Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Gạo đỏ - Mô hình cần nhân rộng.
Ngày cập nhật 12/07/2011

             Quảng Điền là huyện thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn. Trong những năm trở lại đây, với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sử dụng giống lúa xác nhận vào gieo cấy ngày càng nhiều nên năng suất ngày càng tăng đáng kể. Cũng chính vì vậy mà một số giống lúa địa phương dân dần bị loại bỏ. Để tiếp tục duy trì các giống lúa địa phương, Trạm Khuyến nông, lâm, ngư huyện đã tiến hành thử nghiệm giống lúa gạo đỏ an toàn tại địa bàn xã Quảng Lợi. Qua quá trình đưa vào thử nghiệm, mô hình gạo đỏ an toàn có những đặc tính ưu việt nên rất cần được nhân rộng.

             Có lẽ gạo đỏ, mà cụ thể là những giống lúa địa phương như: lúa chiên, lúa bác, lúa nước mặn không là lẫm gì đối với người trồng lúa của huyện Quảng Điền. Trước đây, khi quá trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa được mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, các giống lúa địa phương này được bà con nông dân sử dụng khá phổ biến, là cây trồng chủ lực vào những năm 1985 trở về trước. Nhưng đây là những giống lúa năng suất thấp. Sau này, cùng với việc phát triển của khoa học kỹ thuật, các giống lúa như 13/2, 4b, khang dân, Xi 21, T92 v.v... được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều, với năng suất tăng gấp 2 đến 3 lần so với giống lúa địa phương, nên các giống lúa địa phương ngày càng ít được bà con nhân dân đưa vào gieo trồng. Từ khi các loại giống lúa mới đưa vào sử dụng năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác ngày càng tăng lên rõ rệt, từ đó thu thập của người dân cũng được nâng cao, đời sống của bà con nông dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hộ giàu khá giả ngày càng tăng. Tuy vậy, một thực tế cho thấy, những loại giống lúa mới này khả năng chống chịu sâu bệnh kém nên bà con nông dân phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu nhiều, dẫn đến mất an toàn trong vệ sinh thực phẩm. Trong xu thế thị trường đang hướng tới những loại thực phẩm an toàn, chất lượng thì vấn đề sản xuất ra lương thực an toàn là điều rất cần thiết. Do vậy, vụ sản xuất Đông xuân năm 2010 -2011, được sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí của dự án Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, Trạm khuyến nông, lâm, ngư huyện đã tiến hành khảo sát và đưa vào trồng thí điểm mô hình sản xuất gạo đỏ tại địa bàn xã Quảng Lợi với diện tích 01 ha, giống lúa sản xuất chủ yếu là giống lúa nước mặn. Đây là một giống lúa địa phương có từ lâu đời trên vùng trồng lúa Quảng Thái, Quảng Lợi. Đặc tính của giống lúa này là thân cao, thân cứng, rất thích hợp với những diện tích ruộng thấp trũng, bùn nhiều, ít bị đổ gãy mỗi khi thời tiết giông tố. Một đặc tính ưu việt nữa của giống lúa gạo đỏ này là khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh rất tốt. Qua quá trình đưa vào thử nghiệm, trong suốt quá trình sinh trưởng chỉ có sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại rãi rác ở thời kỳ mạ, các giai đoạn khác mặc dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như các giống lúa khác, nhưng giống lúa gạo đỏ này vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Các loại bệnh đạo ôn, khô vằn không thấy xuất hiện. Trong khi đó trên các giống lúa Xi 23, khang dân, 4b bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại rất nặng, bà con nông dân phải tốn rất nhiều chi phí để phòng trừ.

            Mô hình giống lúa gạo đỏ được đưa vào thử nghiệm với diện tích 01 ha ở HTX sản xuất nông nghiệp Tin Lợi, xã Quảng Lợi, với 7 hộ tham gia mô hình. Theo anh Nguyễn Văn Quang - Phó trưởng Trạm khuyến nông, lâm, ngư huyện cho biết: Đây là loại giống lúa có khả năng sinh trưởng tốt và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chi phí đầu tư thấp, do vậy mặc dù năng suất của giống lúa này không cao hơn các giống lúa khác, bình quân mỗi sào lúa 500 m2 thu hoạch 68,3 kg. Nhưng bù lại chi phí đầu tư thấp, mỗi sào chỉ chi phí từ giống, phân bón là 81.400 đồng/sào. Nhưng gạo của giống lúa này khá đặc biệt, rất thích hợp với việc nấu cháo cho người bệnh, hơn thế nữa giống gạo đỏ này được sản xuất một cách an tòan, trong quá trình sản xuất không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, do vậy giá thành bán ra khá cao; từ đó thu nhập của người dân cũng cao hơn. Theo tính toán, tuy năng suất thấp hơn so với giống lúa Xi 21 nhưng giá thành bán cao hơn, chi phí đầu tư thấp, nên lợi nhuận cao hơn so với giống lúa Xi 21 là 53.600 đồng/sào.
            Ngoài những ưu thế về hiệu quả kinh tế, giống gạo đỏ an toàn còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Do trong quá trình từ thời gian sinh trưởng đến thời kỳ thu hoạch không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên gạo đỏ không hề nhiễm các chất độc hại. Ngoài ra, trong gạo đỏ có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất quan trọng, phù hợp với việc nấu cháo dinh dưỡng, nhất là cháo cho những người bệnh, người già nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế chứng minh cho thấy, trong đợt lễ hội “Sóng nước Tam Giang” được tổ chức vào tháng 5 năm 2010, ngoài những thế mạnh về các mặt hàng thủy sản, gạo đỏ là mặt hàng được tiêu thu mạnh nhất, chỉ 2 ngày hội, gian hàng bán gạo đỏ của xã Quảng Lợi lúc nào cũng đông đúc người mua. Qua 2 ngày hội đã bán được hơn 600 kg gạo đỏ, sau đó nhiều người đến hỏi mua những đã hụt hàng. Từ thực tế cho thấy, hiện nay người tiêu dùng rất ưu chuộng giống gạo đỏ này. Cũng theo anh Nguyễn Văn Quang cho biết, trong thời gian tới, Trạm khuyến nông, lâm, ngư huyện sẽ tiếp tục khuyến khích, vận động bà con nhân dân mở rộng diện tích sản xuất gạo đỏ. Về thị trường tiêu thụ, Trạm sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các siêu thị, trung tâm, các chợ trong và ngoài tỉnh, bệnh viện để tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
           
                                                                                                                            Công Cường
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.308.289
Truy câp hiện tại 8.501