Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Làng nghề và hướng phát triển bền vững ở Quảng Điền.
Ngày cập nhật 16/04/2013

              Trong định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, ngoài việc tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại lao động, những năm gần đây, Quảng Điền luôn chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm việc làm mới cho người lao động ở nông thôn. Khôi phục và phát triển các làng nghề là điểm nhấn quan trọng trong phân công lao động, cơ cấu lại sản xuất ở khu vực nông thôn

                Đào tạo nghề được xem là khâu quan trọng trong khôi phục và phát triển làng nghề. Ở Quảng Điền, các nghề truyền thống như đan lát, thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm bún, cơ khí, gò hàn,... được các ngành, các địa phương hết sức quan tâm. Trong những năm qua, phòng Công thương huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mở nhiều lớp đào tạo nghề, thu hút hàng trăm lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất trong huyện. Chúng tôi  đã có dịp đi công tác cùng với các cán bộ đang công tác tại phòng Công thương huyện về các địa phương như: Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ, thị trấn Sịa, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Công và Quảng Ngạn,... chúng tôi dễ dàng nhận ra một không khí mới ở nông thôn là ngoài sản xuất cây lúa, nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi thì phong trào làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đang là hướng đi mới, góp phần phân công lại lao động trong nông nghiệp ở nông thôn.

 

 

            Quảng Điền là một trong số những địa phương phát triển tiểu thủ công nghiệp chậm so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành cấp tỉnh, đặc biệt là Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã đầu tư kinh phí mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề, tổ chức cho đi tham quan các mô hình tiểu thủ công nghiệp làm ăn có hiệu quả ở các tỉnh bạn; qua đó, đã có nhiều chủ cơ sở sản xuất và hộ cá thể mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất, điển hình như: Xí nghiệp gỗ Hoài Ân, HTX Mây tre đan Bao la, DNTN cơ khí Lợi Sịa, DNTN làng nghề Việt, cơ sở mộc mỹ nghề Hạ Lang, Công ty cổ phần Phương Hiệp Thành, cơ sở thêu ren thị trấn Sịa, cơ sở sản xuất bún Mai Tịnh,...
            Đồng thời, để hỗ trợ nhân lực cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện đã hỗ trợ đào tạo được trên 1.000 lao động, chủ yếu là các ngành nghề: mây tre đan, thêu ren, may công nghiệp, chế biến nước mắm,... Ngoài ra, kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ cho hàng trăm cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ được tổ chức trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều cơ sở làng nghề từ đó mà tìm kiếm được hợp đồng sản xuất, tìm được mẫu mã hàng hóa mới để phát triển sản xuất.
            Tuy vậy, khó khăn chung hiện nay là các làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trên địa bàn huyện chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, sản phẩm còn nghèo nàn, chưa bắt nhịp với nhu cầu thị trường; các khu, cụm công nghiệp mới được quy hoạch và đang trong giai đoạn khởi động đầu tư; bên cạnh đó, việc định hướng tìm đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán khó cho các cơ sở sản xuất và các làng nghề.
            Có thể nói, khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống không chỉ phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện nhà mà còn góp phần làm đa dạng loại hình lao động ở nông thôn. Nhiều người cho rằng, sản phẩm thủ công truyền thống ở nông thôn Quảng Điền sẽ là một lợi thế trong hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nếu các làng nghề có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch. Tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề không chỉ là tìm các hợp đồng mua bán mà làm cho các làng nghề trở nên sinh động trên nhiều bình diện, trong đó thu hút khách hàng đến với làng nghề dưới nhiều hình thức cũng là một mục tiêu đề ra của Đề án phát triển nghề và làng nghề giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.
            Để đẩy mạnh phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, các ngành, các địa phương cần tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; mỗi địa phương cần phát huy lợi thế, thế mạnh về các nguồn lực tại mỗi vùng; xây dựng các sản phẩm tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng nhanh và bền vững; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và góp phần xây dựng nông thôn mới. (Việt Bình)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.229.245
Truy câp hiện tại 6.551