Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vốn cổ, giá trị mới
Ngày cập nhật 19/02/2010
Toàn cảnh Hội Vật làng Thủ Lễ

Tôi có người bạn thân học với  nhau từ thời phổ thông là Phó giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp, đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Phó giáo sư Hiệp, người ở làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Cách nay trên 30 năm, thỉnh thoảng vào dịp hè hay Tết, tôi vẫn thường về nhà Hiệp chơi.Tôi biết đến Bao La, biết đến Quảng Điền bắt đầu từ những chuyến đi đó. Quảng Điền trong tôi là một vùng quê bạt ngàn đồng lúa, những luỹ tre xanh quanh co ôm lấy những xóm thôn và cũng là một nơi đầy cách trở. Nhớ dạo ấy mỗi lần về nhà Hiệp, cả bọn sợ nhất là lỡ chuyến đò ngang nên ăn miếng cơm cũng rất vội vàng. Và có lẽ cũng bởi một quá vãng nhiều kỷ niệm và cũng có lắm điều âu lo đó mà cách nay vài năm, từ Hà Nội vào, Hiệp lại rủ tôi về thăm quê. Đi ngang qua con sông Bồ đã có chiếc cầu bê tông to đùng bắc ngang, Hiệp bảo tôi dừng lại để ngắm nhìn công trình của ước mơ đã trở thành hiện thực.

Tôi vẫn thường lên về Quảng Điền, quê Hiệp. Thích nhất vẫn là hành trình bằng xe máy. Buổi sáng từ Huế đi thẳng ra một quán nhỏ gần chợ An Lỗ điểm tâm món bánh ướt thịt heo. Món ăn này, tôi đã thưởng thức ở nhiều nơi, ngay ở Nong và Truồi, nhưng chưa ở đâu để lại trong tôi một cảm giác ngon đặc biệt đến thế, hấp dẫn từ đĩa rau xanh, đến chén nước chấm, rồi đến miếng thịt heo đậm đà, dày dặn và tất nhiên là cả thứ bánh ướt được chế biến từ hạt gạo của những làng quê ven con sông Bồ. Đi xe máy cũng là dịp để có thể ngắm những cánh đồng quê bạt ngàn trên con đường về Sịa, vùng đất nổi tiếng một thời bởi một lời ca còn truyền tụng trong dân gian “Nhất Huế, nhì Sịa”. Tôi thích làng quê Bao La của Hiệp, thích cái thị trấn Sịa nhỏ nhắn và duyên dáng cũng như đặc biệt có ấn tượng về vùng đất Quảng Điền, một không gian mang đậm đặc những dấu tích lịch sử và những đặc thù văn hoá.

            Hiếm có vùng đất nào như ở Quảng Điền, nơi còn lưu giữ rất nhiều dấu tích của một thời quá vãng. Ví như ở xã Quảng Phú của Hiệp mà tôi từng biết. Không chỉ bảo lưu nghề truyền thống thúng mủng Bao La nổi tiếng, Quảng Phú còn là địa phương có làng Bác Vọng, nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu đã chọn đóng phủ trong 26 năm, từ năm 1712 đến 1738; nơi có di tích lăng mộ và miếu thờ Đặng Hữu Phổ, một người con yêu nước của Quảng Điền trong những ngày đầu chống Pháp của dân tộc; nơi có đình làng Bao La và đình, chùa Hạ Lang với chuông đồng nổi tiếng thời Tây Sơn. Món bánh ướt thịt heo mà tôi rất thích cũng có xuất xứ từ làng Phú Lễ (Quảng Phú). Cùng với Quảng Phú, Quảng Điền tự hào khi trong lịch sử 2 lần được chúa Nguyễn chọn làm nơi xây dựng thủ phủ. Trước Bác Vọng gần 100 năm là phủ Phước Yên (1626-1636). Chưa tính hàng trăm năm trước đó, Quảng Điền với Hoá Châu là trung tâm quân sự, hành chính, kinh tế của xứ Thuận Hoá, vùng đất phên giậu của Đại Việt xưa. Cũng hiếm có một vùng đất nào như Quảng Điền với không gian lễ hội đặc sắc. Mồng 1 đến mồng 7 tháng Giêng là hội đu tiên Phước Yên. Mồng 6 Tết là hội vật làng Thủ Lễ. Còn tháng mười, tháng mười một âm lịch là thời điểm tưng bừng các lễ hội đua ghe. Thu hoạch xong vụ lúa hè thu là bước sang mùa mưa lụt. Lễ hội đua ghe được xem như một lễ hội xuống đồng. Lễ hội sông nước này đã được chính Dương Văn An tiên sinh trong “Ô châu cận lục”, cuốn địa chí đầu tiên viết về dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam, ra đời cách nay 500 năm hoan hỉ đề cập đến.

Có nhiều lý do nhưng rõ ràng, là huyện thứ 17 trong cả nước được chọn để xây dựng huyện điểm văn hoá, Quảng Điền được chú ý bởi thế mạnh của vùng đất có bề dày truyền thống với những dấu tích lịch sử còn được lưu truyền lại và cũng bởi sự phong phú và đa dạng của đời sống sinh hoạt văn hoá. Tôi đọc bản kế hoạch thực hiện đề án huyện điểm văn hoá Quảng Điền giai đoạn 2009- 2010 và có một cảm nhận vui khi được biết việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích cách mạng, lịch sử văn hoá gắn với định hướng phát triển du lịch được huyện xác định là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của địa phương. Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở cũng được chú ý gắn liền với việc khôi phục, chỉ đạo phục hồi các lễ hội truyền thống, như đua ghe, vật võ, lễ tế Thành hoàng hay việc động viên các nghệ nhân truyền đạt lại các loại hình văn hoá dân gian, như hò bài thai, bài chòi, giã gạo, hò ô, hò bã trạo, múa bông…

            Quảng Điền có 3 di tích được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp Quốc gia, lần lượt là khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đình làng Thủ Lễ, khu lăng mộ và miếu thờ Đặng Hữu Phổ; 3 di tích được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là đình làng Thuỷ Lập, chùa Thành Trung, di tích Hội nghị Nam Dương (1947). Ngoài ra là nhiều di tích, dấu tích quý giá mang dấu ấn của văn hoá Chăm pa, một thời mở nước, văn hoá thời phong kiến và những năm tháng của 2 cuộc kháng chiến vừa trải qua. Những di tích lịch sử này đã được ứng xử đúng mực. Ngoài việc trùng tu, tôn tạo các di tích được công nhận, Quảng Điền đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng đối với di tích phủ Phước Yên- miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật (Quảng Thọ), phủ Bác Vọng-chùa Thiện Khánh (Quảng Phú), di tích hội nghị Tỉnh uỷ tại Vĩnh Tu; đặc biệt đang lập và triển khai đề án xây dựng khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu (thôn Tân Xuân Lai, Quảng Thọ). Huyện cũng đang đề nghị UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh điểm du lịch văn hoá lịch sử thành Hoá Châu gắn với làng nghề Thành Trung và khu du lịch sinh thái trên phá Tam Giang. Dấu ấn của một vùng đất nông nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng với ý tưởng về việc hình thành một bảo tàng văn hoá lúa nước của Quảng Điền gắn với hình thành một hệ thống thiết chế văn hoá đáp ứng yêu cầu phát triển của một huyện điểm văn hoá. Và để thực hiện, thời gian qua, UBND huyện tổ chức thành công nhiều đợt và đã sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị bảo lưu nét đẹp truyền thống của một vùng đất có nền văn hoá lúa nước lâu đời.

              Về Quảng Điền những ngày cuối năm, một cảm giác vui khi chuẩn bị cho thời điểm xuống đồng một vụ lúa mới, rộn ràng ở khắp vùng đất này là các lễ hội đua ghe. Hội đua ghe của thôn, của liên thôn, của xã và lớn nhất, tưng bừng nhất là ngày hội sông nước toàn huyện trên dòng sông Sịa. Với vùng lúa Quảng Điền, đây là ngày vui chơi cũng là ngày hội xuống đồng, cầu mong cho mưa thuận gió hoà. Hàng trăm năm trước, đó là khát vọng của cư dân vùng lúa, giá trị đó hôm nay vẫn không thay đổi. Tôi lại đi qua Quảng Thành, Quảng Phước…thời điểm này còn mênh mông sóng nước, vẫn như cảm nhận một nét văn hóa tương đồng với cuộc sống của hàng trăm năm trước. Chợt thấy vui hơn khi ngày xuân đang cận kề và thèm sao cái không khí rộn ràng của sới vật Thủ Lễ đầu năm. “Văn hoá vật” là của người Việt cổ, của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vượt đèo Hải Vân đi về phía nam chỉ còn là “văn hoá võ”. Nhớ rằng, có nhà nghiên cứu đã khẳng định như thế. Tưởng chừng như mai một và chỉ còn là ký ức, hơn 4 năm qua vật làng Thủ Lễ như sống lại, tưng bừng và rộn rã hơn. Nó đã trở thành một thương hiệu du lịch, điểm đến trong ngày xuân, bởi không gian lễ hội được rộng mở, nét xưa được bảo tồn cộng hưởng với sự mạnh dạn đổi mới trong cách nhìn, trong phương thức tổ chức.

            Huyện điểm văn hoá được hình thành và xây dựng. Những tiêu chí cũng rõ ràng, mang tính hiện đại và khoa học, nhưng tôi vẫn sợ nếu không biết bắt đầu từ những cái vốn có, rồi đây sẽ xuất hiện những mẫu hình chung cứng nhắc, thiếu hẳn đi cái bản sắc vốn có của một vùng đất. Quảng Điền là vùng đất nghèo. Vẫn còn thiếu sự mạnh dạn cần thiết trong việc đầu tư cho xây dựng những thiết chế văn hoá hiện đại nhưng Quảng Điền đã rất thành công trong việc khơi dậy, làm sống lại bản sắc vốn có của một vùng đất. Hơn thế, vốn cổ đã được bổ sung bởi những giá trị mới làm cho đời sống tinh thần ngày càng thêm phong phú. Nhớ hôm mới đây vừa gặp, anh Cao Xuân Phụ, Chủ tịch UBND huyện đã có lời mời tháng 5 sang năm về Quảng Điền dự lễ hội “Sóng nước Tam Giang”. Tôi đã được nghe giới thiệu về lễ hội này và đã chờ đợi với một tâm trạng háo hức. Một lễ hội hoành tráng khơi nguồn từ không gian phá Tam Giang huyền thoại, gắn các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao với hình thành các tour du lịch cộng đồng, sinh thái trên ở vùng sông nước, được tổ chức trong dịp Festival Huế 2010 sẽ góp phần tạo nên một diện mạo mới, một sinh hoạt văn hoá mới cho vùng đất Quảng Điền.

            Tôi gọi điện thoại cho Hiệp đang công tác ở Hàn Quốc và kể cho bạn nghe về lễ hội “Sóng nước Tam Giang”. Hiệp thực sự phấn khích. Anh bạn cũ của tôi bảo, sẽ cố gắng đem cả gia đình từ Hà Nội vào để cho 2 cậu nhóc tận mãi Hà Thành cảm nhận được trọn vẹn lễ hội vui lần đầu tiên này trên quê hương. Hiệp cũng kể với tôi nghe thật nhiều về những kỷ niệm và cả những cảm xúc khó tả về quê hương. Tôi nghe chuyện và như có cùng chung một tâm trạng với bạn. Tôi cũng là gã ra đi từ chốn đồng quê. Tâm trạng của bạn cũng là khát vọng của chính tôi. Quảng Điền của Hiệp đang phấn đấu và không xa nữa sẽ là một huyện văn hoá. Huyện điểm văn hoá phải biết tạo nên những điểm nhấn mạnh, biết làm giàu vốn cổ, biết khơi dậy tiềm năng và giàu bản sắc. Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” là sự đột phá đáng trân trọng của Quảng Điền.

                                                                 ĐÌNH NAM

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.346.060
Truy câp hiện tại 8.817