Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sự dùng dằng của Bồ giang
Ngày cập nhật 30/01/2012

 Có nhiều ngã lối đi về với Quảng Điền nhưng tôi vẫn thích đi theo cung đường khởi hành từ Huế, phía đường Huỳnh Thúc Kháng về ngã Bao Vinh, rồi theo tỉnh lộ 4 ra Quảng Thành và tới Sịa. Con đường quanh co, uốn lượn, qua bao phố, bao làng. Phố xá ồn ào cứ lùi dần theo bước chân và để rồi như bừng ra, phơi bày trước mắt là một khung cảnh sông nước mênh mang và đồng ruộng bao la. Ranh giới giữa bên này Hương Vinh (Hương Trà) và bên kia Quảng Thành (Quảng Điền) là chiếc cầu nhỏ Thanh Hà. Tôi rất thích dừng lại trên cầu mỗi lần đi qua. Vào buổi sáng mùa đông có mưa phùn bay như hôm nay, một cảm giác lạ lại như chợt đến, bàng bạc một ký ức mơ hồ và xa xưa.

               Con sông Bồ là báu vật của đất trời. Dưới thời tiên sinh Dương Văn An, tác giả của tuyệt tác Ô châu cận lục, sông Bồ được gọi là Đan Điền, địa danh vẫn được người đời nay tưởng nhớ đến như một hoài niệm đẹp và đã lấy tên đó đặt cho một chiếc cầu hiện đại ngay ở trung tâm Quảng Điền. Sông Đan Điền bắt nguồn từ hai nhánh sông Rào Trăng và Rào Lô thuộc huyện Phong Điền và một nhánh sông A Roằng huyện A Lưới. Ba nhánh hợp lưu tại ngã ba Phong Sơn (Phong Điền) và xuôi về Hương Trà, đến Quảng Điền ngang qua thành Hoá Châu, hợp với sông Kim Trà, tức sông Hương, ở tại ngã Ba Sình huyền thoại để mang chung một tên mới Linh Giang. Nếu tôi không ngộ nhận thì chính ở nơi có chiếc cầu nhỏ Thanh Hà mà tôi như bị níu bước kia nằm ngay trên nhánh sông đi ngang qua thành Hoá Châu lịch sử. Trước khi hợp lưu thành sông lớn, sông Bồ đã gần 100 cây số chiều dài và chính ở nơi đây dòng sông đã dùng dằng thật nhiều như muốn dừng lại..

Chính cái sự dùng dằng đáng yêu của dòng sông Bồ đã tạo nên những cánh đồng lúa bạt ngàn, một địa hình bằng phẳng với diện tích lưu vực lên đến gần cả ngàn mét vuông làm mê hoặc bao thế hệ tiền nhân đi mở cõi. Bên này Quảng Thành hôm nay, xưa một thời là thành Hoá Châu lừng lẫy thời trung đại. Bên kia Hương Vinh mấy trăm năm trước là cảnh phố ven sông Thanh Hà - Bao Vinh buổi đầu cận đại. Người ta tính rằng thành Hóa Châu nổi tiếng trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược trên đất Thuận Hóa có niên đại tương đối từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV. Còn thời gian thiết lập thương cảng Thanh Hà là năm 1636, theo khảo cứu của giáo sư Tần Kinh Hòa đăng trên Tân Hoa học báo năm 1956. Khoảng cách ít nhất là 200 năm và xa nhất là 600 năm. Tư duy khác nhau căn bản về nhiều mặt, cách nhìn nhận để phát huy thế mạnh của vùng đất cũng không giống nhau, vậy nhưng cha ông ta đã cùng chọn và cùng đứng chân trên vùng đất, nơi con sông Bồ dùng dằng trước lúc hợp lưu.

Không hiểu sao, cứ mỗi lần đặt chân đến Quảng Thành, rồi về Sịa là tôi nhớ đến 2 con người khá kỳ lạ, một người là Ngô Cang và người kia là Đào Lý. Ngô Cang là một nông dân thích viết văn và làm thơ với bút danh Nguyễn Sông Bồ. Người anh khô gầy, khắc khổ và hiền hậu. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết của anh và cảm nhận ở đó một hương vị đặc sệt đồng quê, không lẫn vào đâu được. Cảm xúc gắn liền với tình yêu, cánh đồng làng, con sông ngày lụt cùng những món ăn nơi thôn dã vùng hạ lưu sông Bồ. Mấy năm nay, sau một tai nạn giao thông, không còn thấy Nguyễn Sông Bồ xuất hiện ở Huế, chợt có cảm giác man mác buồn như mất đi một cái gì đó thật khó tả. Đào Lý lại là pho kiến thức với những hiểu biết đặc biệt về lịch sử vùng đất mà anh đang là một trong những chủ nhân. Nhớ cách nay mấy năm, về Quảng Thành, gặp anh lúc đó còn là Chủ tịch HĐND xã (nay là Bí thư Đảng uỷ xã) nghe anh kể, đang âm thầm sưu tập và ghi chép lại những phát hiện về các dấu tích lịch sử và văn hoá ở Quảng Thành. Có bận có dịp ra Hà Nội, anh đã vào một cơ quan nghiên cứu chỉ để xin cho được những tài liệu có liên quan về vùng đất Quảng Thành của anh. Tôi động viên “Hay anh viết một cái gì đó về mảnh đất quê hương?”. Đào Lý cười. Và rồi anh cũng có công trình. Mới đây, tại hội thảo khoa học “Quảng Điền- lịch sử và văn hoá: những giá trị đặc trưng”, giữa bao nhà nghiên cứu khoa học, tôi có dịp nghe anh giới thiệu một báo cáo khoa học nhan đề “Các địa danh liên quan đến thành cổ Hóa Châu”, một công trình xứng đáng là sách gối đầu giường dành cho những ai quan tâm về Hóa Châu. Tôi đã nghĩ đến hồn văn của Ngô Cang và những công trình nghiên cứu về Hóa Châu của Đào Lý như là một phần máu thịt của huyền thoại sông Bồ .

Mỗi con sông đều gắn liền với một vùng đất. Với Bồ Giang, đó là Đan Điền xưa và Quảng Điền nay. Huyện mệnh danh là vùng trũng, vựa lúa lớn nhất của Thừa Thiên Huế có thị trấn Sịa và 10 xã thì hơn ¾ trong số đó là những vùng đất ven sông, lấy sông Bồ làm cảnh quan, uống nuớc sông, ăn lộc phù sa và cũng chịu lụt sông Bồ. Tôi đã nhiều lần có cuộc hành trình dọc ngang Quảng Điền bằng cách ngược xuôi dòng sông Bồ. Điều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng là với một bán kính chưa quá 5 cây số mà vùng đất ven sông Bồ này đã góp cho đất nuớc bốn địa danh được lưu lại với lịch sử dân tộc. Cùng với Hóa Châu và Thanh Hà, đây còn là nơi thủ phủ Đàng Trong một thuở với Phước Yên và Bác Vọng. Có lẽ, chỉ có con sông Hương cùng chung một nguồn cội trên đất nước này mới có thể sánh bằng.

Sau 68 năm đóng thủ phủ bên bờ sông Ái Tử, Quảng Trị (1858- 1626), chúa Nguyễn Phúc Nguyên là người đã đưa thủ phủ “Nam tiến” và không phải dòng sông Hương còn ở phía xa mà chính sông Bồ với phát hiện thời đại Phước Yên là điểm dừng chân đầu tiên để chúa Nguyễn nâng tầm vóc thủ phủ của mình từ “dinh” lên “phủ”. Việc làm của chúa Nguyễn Phúc Nguyên được hậu thế đánh giá là hoàn toàn hợp lý bởi vùng đất Phước Yên có địa bàn khá rộng và bằng phẳng, xung quanh có sông Bồ bao bọc. Thế đất được cho là “tứ thủy triều qui” này vừa đẹp về địa lý, tiện về giao thông, lại thuận lợi về phòng ngự. Phước Yên vừa nằm trên tuyến đường thiên lý bắc- nam, lại vừa trên trục giao thông đường thủy quan trọng của sông Bồ. Từ đây, có thể dễ dàng xuôi xuống thành Hóa Châu, đến phá Tam Giang và ra biển.

Nếu sự lựa chọn dành cho Phước Yên (1626- 1636) được xem như một tất yếu lịch sử thì quyết định đưa phủ chúa từ Phú Xuân trên sông Hương ngược ra Bác Vọng (1712- 1738) dọc theo con sông Bồ lại được xem một quyết định khó hiểu của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, người có công lao hàng đầu trong việc mở mang bờ cõi về phía phương Nam của Tổ quốc và dành cho Phật giáo một vị thế xứng đáng ở xứ Đàng Trong. Một lần nữa có sự dùng dằng mang tính lịch sử trong lựa chọn. Phú Xuân được đánh giá là vùng đất đắc địa cho việc định đô, xây dựng cơ nghiệp lâu dài nhưng dải đồng bằng hẹp, rất trù phú ở lưu vực sông Bồ cũng đã cho thấy một sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là khi nó được sự hỗ trợ từ phía Thanh Hà - Bao Vinh với tư cách là phố thị trong giai đoạn phát triển vượt bậc.

            Sử cũ chép lại, ngôi làng Bác Vọng - phủ chúa này có từ thế kỷ thứ 16, là một trong 53 làng xã của huyện Đan Điền. Nhưng sử cũ chắc không quá nhập nhằng khi ghi danh 2 vị tướng giỏi thời Hậu Trần trước đó hàng trăm năm là Đặng Tất, Đặng Dung là người Bác Vọng. Vậy nên, tôi đã nghĩ đến Bác Vọng như một danh xưng bao hàm cả một không gian rộng lớn, vượt ra cái ranh giới được quy định như hôm nay, kiểu như vùng văn hóa Huế. Mới đây, tôi đã có dịp ghé về Bác Vọng thăm miếu Bà Tơ, ngôi mộ cùng bến đò Quai Vạc bên sông Bồ, nơi thực dân Pháp xử chém quan Thị độc học sĩ Hàn lâm viện Đặng Hữu Phổ, một trong những người cầm đầu phong trào Cần Vương nổ ra sớm nhất nước vào năm 1885. Mãi đến năm 1712, Bác Vọng mới được chọn làm thủ phủ của xứ Đàng Trong nhưng miếu thờ Bà Tơ còn lại cho đến hôm nay và giai thoại liên quan lại gắn liền với nhân vật chúa Tiên Nguyễn Hoàng lại có cách đó cả trăm năm. Chuyện rằng, trong một trận thủy chiến trên phá Tam Giang, bị quân giặc truy sát, nhà chúa phải một phen bôn tẩu. Tình hình càng nguy nan bởi quân lính ra sức chèo chống làm đứt quai chèo. May nhờ chiếc thuyền của người đàn bà họ Trần lúc đó đang làm nghề trên mặt nước dâng lên mớ tơ để quân lính kịp thời bện lại quai chèo và nhờ đó mà thoát hiểm. Miếu thờ được lập nên và hàng năm dân làng tổ chức cúng tế gắn với lễ hội cầu Ngư và đua trãi cả trên sông Bồ lẫn phá Tam Giang. Một huyền sử khiến ta nhớ lại giai thoại Bà Trời Áo Đỏ ở Hà Khê phía trong này sông Hương gắn với sự tích ra đời của chùa Thiên Mụ. Quá vãng đã hàng mấy trăm năm nhưng hồn xưa, phố cũ của thủ phủ Bác Vọng ngày nào trên bờ sông Bồ như vẫn còn phảng phất đâu đây trong buổi chiều đầy mưa gió mà tôi có dịp ghé lại.

Xã Quảng Phú, nơi có làng Bác Vọng nay và là phủ Bác Vọng xưa, được xem là một biểu trưng văn hóa của một vùng đất dọc theo con sông Bồ. Nếu Quảng Điền với hơn 8.500 ha lúa là vựa lúa lớn nhất của Thừa Thiên Huế thì Quảng Phú là một trong những bồ lúa quan trọng nhất của vùng đất này. Tôi đã nhiều lần về Quảng Phú và đặc biệt ấn tượng về những con đường làng phủ đầy bùn đất và rợp bóng cây xanh. Nơi lưu vực sông Bồ, người dân Quảng Phú cho thấy một tiềm năng đa dạng và một nguồn lực thâm hậu. Đất đai màu mỡ, người dân Quảng Phú biết trồng màu, trồng mía bên cạnh nguồn thu chính là cây lúa. Con người Quảng Phú cần cù và chịu khó, lại khéo tay đã để lại cho đời những địa danh làng nghề nổi tiếng được truyền tụng từ hàng mấy trăm trước và được chính Dương Văn An ghi chép lại trong bộ sách sử đầu tiên viết về Thừa Thiên Huế. Đó là Bao La với nghề đan lát thúng mủng, hay Bác Vọng khéo làm đăng… Bao La là một làng quê điển hình của vùng lưu vực sông Bồ. Ở đây, từ đầu làng xóm Chùa đến cuối làng xóm Chợ, một thời tất cả người dân đều biết đan giần, sàng, mủng, nia, rổ, rá… Cũng chính ở nơi đây, vì để bảo vệ hoà khí làng quê mà như một sự phân công mỗi xóm giữ lấy một nghề gia truyền. Ví như xóm Chùa chuyên đan rá, xóm Đình đan mủng, xóm Hóp đan rổ, xóm Chợ đan giần, sàng…

Từ phía dưới Quảng Thành, tôi đã đi ngược lên Quảng Phú, vượt qua cầu Tứ Phú sang Tứ Hạ trong hành trình trở lại Huế. Cây cầu Tứ Phú bắc qua sông Bồ, nối thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà) với xã Quảng Phú (Quảng Điền) như một điểm nhấn và một lắp ghép đẹp. Sự chia cắt tạo nên bởi con sông Bồ không còn, giúp cho khoảng cách giữa các vùng đất như được xích lại gần nhau hơn. Dừng bước trên cây cầu ra đời mang tính lịch sử này, bỗng nhiên tôi có ý tưởng lạ, nghĩ đến một hành trình Bồ Giang ký sự. Sau khi vượt qua bao thác ghềnh nơi núi cao, miền đất gò đồi hay ở phía trên cao Phong Điền, Hương Trà, bắt đầu từ đây con sông Bồ trở thành phần máu thịt của vùng trũng Quảng Điền. Dòng chảy mang nặng phù sa khiến con sông dùng dằng và tạo nên những cánh đồng lúa bao la, trĩa hạt ở Quảng Phú, Quảng Thọ hay những cánh đồng rau xanh mượt mà phía dưới Quảng Thành. Cũng chính ở nơi đây hình thành nên những địa danh đã trở thành một phần của lịch sử trong hành trình mở cõi. Rõ ràng, trước khi chảy vào địa phận Quảng Điền, sông Bồ đã có cuộc viễn du qua nhiều vùng đất khác nhau nhưng rồi tất cả những gì chắt lọc của Bồ Giang như đều dồn tụ lại nơi đây để trở thành một con sông văn hóa và lịch sử, biểu tượng của sự sinh sôi và phát triển. 

                                                                                          Đình Nam

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 30.681