Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Ngày cập nhật 06/07/2012

           Thực hiện Nghị quyết chương trình hành động số 11-NQ/HU của Huyện ủy (khóa X) về “Phương hướng phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đến năm 2010” và định hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015; Trong quá trình triển khai thực hiện, được sự quan tâm của các ngành, các cấp và toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục huyện nhà có những bước phát triển tích cực, đáp ứng với yêu cầu giáo dục của từng giai đoạn.

               Mạng lưới trường, lớp ngày càng phát triển và từng bước hoàn chỉnh cả qui mô, lẫn số lượng ở các cấp học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt là ngành học mầm non đã có những chuyển biến đáng kể về số lượng và chất lượng. Cụ thể: Giáo dục mầm non: Hiện có 17 trường, so với năm 2002 tăng 03 trường. Huy động nhà trẻ đạt 19,25%; Mẫu giáo đạt 80,96%; Trẻ 5 tuổi huy động đạt 91,83% so với độ tuổi. So với chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra: nhà trẻ tăng 4,25%; mẫu giáo giảm 4,04%; trẻ 5 tuổi giảm 7,17%. Giáo dục phổ thông: Hiện có 23 trường tiểu học, 11 trường THCS, 03 trường THPT, so với năm 2002 tăng 01 trường THCS, 02 trường THPT. Huy động và duy trì khối tiểu học đạt 99,97%; THCS đạt 91,21%; THPT đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. So với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra Tiểu học tăng 0,97%; THCS giảm 4,79%.

          Chất lượng giáo dục ngày được tăng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trinh tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp THCS đạt 98,6%; tốt nghiệp THPT đạt 99,11%. So với năm học 2002-2003, tỷ lệ học sinh hoàn hành chương trình tiểu học tăng 1,3%; THCS tăng 10,94%; THPT tăng 6,94%. Ở ngành học mầm non: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhà trẻ 5,59%, mẫu giáo 14,06 %.
Công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thư viện chuẩn, trường học 2 buổi/ngày, xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm xanh-sạch- đẹp; tổ chức dạy học tăng buổi, dạy môn học tự chọn Tin học, Anh văn đối với tiểu học và dạy môn tự chọn đối với THCS... đã được quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn ngành có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 23,52%. Trong đó: mầm non: 01 trường, đạt 5,88%, tiểu học: 09 trường, đạt 39,13%, THCS: 02 trường, đạt 18,18%; có 16 trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, đạt 69,57%, so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra tiểu học giảm 30,43%; trường THCS đến nay chưa có đơn vị nào tổ chức học 2 buổi/ngày. 100% trường mầm non, tiểu học và THCS được nối mạng internet phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh; 100% trường tiểu học được học môn Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5, trong đó có 05 trường tiểu học thực hiện chương trình thí điểm dạy Anh văn khối 1 và tăng tiết ở khối 3. Công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cũng đã được các đơn vị quan tâm, huy động trên 84,65% trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường ở các cấp học, tăng 14% so với chỉ tiêu đề ra.
          Công tác giáo dục đạo đức, truyền thống, giáo dục pháp luật, giáo dục quốc phòng...đã được ngành giáo dục và các đơn vị quan tâm thực hiện một cách thường xuyên, bằng nhiều hình thức, như: thông qua việc tổ chức các hoạt động nội, ngoại khoá, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, thi đố vui để học, tổ chức ngày hội thắp sáng ước mơ tuổi thơ, tổ chức hội thi “Tuổi trẻ học đường với công tác phòng chống HIV/AIDS”, an toàn giao thông, giáo dục môi trường...nhân các ngày lễ lớn trong năm. Thông qua các hoạt động đã giúp cho học sinh có được sân chơi bổ ích và tạo điều kiện cho các em gần gũi, thân thiện hơn nhằm từng bước tự điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống của các em để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
          Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm chú trọng. Đến nay, đội ngũ giáo viên khối mầm non có 99,28% đạt chuẩn, 69,28% trên chuẩn; khối tiểu học có 100% đạt chuẩn, có 85,57% trên chuẩn; Trung học cơ sở có 100% đạt chuẩn, 63,04% trên chuẩn; THPT có 100% đạt chuẩn, 2,79% trên chuẩn. Công tác phát triển Đảng trong trường học cũng đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các đơn vị quan tâm bồi dưỡng và giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng, nhằm làm nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đến nay, 100% đơn vị đều có đảng viên; tổng số đảng viên toàn ngành hiện có 536 đồng chí, chiếm tỷ lệ 31,89%, tăng 20,55% so với năm 2002.
          Ngoài ra, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm...đã đầu tư trên 161.830.302 đồng (ngân sách nhà nước 125.375.318 đồng, sự đóng góp tài trợ của các tổ chức, cá nhân 36.459.984 đồng) để xây dựng cơ sở vật chất như: phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học ở các cấp học. Đến nay, toàn ngành đã có 45/54 trường học, phòng học được tầng hóa, còn lại của 09 trường mầm non, cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố. Nhìn chung, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của toàn ngành từng bước được kiên cố hoá, hiện đại hoá cơ bản đáp ứng cho hoạt động dạy học của các đơn vị. Bên cạnh đó, hàng năm, bằng nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn quỹ phụ huynh các đơn vị đã đầu tư mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học, sách tham khảo, mua sắm các thiết bị dạy học hiện đại như: bảng thông minh, lắp đặt phòng âm nhạc, máy tính xách tay, máy chiếu Projecter, phần mềm quản lý và dinh dưỡng mầm non, đồ chơi ngoài trời, máy vi tính để dạy Tin học cho học sinh. Đến nay, toàn huyện có 100% trường học và trung tâm có phòng máy vi tính để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy...
          Có thể nói trong 10 năm thực hiện Nghị quyết chương trình hành động số 11-NQ/HU của Huyện ủy, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Quy mô phát triển của các cấp học ngày càng phát triển; công tác huy động và duy trì số lượng ở các cấp học từng bước được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn huyện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước được nâng lên thông qua việc tự học, tự rèn, các đợt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng thường xuyên...; việc ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị dạy học hiện đại đã được quan tâm thực hiện một cách có chất lượng và hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động của các đơn vị đã có những bước cải tiến và đã mang lại những chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục của các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các cấp học trên địa bàn huyện. Cơ sở vật chất như phòng học, nhà vệ sinh, sân đường nội bộ, trang thiết bị dạy học, phòng máy vi tính của các cấp học đã từng bước được đầu tư cơ bản, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, phục vụ cho việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục...
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn nhất định: Do điều kiện kinh tế huyện nhà còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nghèo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo; công tác xã hội hoá giáo dục còn hạn chế, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay...
Phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; đồng thời tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp, tin tưởng rằng trong 5 năm tới công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện sẽ đạt được những thành tích cao hơn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ đã đề ra (HTN).
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 13.354