Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Trong khói hương ngày Tết.
Ngày cập nhật 23/01/2009

Đôi khi tôi thử hình dung cuộc sống sẽ ra sao nếu không có những ngày lễ Tết. Lúc đó cuộc đời chỉ là một chuỗi thời gian đều đặn, không có sự bắt đầu, kết thúc  và tái sinh.

Bây giờ, nghĩ về tuổi thơ, tôi vẫn nhớ những ngày mồng năm tháng năm nhìn lên mặt trời nhỏ chanh vào mắt với hy vọng mắt sẽ sáng hơn. Những đêm ba mươi nằm đợi giao thừa, những sáng mồng một đi đứng thật từ tốn, nói năng thật đàng hoàng, mong sao năm mới sẽ tử tế hơn, bởi vì như bà ngoại tôi nói: "Đứa nào đầu năm bị mắng thì sẽ bị mắng cả năm". Mồng hai Tết, ngoại tôi cúng Tết Nhà: cúng xong bọn trẻ con chúng tôi thi nhau dán những mẩu giấy vàng bạc lấp lánh lên tủ, bàn, cửa sổ, cửa lớn và nhất là lên cây cối trong vườn. Ngoại tôi bảo như thế là mình cho tất cả những gì trong nhà được ăn Tết: cây cho mình hoa trái, nên phải chia sẻ niềm vui với chúng. Khi ông ngoại mất, những gốc cây này đều được buộc dải tang trắng. Người lớn bảo không làm thế thì cây sẽ khô rụi đi. Còn trẻ nhỏ chúng tôi khi đó chỉ cảm thấy rằng trong gia đình không chỉ có ông bà, cha mẹ, anh em mà còn có tất cả cây cỏ, hoa lá và những vật dụng gần gũi quanh mình. Hình như muôn vật đều có linh hồn, và nhìn vào thế giới quanh mình có lúc chúng ta thấy sợ hãi, lại có lúc thấy lòng đầy thương yêu.

Tôi nhớ có lần bà ngoại làm cơm vắt cúng hăm ba tháng năm. "Sao cúng mà lại có cơm vắt?" Bà tôi hạ giọng "Để cho người ta chạy giặc đường xa". Bỗng nhiên tôi thấy sờ sợ... Đã hơn một trăm năm từ ngày thất thủ kinh đô, dường như những người chết vẫn còn đó, từ các cửa thành chạy túa ra các nẻo đường, trên những bàn cúng người ta vẫn dành cho họ những món lương khô cho một chuyến đi xa bất hạnh. Còn ngày giỗ và ngày tất niên, ngoài mâm cúng tổ tiên trong nhà, luôn có mâm cúng riêng ngoài sân: cuối năm cúng cha mẹ ông bà, lại nhớ đến những linh hồn lang thang cơ nhỡ không người cúng cấp. Ngày ấy lúc nào nhìn mâm cháo trên bàn cúng tôi cũng thấy lành lạnh trong người: người ta sợ cái đói, cả đến ở thế giới bên kia cũng phải lo đùm bọc chia sẻ miếng cơm bát cháo cho nhau. Cúng xong, trẻ con được giao phần tung bánh tráng và hột nổ trên sân: hột nổ là những hạt bột lọc nhuộm xanh đỏ, rang phồng lên. Bà tôi bảo: "Đó là kẹo của người xưa". Những hột nổ rơi lấm tấm trên sân, và trẻ nhỏ chúng tôi thực lòng sung sướng, tưởng như đang phân phát biết bao niềm vui quanh mình.

h
h     h

Bà ngoại tôi bây giờ đã mất. Sau lưng nhà, người ta đang cắm mốc để chuẩn bị làm đường xe cao tốc. Nhưng ở đây, trong căn nhà cũ, mẹ tôi vẫn cúng lễ hằng năm và đến Tết lại dán những mẩu giấy vàng bạc lên cây lá trong vườn. Rồi đến lượt tôi, tôi cũng sẽ làm như thế, và những hột nổ lấm tấm cũng sẽ rơi muôn màu trong ký ức tuổi thơ của các con tôi.

Từ khi lớn lên, tôi không còn tin có thần linh hay ma quỷ, nhưng cũng không thích nghĩ rằng thế giới này chỉ gồm toàn những điều trông thấy được. Những niềm tin thơ ngây đã cùng bà tôi yên nghỉ, nhưng trong tục lệ bà gìn giữ vẫn còn mãi bài học tình người.

Bao nhiêu năm qua, mỗi lần Tết đến, hình như bà lại trở về cùng tôi trong vẻ bí ẩn và thân tình của vạn vật.

 Và ngay khi chỉ có một mình, dường như tôi cũng không lẻ loi giữa cuộc đời này.

                                                                               Trần Thùy Mai

                                                                                                              

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.308.029
Truy câp hiện tại 8.280