Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Điền năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII.
Ngày cập nhật 22/01/2012

Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Điền lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 diễn ra trong bối cảnh đất nước và huyện nhà đạt được những thành tựu quan trọng sau chặng đường 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, đã làm cho tiềm lực nội sinh huyện nhà tăng lên đáng kể. Với mục tiêu phấn đấu đưa huyện nhà phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thành công xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2015, góp phần cùng với toàn tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân toàn huyện phải đoàn kết, quyết tâm cao hơn, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII ngay từ năm đầu khóa.

Nhìn lại năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, mặc dù phải gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tiền tệ, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu tăng cao, thời tiết, khí hậu và dịch bệnh diễn biến khá phức tạp. Tuy vậy, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn quân và dân trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 đạt kết quả tương đối toàn diện trên tất cả các mặt. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo hướng tích cực, giá trị sản xuất (GO) tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15,3%, tăng 0,9% so với năm 2010. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 17,3%; dịch vụ tăng 21,4%; nông, lâm, thuỷ sản tăng 1,9%. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục có chuyển biến tích cực; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng từ 23,5% lên 24%; dịch vụ tăng từ 40,4% lên 43%; nông-ngư nghiệp giảm từ 36,1% xuống còn 33%; cơ cấu lao động nông nghiệp giảm từ 48% xuống còn 46%; lao động công nghiệp-xây dựng tăng từ 18% lên 19%; lao động dịch vụ tăng từ 34% lên 35%.  

Sản xuất nông nghiệp toàn diện phát triển khá, là năm được mùa về lúa, năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay, bình quân đạt 60,7 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 47.880 tấn, tăng 6,6% so với năm 2010. Đã tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, đặc biệt đưa giống lúa xác nhận và giống lạc mới vào gieo trồng hầu hết diện tích; cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp từng bước được tăng cường, nhất là sản xuất lúa. Đến nay, ngành trồng trọt đã cơ giới hoá 100% khâu làm đất, 70% khâu thu hoạch, 60% khâu vận chuyển, gần 70% diện tích được chủ động tưới tiêu. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng gia trại, trang trại; đã khuyến khích, vận động một số trang trại áp dụng các công đoạn sản xuất theo quy trình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất, hiệu quả cao, từng bước kiểm soát được chất lượng sản phẩm và dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện có 30 trang trại và hơn 400 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó có 03 trang trại đạt giá trị sản lượng hàng hóa trên 01 tỷ đồng/năm. Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản có chuyển biến tích cực, đã đẩy mạnh chuyển đổi phương thức và đối tượng nuôi. Năm 2011, tỷ lệ diện tích nuôi tôm xen ghép, nuôi hỗn hợp nhiều đối tượng, nuôi chuyên cá chiếm 93,3%; đã hoàn thành việc giải tỏa, sắp xếp lại nò sáo trên phá Tam Giang.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng có bước phát triển khá về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất. Giá trị tổng sản lượng TTCN ước thực hiện 87,6 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và bằng 124,5% so với năm 2010. Các ngành xây dựng, mộc dân dụng - mỹ nghệ, cơ khí gia công, mây tre đan phát triển khá. Nghề thêu xuất khẩu, may công nghiệp được mở rộng ở nhiều xã; khả năng cạnh tranh của sản phẩm có bước tiến bộ, có một số mặt hàng đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh như: Đồ gỗ gia dụng, sản phẩm cơ khí, trang trí nội thất,... Tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển các làng nghề đã xây dựng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 06 làng nghề đạt tiêu chí để đề nghị công nhận làng nghề, bao gồm: Làng nghề mây tre đan Bao La, làng nghề nón lá Phú Lễ, làng nghề vành nón Hạ Lang, xã Quảng Phú; làng nghề bún bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh; làng nghề mây tre đan Thủy Lập, xã Quảng Lợi; làng nghề chế biến nước mắm và thủy sản Tân Thành, xã Quảng Công.

Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng; chất lượng dịch vụ được nâng lên đáng kể. Hoạt động thương mại, dịch vụ ở các trung tâm và các tiểu vùng trong huyện được mở rộng. Cơ sở vật chất một số ngành dịch vụ được đầu tư về trang thiết bị công nghệ, mở rộng về quy mô, nhất là dịch vụ bưu chính, viễn thông. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 480 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2010.

Đã phát huy nội lực và tích cực tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại. Năm 2011, nhiều công trình trọng điểm đã được triển khai xây dựng và một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và dân sinh. Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước thực hiện là 319 tỷ đồng, tăng 13,5%; trong đó giá trị khối lượng xây dựng cơ bản 229 tỷ đồng, và tăng 13,9% so với năm 2010.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Trong đó, đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung của chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân; hình thành các tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp; đã hoàn thành việc lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã; đồng thời chỉ đạo triển khai một số nội dung theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đã có nhiều cố gắng trong thực hiện kế hoạch thu, chi ngân sách. Tổng thu ngân sách năm 2011 ước đạt trên 133,177 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; trong đó thu nội địa 21,5 tỷ đồng, đạt 100,3% dự toán. Tổng chi ngân sách năm 2011 ước đạt trên 121,326 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được triển khai tốt. Đã quan tâm đúng mức đến công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp người nghèo, neo đơn, tàn tật có hoàn cảnh khó khăn. Công tác lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tích cực, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,86% xuống còn 13,79% và tăng mức thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng lên 18 triệu đồng/người/năm. Giáo dục-Đào tạo có bước phát triển cả về quy mô số lượng và chất lượng, tỷ lệ học sinh giỏi và thi đỗ tốt nghiệp THPT cao; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Lĩnh vực y tế tiếp tục được quan tâm đúng mức; đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình y tế cộng đồng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện đề án “Giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam”, xây dựng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình tiếp tục được chú trọng. Đến nay, đã có 87/102 làng được công nhận và công nhận lại danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 85,3%; có 87/95 cơ quan được công nhận danh hiệu cơ quan văn hóa, đạt tỷ lệ 91,6%.

Quốc phòng-an ninh tiếp tục được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đã thực hiện tốt các biện pháp nhằm chủ động đấu tranh với mọi thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Hoàn thành tốt công tác tuyển quân, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng theo kế hoạch. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tiếp tục quan tâm. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được nâng lên.

Có thể nói, sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, tuy còn một số mặt hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa cao, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chưa mạnh, cơ sở hạ tầng còn có mặt bất cập và hạn chế nhưng nhìn một cách tổng thể chúng ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết đã đề ra. Đây là điều kiện và tiền đề quan trọng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2011-2015.

            Chặng đường tiếp theo sẽ còn những khó khăn, thử thách, nhưng tin tưởng rằng với những kết quả đã đạt được trong năm 2011, sẽ tạo niềm tin, động lực mới để Đảng bộ, quân và dân toàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, nổ lực, phấn đấu, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015, xây dựng Quảng Điền trở thành huyện nông thôn mới, góp phần cùng với toàn tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

                                                                                                           

                                                                                                                       H.Q.M

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 30.091