Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đến với làng nghề đan đát Bao La.
Ngày cập nhật 26/12/2008
sản phẩm làng nghề

Khi lúa trên đồng đã gặt xong, những cây rơm trong sân nhà đã dựng tròn trịa thì bà con làng Bao La- xã Quảng Phú- huyện Quảng Điền lại bắt tay vào nghề đan tre nứa truyền thống của mình- một nghề mà sự nổi tiếng đã gắn liền với tên gọi của làng: làng đan lát Bao La.

Không ai biết nghề đan lát xuất hiện ở làng Bao La tự khi nào, chỉ biết rằng nói đến nghề đan thúng mủng thì Bao La là làng nổi tiếng từ xưa đến nay của cả vùng đất Huế. Hàng đan bằng tre, nứa của Bao La vừa đẹp vừa bền. Ngày xưa thúng mủng Bao La nổi tiếng cũng ngang hàng chiếu Bình Định:

“ Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột.

 Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi.

Tạm tiền mua lấy vài đôi.

Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào”.

Bao La - một làng quê hiền hòa chuyên nghề làm nông của Quảng Điền - đã đi vào văn học dân gian bằng những câu ca dao mộc mạc như thế. Tre nứa là loại cây gắn bó với bao làng quê Việt Nam. Tre mọc quanh nhà, tre mọc khắp bờ bãi ruộng vườn và cung cấp cho con người bao vật dụng. Loại tre mà người dân làng Bao La dùng để đan thúng mủng, các loại vật dụng hàng ngày dùng trong sinh hoạt và trong sản xuất nông nghiệp là loại một loại tre đặc biệt: thân thẳng, gióng dài mà bà con ở đây thường gọi là tre lồ ô. Từ những cây tre lồ ô này, qua bàn tay của bao đời người nối tiếp nhau ở làng quê này để tạo nên danh tiếng của một loại hàng hóa rất gần gũi và cần thiết đối với cuộc sống của con người: thúng, mủng, rổ rá, giần sàng, nong nia, tràng trẹt…

Nói về nghề đan của làng, nhiều cụ cao tuổi cho biết, ngày xưa cả làng Bao La đều làm nghề đan. Hễ cứ xong mùa vụ, khi gieo cấy hoặc gặt hái xong là nhà nhà bày tre ra để đan. Làng Bao La có 6 xóm , mỗi xóm chuyên về một mặt hàng: Xóm Chợ thì chuyên đan giần, sàng; Xóm Đông chuyên đan thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên đan rá; Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên đan rổ rá các loại; Xóm Cầu chuyên đan nia, thúng, mủng. Mỗi xóm một loại mặt hàng nên cả làng đều làm và cả làng đều vui...

Trong lịch sử thành lập làng, Bao La có hai làng gọi là Bao La ngoài và Bao La trong. Ngoài nghề làm ruộng thì đan thúng mủng vừa là nghề phụ và cũng là nghề truyền thống của người dân trong làng, đây cũng là một nguồn thu nhập của bà con. Ở làng này từ người già đến trẻ con, phụ nữ đều biết đan. Những công việc nặng nhọc như chặt tre, cưa tre, lận vành thì đàn ông đảm nhận, còn phụ nữ, trẻ con vốn mềm mại, khéo tay thì đan lát, nứt vành. Cách đây nửa thế kỷ trở về trước, khi các mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện thì những mặt hàng đan bằng mây, tre là vật dụng chủ yếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình. Bao La là nơi cung cấp chủ yếu sản phẩm gia dụng bằng tre của dân Thừa Thiên Huế. Từ chiếc rá vo gạo, các loại rổ rửa rau, đựng cá đến các loại giần sàng của nghề xay xát, nong nia để phơi phong nông sản, thủy sản cũng như chiếc nôi trẻ con, chiếc giường, cái chõng… tất cả đều được làm bằng tre. Nghề đan tre ở Bao La có một thời phát triển mạnh để đảm bảo nhu cầu của người dân. Hàng đan lát Bao La đóng vào chợ Đông Ba, tỏa đi khắp các chợ quê như chợ cầu ngói Thanh Toàn, chợ Phò Trạch…Vào những dịp như trước mùa thu hoạch lúa, trước Tết nguyên đán, người người đến làng đóng hàng tấp nập, cũng có khi người dân làng Bao La chở hàng trên xe đi bán khắp nơi.

Nhưng từ khi có mặt hàng nhựa xuất hiện thì sản phẩm bằng tre đan của Bao La ở vào sự cạnh tranh mới. Đặc biệt từ sau năm 1985, mặt hàng nhựa gia dụng xuất hiện ngày càng nhiều, màu sắc, mẫu mã đa dạng, phong phú thì hàng đan bằng tre càng khó tiêu thụ. Làng nghề vẫn còn hoạt động nhưng không còn không khí rộn ràng, nhà nhà đan tre như xưa.

Năm 2007, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La được thành lập. Cả làng có gần 300 hộ dân thì có đến 126 hộ vào hợp tác xã.  Ngoài những mặt hàng truyền thống như thúng mủng, giần, sàng, rổ rá dùng trong sinh hoạt và trong nghề nông thì hợp tác xa đã mở rộng thêm hàng mây tre đan mỹ nghệ, dùng phục vụ cho du lịch. Truyền thống nghề đan của làng và lòng yêu nghề, gắn bó với nghề đã gắn kết những con tim và khối óc của cả làng nhằm tìm ra một hướng đi mới cho sản phẩm đan lát Bao La.

Sau khi hợp tác xã được thành lập, một chuyên gia của tổ chức thương mại EU, quá mê những tinh xảo của làng nghề đan lát Bao La đã giúp làng tạo ra 6 mẫu mới, từ 6 mẫu hàng đó, hợp tác xã đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mới, đến nay đã có gần 50 mẫu. Sản phẩm làm ra tham dự các Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh đều đạt giải. Đặc biệt tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tổ chức tại Hà Nội, trong số 16 đơn vị mây tre đan cả nước dự thi thì Bao La là một trong 4 đơn vị được chọn hàng đi triển lãm ở châu Âu. Niềm vui và hạnh phúc của người dân Bao La càng tăng thêm vì tay nghề của họ thuộc vào hàng nhất, nhì trong cả nước. Nhưng có một nghịch lý rằng hàng làm ra dự thi có giải nhưng trong tiêu thụ vẫn còn khó, đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo hợp tác xã Mây tre đan Bao La xã Quảng Phú.

  Với nỗ lực khôi phục làng nghề, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát các sản phẩm mới, thích hợp với nhu cầu thị hiếu xã hội như lẵng đơm hoa, lẵng trang trí, các loại giá treo đèn trang trí…Dân nghề đan lát Bao La đang nỗ lực tiếp cận kỹ thuật mới, để làm cho làng nghề tiếp tục phát triển. Tuy nhiên tiếp xúc với bà con làng nghề đan lát Bao La, ai cũng mong làm sao cho sản phẩm của làng được vươn xa hơn, thu nhập của người thợ được nâng cao hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân của một người thợ chuyên nghề đan ở Bao La từ 600.000 đến 800.000 đồng/ tháng. Tỷ mỉ, cặm cụi làm cả tháng được thu nhập như thế so với mặt bằng giá cả chung thì quá thấp. Ước mong được làm nghề và sống được với nghề của bà con xem ra nếu chỉ dựa vào sức của bà con thì không thể nào giải quyết nổi mà cần phải có một sự trợ giúp từ các cơ quan ban ngành chức năng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp đỡ về mặt quảng bá và thiết kế mẫu mã mới cho bà con.

Làng nghề truyền thống, đó là một nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam, là tinh hoa của bao thế hệ kết tinh mà thành. Làng đan lát Bao La danh tiếng ngày xưa nay đang ở trong thế chuyển đổi để đi lên. Vẫn là những bàn tay ấy, con người ấy, nay nghề đan của làng đang có thêm nhiều mặt hàng mới. Hy vọng những tâm huyết của dân làng với nghề sẽ được đền đáp xứng đáng khi mà những mặt hàng tre nứa, những mặt hàng làm từ nguyên liệu thiên nhiên đang trở về với nhu cầu của người tiêu dùng. Thế kỷ 21, thế kỷ củ a những tiến bộ khoa học kỹ thuật và cũng là thế kỷ của hội nhập và bản sắc. Đan lát Bao La là một nét bản sắc riêng của Quảng Điền, của Huế, của Việt Nam. Giữ gìn làng nghề cũng chính là giữ gìn những nét riêng độc đáo của Việt Nam trong hội nhập thế giới./.

                                                                    N.K.D.H

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.318.681
Truy câp hiện tại 15.167