Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nâng cao vai trò chi bộ thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Ngày cập nhật 03/02/2012

            Huyện Quảng Điền hiện có 102 thôn, trong đó có 100 Chi bộ thôn độc lập, 01 Chi bộ ghép và còn 01 thôn trắng đảng viên. Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, nhìn chung chất lượng sinh hoạt của các Chi bộ được nâng lên đáng kể. Nội dung sinh hoạt được đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ của đảng viên, thể hiện rõ hạt nhân lãnh đạo chính trị ở nông thôn. Kết quả phân loại tổ chức cơ sở đảng trong năm 2010 có 61 Chi bộ thôn đạt trong sạch vững mạnh, năm 2011 có 69 Chi bộ thôn đạt trong sạch vững mạnh.

          Vai trò của Chi bộ thể hiện rõ nét hơn trong lãnh đạo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

         Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu bao trùm của nhiệm kỳ là phấn đấu xây dựng đạt huyện nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, ngày 15/7/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã bàn và ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đến năm 2015, huyện Quảng Điền hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Trong thời gian qua, các công việc của quá trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đến nay cơ bản hoàn thành việc lập, thông qua quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của 9 xã Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Công, Quảng Ngạn. Đây là căn cứ, là cơ sở quan trọng để tổ chức việc thực hiện trong năm 2012 và những năm tới. Mục tiêu đặt ra rất to lớn và nặng nề, thời gian ngắn và theo lộ trình đến năm 2015 huyện phải có 8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, trong khi nguồn lực của huyện rất hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của Chi bộ thôn, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn trong chỉ đạo, thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Là tổ chức gắn chặt với nhân dân ở khu dân cư, là cấp trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chi bộ thôn nắm rõ tình hình, thực trạng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong thôn, hiểu rõ hơn hết để xây dựng nông thôn mình ngày càng phát triển, có diện mạo đẹp, đời sống nhân dân được nâng cao thì lãnh đạo nhân dân trong thôn tiến hành làm các công việc gì, cái gì làm trước, cái gì làm sau để khi đến năm 2015 thôn đạt được bộ mặt mới khang trang hơn, văn minh hơn, cuộc sống của người dân khá hơn.

Vai trò lãnh đạo của Chi bộ được thể hiện:

-Động viên nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Căn cứ vào lợi thế, đặc điểm tình hình trong thôn để vận động nhân dân tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.

-Định hướng, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào làm đẹp thôn, xóm bằng các việc làm cụ thể: chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng cổng chào, cổng nhà, vệ sinh môi trường, trồng cây, chỉnh trang vườn nhà theo quy hoạch.... đảm bảo sự phát triển hài hòa, đẹp đẽ.

-Chi bộ bàn và định hướng việc huy động các nguồn lực trong nhân dân, các nguồn đầu tư từ bên ngoài để xây dựng các công trình phúc lợi như: nhà ở, chương trình vệ sinh, nhà văn hóa thôn, đường làng, đường xóm và các thể chế khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

-Vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước xây dựng làng văn hoá, góp phần giải quyết các vấn đề trong thôn như: công tác khuyến học, khuyến tài, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tiêu cực trong nông thôn.

Để nâng cao vai trò của Chi bộ trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Huyện uỷ trong xây dựng nông thôn mới là mỗi thôn chọn một số nội dung trong chương trình xây dựng nông thôn mới để ưu tiên làm trước và hàng năm chọn một số nội dung để triển khai thực hiện và tập trung làm cho bằng được. Từ nghị quyết của cấp trên, căn cứ vào quy hoạch và đề án của xã được UBND huyện phê duyệt, việc đầu tiên các Chi bộ phải làm ngay là lập kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ở thôn mình. Kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, lộ trình và các công việc cụ thể cần phải làm ở đơn vị mình phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của thôn. Trong chỉ đạo, các xã cần quan tâm đúng mức các thôn chọn làm điểm để rút kinh nghiệm.

2. Từ kế hoạch chung, Chi bộ phải chuẩn bị thật kỹ để bàn và ra các nghị quyết chuyên đề định hướng cho Ban điều hành, Mặt trận, các đoàn thể trong thôn tổ chức thực hiện. Nội dung cụ thể, thiết thực, sát thực tế bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu. Trên cơ sở nắm chắc hiện trạng, Chi bộ lưạ chọn vấn đề phù hợp, đáp ứng đòi hỏi tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng nhân dân. Đó là những vấn đề về xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của nhân dân trong thôn; hạ thấp tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; vấn đề tổ chức và đảm bảo vệ sinh môi trường của thôn: việc huy động sức dân để đầu tư làm đẹp nông thôn; hiến đất, góp công, tiền, của, mức đóng góp, cách thức huy động, cơ chế giám sát thực hiện... Từ thực tế của thôn để xác định cái gì bức xúc cần ưu tiên làm trước, đồng thời từ trí tuệ của tập thể, của nhân dân để đề ra những mô hình, những cái mới sáng tạo.

3. Về tổ chức thực hiện: Trên cơ sở nghị quyết của Chi bộ, Ban điều hành, Mặt trận, các đoàn thể trong thôn tổ chức hành động để đưa nghị quyết vào trong đời sống của nhân dân. Đây là bước quan trọng nhất, quyết định thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước hết phải tuyên truyền để nhân dân hiểu, nâng cao nhận thức, thấy được vai trò của mình trong xây dựng, phát triển thôn. Vận động nhân dân vào cuộc tích cực, hưởng ứng mạnh mẽ bằng các việc làm cụ thể theo định hướng của Chi bộ. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên đi trước, làm trước để nhân dân làm theo. Chi bộ cần phân công cụ thể từng phần công việc cho từng tổ chức đảm nhận, cá nhân phụ trách, xác định trách nhiệm, thời gian hoàn thành.

Thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, gắn với trách nhiệm giám sát của người dân.

4. Ban Chỉ đạo của xã, Ban phát triển của thôn duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ giao ban theo tháng, quý. Cán bộ phụ trách phải bám địa bàn để chỉ đạo, phải lăn xả cùng công việc, chỉ đạo kiên quyết; biết tìm và nhân rộng mô hình, cách làm hay. Đấu tranh, phê phán tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động, dựa dẫm của một bộ phận người dân. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trên tinh thần công khai, dân chủ, sự tham gia giám sát của nhân dân. Nhân dân là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới, phải có trách nhiệm tham gia góp vốn, hiến đất, hiến cây, vật kiến trúc. Quá trình thực hiện phải biết khơi dậy tinh thần yêu quê hương, tính tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nhân dân, vì lơi ích của nhân dân. Với sự quyết tâm cao, nỗ lực, phấn đấu, chung sức, chung lòng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành của Chi bộ thôn, chúng ta tin tưởng rằng đến năm 2015, Quảng Điền sẽ đạt huyện nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

                                                                                   Trương Duy Hải

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 28.834