Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Mô hình sản xuất rau mầm - giải pháp mới cho nông nghiệp nông thôn
Ngày cập nhật 02/03/2011

 Hiện nay, rau mầm đang được người tiêu dùng quan tâm và được trồng khá nhiều trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Đây là loại rau sạch, bổ dưỡng và an toàn cho người tiêu dùng. Gia đình Chị Phan Thị Bê ở thôn An Gia, Thị trấn Sịa, là một trong những hộ tiên phong chọn rau mầm để xây dựng thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp.

  Rau là loại thực phẩm tươi không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Chính vì vậy, dù thị trường có lúc lên, xuống nhưng nghề trồng rau vẫn mang lại đời sống kinh tế ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là yêu cầu vệ sinh thực phẩm, nên nghề trồng rau hiện nay cũng đòi hỏi phải cải tiến phương thức sản xuất theo hướng rau sạch. Đó là một xu thế tất yếu trong cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi có dịp được các anh lãnh đạo Thị trấn Sịa dẫn đi thăm mô hình sản xuất rau mầm của cơ sở Nguyên Dương, tại thôn An Gia, do chị Phan Thị Bê là chủ cơ sở, theo như lời Chị Bê tâm sự; trong thời gian qua, được sự quan tâm của huyện, cũng như của UBND Thị trấn, của Trạm khuyến Nông, Khuyến Lâm huyện; hỗ trợ về kinh phí, để đầu tư cơ sở, hạt giống và được tập huấn chuyển giao kỹ thuật cũng như bản thân tôi tự tìm hiểu, nghiên cứu qua sách báo và các tài liệu về mô hình trồng rau sạch, tôi thấy mô hình trồng rau mầm rất phù hợp với diện tích đất ít, không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, cách trồng và chăm sóc lại khá đơn giản. Ban đầu tôi trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng sau khi thấy đơn giản dễ trồng lại vừa với sức lao động của mình và thị trường cũng khan hiếm rau sạch, tôi nảy ra ý định trồng để kinh doanh. Từ đó chị đã xây dựng một không gian chừng 20 m2, làm kệ với những thanh gỗ nhỏ nối lại với nhau thành giá đỡ, có chiều dài trung bình 1,2m, ngang 0,4m, thiết kế từ 4 tầng, mỗi tầng cách nhau chừng 0,25m. Các kệ này được sắp xếp liền kề rất gọn gàng, chiếm ít diện tích. Trên mỗi tầng bày nhiều khay xốp dài 0,6m. Quy trình trồng và cách chăm sóc rau mầm khá đơn giản. Đầu tiên, chọn và xử lý hạt giống, thường là hạt cải bẹ xanh, rau dền, rau muống... theo phương pháp dân gian; ngâm trong nước 3 sôi, 2 lạnh và gieo hạt trên đất sinh học, chế tạo từ bụi xơ dừa và mùn cưa; không chứa bất kỳ một loại nông dược, phân bón, thuốc trừ sâu nào. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị thu hoạch khoảng 7 - 10 kg rau mầm, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ ở các siêu thị như siêu thị Thuận Thành 01, Thuận Thành 02, Siêu thị Coop Mark  và một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Huế. Nói về những dự định trong thời gian tới, Chị Bê cho biết: Lợi ích dinh dưỡng của rau mầm chưa được tuyên truyền rộng rãi, trong khi đó, nhu cầu thị trường lại rất hứa hẹn, sản phẩm làm ra của gia đình lại chủ yếu tiêu thụ tại Huế, còn chính tại địa phương thì người tiêu dùng chưa sử dụng nhiều vì thông tin về lợi ích từ rau Mầm mang lại chưa mạnh.

              Trao đổi với chúng tôi Anh Lê Văn Lật, Phó chủ tịch UBND TT  Sịa cho biết thêm: Sản xuất loại rau này không cần vốn và diện tích nhiều. Vừa qua, UBND Thị Trấn Sịa đã được huyện hỗ trợ dự án phát triển sản xuất rau mầm hơn 60 triệu đồng và chúng tôi đã chọn mô hình của chị Phan Thị Bê, ở thôn An Gia, TT Sịa để triển khai thực hiện mô hình, bước đầu dự án đã đầu tư giống và các thiết bị cần thiết để sản xuất cũng như tổ chức tập huấn cho người tham gia dự án và trên 20 nông dân trên địa bàn để chuyển giao KHKT trồng rau mầm và làm thủ tục để các ngành chức năng công nhận thương hiệu rau mầm sạch của cơ sở Nguyên Dương của chị Bê. Đây là mô hình trồng rau mầm thành công đầu tiên, duy nhất ở trên địa bàn huyện. Rau mầm là một loại rau sạch, lại dễ trồng, tận dụng những khoảng không hẹp như ban công, sân thượng, vừa giải quyết được lao động nông nhàn, vừa thư giãn, vừa tạo không gian đẹp trong nhà, lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sử dụng. Tuy nhiên những thông tin về rau mầm vẫn còn hạn chế đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn thị trấn Sịa nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn huyện, do đó các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương cần có những giải pháp để phát triển sản xuất rau mầm, đồng thời giúp người dân được tiếp cận và sử dụng nhiều hơn sản phẩm rau mầm nói riêng cũng như sản phẩm rau an toàn nói chung. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình sản xuất rau mầm sẽ được triển khai rộng rãi tại các hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện./.
 
                                                                                  Việt Bình
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.326.404
Truy câp hiện tại 20.183