Quảng Điền), nơi có làng Thành Trung nổi tiếng, là mảnh đất thủ phủ của thành Hoá Châu xưa. Một ngày hiếm hoi của mùa Đông năm nay trời không mưa. Làng quê bừng sáng và hành trình của chúng tôi như được kéo dài hơn. Chúng tôi có dịp loanh quanh trên những con đường làng cũng quanh co nhưng không còn cảnh đất bùn lầy lội như dạo nào.

            Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành tiếp chuyện chúng tôi tại UBND xã. Anh còn khá trẻ, thuộc diện cán bộ mới quy hoạch nhưng xem chừng cũng đã khá thạo việc, nhất là cái khoản làm việc với cánh nhà báo. Rút vội 2 tập đề án, một là đề án xây dựng xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới, còn cái kia là bản đề án xã văn hoá giai đoạn 2008-2010, Tuấn tỏ vẻ tự tin: “Các anh có thể tìm hiểu trong đó nhiều vấn đề quan tâm. Có chi thắc mắc chúng ta trao đổi bổ sung”. Phong cách làm việc khá mới. Có vẻ như cũng hợp với tôi.

           Chúng tôi vốn đặc biệt có cảm tình với vùng đất Quảng Thành. Làng quê này thuộc vùng ven đô. Bước chân ra khỏi thành phố, ra đến đây ta như bước vào một thế giới mới khi trước mắt là những cánh đồng lúa mênh mông, khi bắt gặp con sông quê Kinh Dao uốn lượn và những con đường làng bàng bạc như những câu chuyện kể trong tập truyện ngắn “Quê mẹ” của Thanh Tịnh. Và nữa là những huyền thoại về vùng đất này. Không biết từ nguồn tư liệu nào mà nhà văn Nguyễn Quang Hà cùng đi cứ nói chắc như đinh đóng cột với tôi, rằng thuở ấy trong hành trình “nước non ngàn dặm”, bước chân đầu tiên mà Công chúa Huyền Trân đặt đến là tại nơi đây và sau đó là ở vùng Tư Hiền ở Phú Lộc, nơi có cửa biển Tư Dung nổi tiếng đã đi vào thi ca. Lúc cao hứng trong câu chuyện với chúng tôi, nhà văn bày tỏ một sự tiếc nuối “Đáng lẽ ra phải có tại đây một tượng đài của Huyền Trân Công chúa”. Có vẻ như nhà văn Nguyễn Quang Hà đã có lý.

 

II

            Tôi đọc bản đề án xây dựng Quảng Thành thành xã văn hoá giai đoạn 2008-2010 mà Tuấn đưa cho. Một bản đề án được chuẩn bị khá công phu, dày đến 16 trang đánh máy. Tôi đọc và hình dung, nếu cứ y như rằng những chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong bản đề án này được thực hiện thì chỉ dăm bảy năm nữa thôi, vùng nông thôn Quảng Thành thực sự có bộ mặt thay đổi khác hẳn bây chừ. Quảng Thành có 9 thôn với hơn 1 vạn dân. Này nhé, hiện tại 100% hộ gia đình dùng điện, nước sạch hợp vệ sinh; trên 95% hộ có nhà lợp ngói; trên 90% hộ có máy thu hình; trên 75% hộ có xe máy; bình quân 40 hộ có một máy điện thoại. Xã có 1 bưu cục, 1 bưu điện văn hoá; 1 đài truyền thanh; 1 trung tâm học tập cộng đồng...Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 là con số 100%  làng, thôn, cơ quan đăng ký và đạt chuẩn văn hoá; 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 95%  số hộ có phương tiện nghe- nhìn; 80% gia đình có nhà tắm; 90% hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh. Xã sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa. Chẳng hạn, sẽ đầu tư xây dựng khu trung tâm văn hoá thể dục thể thao và 8 nhà văn hoá ở các thôn. Tôi cố đọc hết bản đề án và điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn là Quảng Thành cuối cùng đã đặt ra nhiệm vụ bảo tồn, khai thác các giá trị văn hoá, những tiềm năng văn hoá dân gian, mở rộng giao lưu, tiếp nhận các giá trị văn hoá để vừa giữ được nét văn hoá truyền thống địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng làng rau Thành Trung. Phối hợp với các ban ngành, đơn vị liên quan để phát huy giá trị lịch sử văn hoá chùa làng Thành Trung trong thành cổ Hoá Châu.

            Đôi khi tôi vẫn cứ sợ rằng, như một bản sao văn hoá chép sẵn, cứ vậy mà làm thì hậu quả sẽ tai hại biết bao. Bởi vì lúc đó làm sao có thể nhận diện, phân tách rạch ròi được Quảng Thành với Thành Trung, Kim Đôi, An Thành, Phú Lương...có bề dày truyền thống với những làng quê ở Quảng Điền hay Thừa Thiên Huế, hay với cả những tên làng, tên đất trên đất nước có hình chữ S này. Tôi thích những bài ký nổi tiếng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế- di tích và con người”. Qua trang sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hơn 20 năm về trước tôi có được những kiến thức đầu tiên và có được niềm tự hào rằng, Hoá Châu xưa không xa mà lại rất gần; rằng có một làng Thành Trung giỏi nghề trồng rau vì không có đất trồng lúa; rằng còn có nhiều huyền thoại gắn với vùng đất này.

            Chuyện về cuộc hôn nhân của nàng Công chúa Huyền Trân và hành trình mở nước về phương Nam hình như có điểm xuất phát bắt đầu từ đây. Sự khẳng định đó như càng được củng cố chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn khi giới nghiên cứu phát hiện ở làng Thành Trung dấu tích của thành Hoá Châu xưa, được xây dựng lần thứ nhất vào thế kỷ 14. Lừng lẫy suốt 2 thế kỷ, thành Hoá Châu đã trở thành một chứng nhân của lịch sử. Lần đầu tiên tôi bỗng thấy sống lưng lạnh toát khi hình dung, mảnh đất tôi đang đứng sáng nay, là thành Hoá Châu xưa, nơi Đặng Dung liều mình để giữ cổ thành trong cuộc kháng chiến chống Minh. Và rồi, phận số như an bài, Đặng Dung tiên sinh đã phải ngàn năm ôm hận bởi “Thù nước chưa xong đầu đã bạc. Gươm mài bóng nguyệt biết bao rầy”. Một hình ảnh buồn mà đẹp, nhiều luyến tiếc, bao vấn vương.

            Người Thành Trung, người Quảng Thành nay là cháu con của người dân thành đô hơn 700 năm trước. Làm sao để giữ được cái cốt cách, phong thái đó lại là chuyện không dễ nhưng ít ra cũng phải nhắc nhau để biết về mảnh đất đang sống, để mà tự hào, để mà gìn giữ những giá trị truyền thống không thật rõ ràng nhưng mà vô giá. Có vẻ như đã phảng phất, có vẻ như đã tiếp cận được, dù còn rất mơ hồ và chưa thực sự rõ ràng về những giá trị vô hình đó. Tôi đọc và cảm nhận từ bản đề án khát vọng xây dựng xã văn hoá Quảng Thành một tấm lòng thành.

 

III

            Hình như, mỗi vùng đất đều gắn liền với mảnh đời và số phận của những con người. Với Quảng Thành, tôi muốn nhắc đến Đào Lý, người có thâm niên công tác 25 năm gắn bó với mảnh đất này. Bây giờ Đào Lý là Chủ tịch HĐND xã Quảng Thành. Buổi sáng lang thang ở Quảng Thành cùng anh và những người bạn, tôi như chợt như phát hiện ra ở Đào Lý một pho sử liệu về địa phương. Đào Lý kể rằng, anh đang âm thầm sưu tập và ghi chép lại những phát hiện về các dấu tích lịch sử và văn hoá ở Quảng Thành. Có bận có dịp ra Hà Nội, anh đã vào một cơ quan nghiên cứu chỉ để xin cho được những tài liệu có liên quan về vùng đất Quảng Thành của anh. Tôi động viên “Hay anh viết một cái gì đó về mảnh đất quê hương?”. Đào Lý cười.

            Như một điều gì đó thôi thúc và dẫn bước, chúng tôi lại đến chùa Thành Trung, ngôi chùa làng có tên Kim Thành tự, được xếp hạng di tích văn hoá lịch sử từ năm 2007, tương truyền rằng có từ lâu lắm rồi, từ thời mở đất và nó như một chứng nhân lịch sử của cái làng Thành Trung huyền thoại này. Chùa Thành Trung đang bảo lưu 2 tượng Phật cổ. Đào Lý kể rằng, lạ lắm khi bên ngoài là một lớp gỗ bao bọc nhưng bên trong tượng Phật lại là thỏi đá. Thời chiến tranh có kẻ đã đánh cắp đục tượng ra để hy vọng có của quý nhưng đục đụng phải đá nên thôi, vứt lại. May quá! Nhờ thế mà còn lại cho đến nay. Cũng trong ngôi chùa này, tôi bắt gặp bút tích của Thiền sư Nhất Hạnh. Lời rằng: “Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ, làm người một kiếp cũng như không”. Ngôi chùa làng này nằm cách không xa ngôi nhà của ông là tuổi thơ, là trường đạo đầu tiên của Thiền sư. Dịp gần đây về thăm quê, Thiền sư đã ở lại trọn một đêm như thể để sống lại với quá khứ đẹp hàng chục năm trước. Còn nữa, thời gian lưu lại Huế, những học trò của thầy cũng đã về đây hằng đêm chỉ để làm một công việc thu lại những âm thanh có tiếng dế kêu, cùng vô vàn những âm thanh xao động của chốn làng quê trong buổi hoàng hôn vội vã, đã trở thành hoài niệm khôn nguôi trong ký ức của bậc Thiền sư danh tiếng. Tôi đi dạo quanh khuôn viên ngôi chùa, một không gian thật đẹp, thật yên bình. 

            Lòng đất Quảng Thành như một bảo tàng cổ vật, còn quá nhiều bí ẩn và lắm sự bất ngờ đến ngạc nhiên. Về đây, tôi nghe nhiều lắm những thông tin khi cày ruộng, cuốc đất trồng rau hay một bất chợt nào đó, người dân phát hiện những cổ vật của một quá khứ xưa huy hoàng. Vậy nhưng, những cổ vật ấy chợt đến rồi cũng chợt đi để rồi Quảng Thành cứ mất dần những báu vật quí trong kho báu kia. Đào Lý bộc bạch trong sự tiếc nuối, anh sưu tập được khá nhiều hiện vật nhưng quý nhất là một bình gốm và tượng Phật cổ. Riêng chiếc bình gốm có người ngả giá cả bạc triệu, anh vẫn nói không. Thế rồi, một buổi đi làm, chẳng biết nói thế nào nữa khi cổ vật đã bị người nhà bán đi với giá trăm ngàn bạc. Tiếc quá, Đào Lý mong Quảng Thành có được một nhà trưng bày cổ vật địa phương để có thể bảo tồn, gìn giữ và trưng bày những gì phát hiện được, thu hút khách du lịch, giáo dục truyền thống và truyền lại niềm tự hào cho con cháu hôm nay.      

            Đào Lý mời chúng tôi bữa cơm trưa đạm bạc với rau xanh của làng Thành Trung, với cá kho đánh bắt từ con sông Kinh Dao hay trên cánh đồng làng mùa nước ngập và nữa, là loại gà “kiến” được nuôi ngay trong những vườn quê. Mời khách như thế đúng là khôn thật, nó chỉ có ở những con người biết trân trọng, thiết tha giữ chân khách. Chúng tôi dùng bữa trong một quán ăn nhỏ nằm giữa vùng đất bốn bề là những đồng lúa mênh mông và cảm nhận lời chào mời không tý khách sáo của Đào Lý. Chuyện trong bữa ăn trưa bỗng sôi nổi hơn khi khách chủ cao hứng bàn đến làng rau xanh làng Thành Trung và ý tưởng về việc hình thành tour du lịch sinh thái xoay quanh cái trục vành đai rau xanh đó. Còn chừng hơn một tháng nữa là Xuân về. Làng Thành Trung đang vào vụ rau Tết. Xung quanh bàng bạc một màu xanh non. Kể thì cũng thật lạ. Gần 200 năm nay, người dân làng Thành Trung không biết nghề làm ruộng. Lý do thật dễ hiểu, ruộng đất của làng này đã bị vua Gia Long xem như đất quan phòng, lấy giao cho làng Thế Lại, để bù vào đất đã bị trưng dụng làm Hoàng thành Huế. Như một cơ duyên định sẵn, cũng vì không có ruộng, dân làng Thành Trung đã trở thành những người trồng rau giỏi giang không ai sánh kịp và cuộc sống vẫn ung dung trên vuông nhỏ của mỗi sân nhà. Cải- xà lách- rau thơm- ngò- tần ô...Phó Chủ tịch Tuấn bảo, nguồn rau xanh này đã mang lại thu nhập bạc triệu cho các gia đình. Anh còn như bốc lên, say sưa kể về ý tưởng hình thành ở Quảng Thành doanh nghiệp trồng rau an toàn. Còn tour du lịch vành đai rau xanh, vừa qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có một cuộc khảo sát và Quảng Thành đang tràn trề hy vọng trong nay mai sẽ thành hiện thực.

            Quảng Thành sẽ làm kinh tế gắn với khai thác những giá trị văn hoá. Ví như vành đai rau xanh, với Thành Trung- Quảng Thành, đó vừa là văn hoá, cũng vừa là kinh tế. Kinh tế của Quảng Thành là ruộng lúa, là rau xanh, là những ngành nghề thủ công truyền thống...Còn văn hoá là những dấu tích xưa gắn liền với thành Hoá Châu vẻ vang, là truyền thống và những giá trị đã tạo nên một nếp sống của người dân nơi đây, là những mục tiêu mà vùng đất này hướng đến để xây dựng một nông thôn mới hiện đại, công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá. Đề án  xây dựng Quảng Thành- Thành Trung thành xã, làng văn hoá phải bắt đầu từ ý tưởng đó mới thực sự là một đề án giá trị, có ý nghĩa thiết thực, kế thừa và tiếp dòng chảy văn hoá của vùng đất Hoá Châu xưa trong hội nhập và phát triển hôm nay./. 

                                                                                Đình Nam

               

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.316.454
Truy câp hiện tại 13.892