Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Miên man từ làng rau Quảng Thành…
Ngày cập nhật 30/01/2012

Rau xanh gắn bó với người dân nơi đây từ cả thế kỷ qua, cho nhiều hộ gia đình cái ăn, cái mặc, giúp con cái họ được học hành tử tế. Vậy cho nên, cây rau được dân Quảng Thành nâng niu, chăm bẵm kỹ lưỡng. Và Quảng Thành bây giờ đã trở thành một vựa rau không thể thiếu của Huế và các vùng phụ cận…

         *   Chuyện cây rau

Với tôi, Quảng Thành chẳng có bà con “dây mơ rễ má” gì. Vậy mà lạ, cứ mỗi lần đến đây người lại thấy nao nao như về với quê nhà. Mà cũng phải thôi, đây là miền quê mà những ngày mới tập tễnh bước chân vào làng báo tôi đã về “săn tin”. Hồi ấy, với chàng sinh viên ở phố mới ra trường là tôi, những giống này giống nọ, những sản lượng năng suất, những mùa những vụ…là cái gì đó cực kỳ lạ lẫm. Cũng may, anh em làm việc ở xã đều là người dễ chịu, dễ thương cả. Họ cung cấp số liệu, diễn giải tận tình bất cứ thứ gì nhà báo hỏi. Vậy là từ dự kiến ban đầu “kiếm” một vài cái tin, tôi có luôn một cái phóng sự ngon ơ. Lại còn đoạt giải báo chí cấp tỉnh nữa mới…khủng. Và thế là thành thân quen. Lâu lâu không gặp là nhớ, anh em lại rủ nhau về…quấy rầy xã chơi, mặc cho đường sá gồ ghề, mặc cho cây cầu Thanh Hà lưa thưa vài “que” gỗ vẫn là nỗi ám ảnh cho người đi đường, và cả mặc cho về với Quảng Thành là chấp nhận có khi phải rửa rau để ăn bằng thứ nước rất bẩn từ con hói chạy vắt qua xã …

        Thoắt cái mà đã hai chục năm. Bây giờ, Quảng Thành mỗi năm mỗi khác. Đường từ Huế về hay từ Sịa qua đều trải nhựa êm ro. Cầu Thanh Hà đã là một cây cầu đẹp, rộng và vững chãi. Năm nay, cây cầu Bao Vinh cũng vừa được làm xong như vạch thêm một nét son trên con đường Tỉnh lộ 4 xuôi về Quảng Thành. Điện, nước vô tới nhà đã nhiều năm không thua chi thành phố. Nhà cửa tạm bợ đã trở thành “của hiếm”, những hộ dân thủy diện sống ven đầm phá đã được tái định cư ở nơi cao ráo, an toàn…Duy có một điều không thấy thay đổi đó là “tấc lòng” son sắt, chung thủy của người dân nơi đây với… rau xanh. Rau từ ngoài ruộng đến trong vườn nhà, cả những góc vườn rất nhỏ cũng không để bỏ phí; thậm chí có nhà còn tận dụng cả khoảnh sân trước mặt để trồng rau. Rau xanh gắn bó với người dân nơi đây từ cả thế kỷ qua, cho nhiều hộ gia đình cái ăn, cái mặc, giúp con cái họ được học hành tử tế. Vậy cho nên, cây rau được dân Quảng Thành nâng niu, chăm bẵm kỹ lưỡng. Và Quảng Thành bây giờ đã trở thành một vựa rau không thể thiếu của Huế và các vùng phụ cận.

Theo thống kê, hiện diện tích rau xanh của toàn xã Quảng Thành khoảng hơn 60 ha; trong đó tập trung nhiều nhất tại làng Thành Trung (chiếm khoảng 40% diện tích), tiếp đó là các xã Tây Thành, Thanh Hà, Phú Lương (3 làng này chiếm cũng khoảng 40% diện tích), số còn lại được trồng ở các làng Phú Ngạn, Thủy Điền, An Thành, Kim Đôi.... Các loại rau chủ lực được trồng là xà lách, cải, rau thơm, ngò, hành, diếp cá…Màu non  xanh của các loại rau gần như phủ quanh năm đồng đất của Quảng Thành. Phó Chủ tịch UBND xã, anh Nguyễn Văn Khoa cho hay, mỗi diện tích rau xanh như vậy “quay” mỗi năm đến 10 vụ, sản lượng rau cả xã chừng 3.000 tấn/năm. Tính ra mỗi ha cho doanh thu 180 triệu đồng, cá biệt- chừng khoảng chục ha- cho thu tới 400-500 triệu đồng/năm.

-Đó là doanh thu, còn thực tế bà con thu nhập được bao nhiêu?-Tôi thắc mắc. Hầu như không cần suy nghĩ, Khoa bảo ngay:

-Bảy mươi lăm phần trăm trong đó là thu nhập. Trồng rau không đầu tư nhiều, chủ yếu là công sức chăm bón của bà con.

Nghề trồng rau đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khỏang 300 lao động chính của xã đồng thời cũng khoảng chừng ấy lao động có việc làm, có thu nhập từ dịch vụ phân phối. Rau nhà vườn trồng ra, được mang tới các điểm tập kết ở đầu xóm hoặc ở  chợ xã, từ đó, sẽ được số bà con làm dịch vụ thu mua chuyển lên chợ đầu mối Bãi Dâu và nhiều chợ khác trong tỉnh tiêu thụ. Nhiều người còn vào thu mua tận nhà, tận ruộng của người sản xuất. Cũng không phải là công việc nhàn nhã, nhưng mà có thu nhập. Chưa thống kê chính xác, nhưng anh Khoa nhẩm tính, người buôn rau trong xã chí ít cũng “chạy công” vài ba trăm ngàn mỗi ngày. Ở nông thôn, vậy là khoản thu nhập khá.

Những năm gần đây, một số hộ ở Quảng Thành được Sở KHCN, Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền chọn triển khai thí điểm dự án trồng rau sạch. UBND xã cũng ưu tiên giao đất 5% của xã cho các hộ dân tham gia. Khoảng 1,8 ha được triển khai sản xuất theo mô hình này. Thương hiệu rau sạch Hóa Châu của Quảng Thành đã có mặt trong các siêu thị lớn của tỉnh như Big C, Thuận Thành, Duy Tân; gần đây là một quầy phân phối trực tiếp được mở tại khu vực chợ Tây Lộc. Điêù quan trọng là bà con đã nắm vững và rất thành thạo với quy trình, kỹ thuật làm rau sạch. Chủ trương của xã cũng ủng hộ tối đa hướng sản xuất có lợi cho môi trường và sức khỏe con người này. Tuy nhiên, lạ một cái là người tiêu dùng hình như vẫn chưa có thói quen sử dụng rau sạch, vẫn thích ăn những loại rau thấy màu lá mướt xanh, mỡ màng, bắt mắt chứ không chọn ăn nhưng loại rau… “lá thủng”.

-Lá thủng là lá có bị sâu ăn, mà sâu ăn được thì…ngươì ăn được. Đó mới thật là rau an toàn, rau sạch-Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khoa cười giải thích- Chứ còn không, thăm vườn, thấy rau có hiện tượng bị sâu ăn, người ta “chơi” ngay một bình thuốc là coi như… gọn. Mà sức khoẻ người tiêu dùng dần dần có lẽ cũng…gọn luôn.

Chính thói quen tiêu dùng đã làm cho rau sạch không được hút hàng, trong lúc đó, giá rau sạch không chênh lệch so với rau “bẩn”, điều này đã tác động không nhỏ đến tâm lý, nhiệt huyết của người trồng rau sạch. Nhưng dù gì thì gì, công nghệ sản xuất rau sạch, những hộ tham gia trồng rau sạch vẫn được lãnh đạo xã động viên, khuyến khích. Vấn đề còn lại là người tiêu dùng có đủ “tỉnh”, đủ thông minh để lựa chọn loại rau an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình mình?

Nếu người tiêu dùng ủng hộ, rau sạch sẽ có chỗ đứng, mô hình trồng rau sạch cũng theo đó mà được nhân rộng, và vì “công nghệ không phức tạp, bà con ai cũng nắm được”-như anh Khoa khẳng định- nên chắc hẳn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Môi trường tốt hơn, ăn uống an toàn hơn, sức khỏe của cộng đồng cũng theo đó mà được bảo vệ. Ích lợi như thế, can cớ gì mà không cổ súy, không ủng hộ!

*   Và nghĩ từ chuyện…cây rau

Trồng rau cho dân Quảng Thành có thu nhập. Nhưng vì là vùng “rốn trũng” của Thừa Thiên Huế nên những tháng lụt ngày mưa người trồng rau nơi đây cũng thấp thỏm không ít. Có nhiều khi “trời cho chộ mà chẳng cho ăn”. Như đợt lụt cuối năm rồi, hàng chục ha rau của Quảng Thành đã hư hỏng hoặc trôi theo dòng nước, thiệt hại đến nửa tỷ. Cũng vì thực tế ấy mà mô hình “Trồng rau thích ứng với biến đổi khí hậu” thuộc Dự án FLC 09-04 do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tài trợ đã được thí điểm tại 2 hộ gia đình ở Quảng Thành và bước đầu chứng tỏ tính hiệu quả. Rau được trồng trên giàn cao, có mái che nên tránh được thiệt hại do thời tiết, lại vừa chủ động được cây giống cho dù nước lụt tràn về. Có lẽ rồi đây, cách làm này sẽ được ứng dụng rộng rãi, giúp người trồng rau xua đi nỗi buồn thất bát trong những tháng giá ngày mưa…

Giáp tết, trong tiết mưa phùn lất phất, vẫn thấy trên đồng đất Quảng Thành rộn ràng bóng dáng những người nông dân cần mẫn. Tất cả đang dồn hết tâm lực vào những luống rau. Xà lách, cải, tần ô, mồng tơi, rau dền, các loại rau thơm… chen vai thích cánh và đang mơn mởn xanh một màu xanh hy vọng. Đây là vụ rau quan trọng, là cái tết của rất nhiều gia đình nên không ai muốn lơ đễnh để tự làm vuột mất cơ hội…

Trong miên man của cái se lạnh giao mùa, chợt nhớ đến tour làm nông dân ở làng rau Trà Quế (Hội An) đang được nhiều người nhắc đến, tuor làm nông dân trong một ngôi làng cổ được tái hiện tại Australia mà NNC Nguyễn Đắc Xuân vừa đến thăm và trở về…. Cũng là rau, cũng là đồng đất cả đấy thôi. Nhưng không chỉ bán rau mà người ta còn “lượm” tiền đô (mà là đô chẵn hẳn hòi) từ khách du lịch. Quảng Thành với lịch sử nghề trồng rau cả trăm năm; với thành cổ Hóa Châu - khu thành hình chữ thập hướng mặt ra sông Hương, nơi đã từng chứng kiến những trận chiến của quân dân Đại Việt để giữ yên bờ cõi. Nơi từng lưu dấu chân danh tướng Trương Hán Siêu- tác giả của “Bạch Đằng Giang Phú”; Nơi hai cha con anh hùng Đặng Tất, Đặng Dung từng quyết tử và lưu lại hậu thế những vần thơ khí khái: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch; Và còn nhiều nhiều những thứ khác nữa mà vẫn mãi chỉ “chuyên canh rau” thì tiếc quá.

Tôi và một số người bạn đã từng được trải nghiệm thú đi thuyền từ trung tâm Quảng Thành ra ngắm trăng rồi thưởng thức đặc sản trên phá Tam Giang. Thú vị và ghiền đến mức thỉnh thoảng Lê Phương –một đồng nghiệp đang làm tại đài TRT- lại gạ gẫm rủ rê, hoặc…. “tiếp thị”: “Về Quảng Thành đi. Chiều chiều, chạy xe tí là tới. Ra thẳng đầm phá- đường bây giờ ngon ơ rồi- lên nhà chồ mần dĩa tôm, dĩa cá, vài “que” (chai bia) nữa là tuyệt cú mèo. Giá cực rẻ. Đồ cực tươi. Cuối tuần, cứ cho vợ con về đó là đã nhất, khỏi phải đi mô xa.”

Tour bạn tôi tiếp thị là “tua”… tóm tắt. Còn tôi thì lại có giấc mơ thế này: Xuống thuyền tại Huế, thẳng phố lỡ Bao Vinh rồi xuôi về Quảng Thành. Lên làm nông dân trồng rau chơi. Xong, “thu hoạch” luôn, ôm thẳng ra phá Tam Giang, lên nhà chồ, vừa ngắm sóng vừa nhâm nhi tôm cá trong lúc chờ chế biến cái lẩu. Rau "sạch" tươi rói, nhúng lẩu hải sản và chiêu “An Thành mỹ tửu”-một loại rượu cuốc lủi nổi tiếng từ xưa của Quảng Thành- thì còn chi bằng…Khách có nhã ý nữa thì mời thăm thú, tìm hiểu về thành cổ Hóa Châu, về chùa Thành Trung-Di tích LSVH…Tour ấy có thể làm gọn trong một ngày, chi phí có lẽ cũng chẳng đắt đỏ gì lắm. Vấn đề là có người tổ chức. Hợp đồng một chiếc thuyền cho đàng hoàng, vài khu vườn tươm tươm, đầu tư cái nhà chồ cho trang nhã, tiện dụng, thêm một vài người hướng dẫn "biết việc", rành Hoá Châu, mê đầm phá. Làm ăn cho dễ thương, đường hoàng vào. Nghĩa là đừng chụp giật, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều được chia lợi sòng phẳng; du khách được phục vụ chu đáo, lịch sự và an toàn. Tour ấy, mới nghe chắc đã nhiều người muốn thử…

Không biết có lãng mạn không, nhưng xuân đến tết về, ai cấm mình… mơ, nhỉ?-Tôi tẩn mẩn tự hỏi, và rồi lại tiếp tục…mơ về tuor Quảng Thành mở rộng, đến nhiều nơi khác nữa trên đất Quảng Điền giàu truyền thống văn hoá lịch sử và cũng rất đỗi hào hùng. Cách đây chưa lâu, trong một chiều mưa gió não nề. Ghé qua bến đò Quai Vạc ở  làng Bác Vọng (Quảng Phú), thăm nơi mà cách đây gần 130 năm Thị độc học sỹ Đặng Hữu Phổ đã xả thân đền nợ nước. Tại đó, một ngôi miếu có tên là "Thị độc miếu" được dân làng dựng lên và cung kính hương khói, cúng giỗ ông suốt hơn trăm năm qua không năm nào xao nhãng; thăm nấm mộ đơn sơ của ông nằm cạnh mộ người mẹ-Công chúa Tĩnh Hoà- tại vùng đất Cồn Căng bên Bồ Giang dậy sóng…Bỗng nghe lòng ngập tràn niềm cảm khái, bâng khuâng vọng nhớ khí phách trung liệt của người anh hùng thuở Cần vương mà chẳng muốn xa rời. Mà đất Quảng Điền không chỉ có vậy. Rất nhiều, rất rất nhiều những địa chỉ của miền quê ven sông Bồ đang gọi mời bạn và tôi ghé thăm, khám phá…

                                      Diên Thống

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.284.871
Truy câp hiện tại 30.020