Trên địa bàn huyện Quảng Điền, 11/11 xã, thị trấn đều có các nghề và làng nghề truyền thống, với các nhóm sản phẩm như: nhóm sản phẩm nghề và các sản phẩm đồ gỗ, mỹ nghệ; nhóm sản phẩm nghề và làng nghề đan lát; nhóm sản phẩm chế biến lương thực, thực phẩm; nhóm nghề sản xuất nón lá và vành lá; nhóm nghề tạo thế cây kiểng và sinh vật cảnh; nhóm sản phẩm nghề sản xuất vật liệu xây dựng; nhóm nghề truyền thống sản xuất rượu thủ công; may đo gia công và các loại hình dịch vụ...Tuy nhiên, cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống của huyện Quảng Điền hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất, cơ sở sản xuất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu là lao động thủ công, cụ thể chiếm 92,68%, năng suất lao động thấp, tính tự sản tự tiêu...Công nghệ sản xuất của các làng nghề truyền thống chưa đáp ứng với yêu cầu, máy móc, kỹ thuật còn manh mún, nhỏ le, chất lượng không đồng đều, hiệu quả đất tư thấp. Do đó không chỉ chú trọng đổi mới máy móc, thiết bị mà quan trọng là đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách sáng tạo và tiếp cận của những người thợ thủ công. Đồng thời một số ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện ngày càng mai một cần gìn giữ và phát huy.
Khôi phục và phát triển nghề và làng nghề truyền thống là một trong những nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Điền lần thứ XII đã đề ra nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Quảng Điền và giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp trên, huyện Quảng Điền đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ các làng nghề truyền thống khôi phục và phát triển thông qua nguồn vốn khuyến công. Bình quân mỗi làng nghề được hỗ trợ từ 30 đến 70 triệu đồng/ năm. Đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 50 cơ sở sản xuất và kinh doanh và một số làng nghề truyền thống đang hoạt động như: chế biến lâm sản, mây tre đan; cơ khí gò, hàn; chế biến nông sản... Phần lớn các cơ sở đều làm ăn có hiệu quả, từng bước tạo ra những sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường và dần dần khẳng định được thương hiệu sản phẩm như: làng bún, bánh Ô Sa, mây tre đan Bao La, nước mắm Tam Giang, cơ khí Lợi - Sịa...Các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh này đã tạo ra những việc làm mới, ổn định mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện, giải quyết tình trạng lao động nhàn rỗi và thất nghiệp trong nông thôn. Việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề truyền thống không chỉ góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, phục vụ sản xuất, tiêu dùng mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, huyện Quảng Điền đang đẩy mạnh phát triển nghề và các làng nghề, phấn đấu đến năm 2015, mỗi xã trên địa bàn huyện có một làng nghề đạt tiêu chí làng nghề theo quy định của tỉnh.
Trong đề án quy hoạch phát triển nghề và làng nghề giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của huyện Quảng Điền xác định những nhóm nghề và ngành nghề cần ưu tiên đầu tư như: nhóm sản xuất đồ gỗ; nhóm nghề và làng nghề đan lát; nhóm nghề dệt thêu; nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm; Nghề sản xuất nón lá; cây kiểng và sinh vật cảnh...Theo đó phát triển nghề và làng nghề của Quảng Điền sẽ chú trọng với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; gắn với việc đầu tư, cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng của các làng nghề ở địa phương; Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của các cơ sở nghề và làng nghề; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm vừa tinh xả vừa hiện đại mang tính thương mại cao...Mục tiêu cụ thể của việc khôi phục phát triển nghề và các làng nghề nhằm tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động làm nghề và lao động ở các làng nghề lên gấp đôi vào năm 2015 (so với năm 2010) và đến năm 2020 tỷ trọng lao động trong các làng nghề và ngành nghề chiếm khoảng 35 đến 38% lao động của toàn huyện. Đồng thời từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các làng nghề, trong đó giá trị sản xuất của nghề và làng nghề chiếm từ 45 đến 50% trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Ngoài ra, hàng năm thu hút từ 350 đến 400 lao động mới vào làm nghề kết hợp với đào tạo nâng cao tay nghề để hình thành lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao...
Để phát triển nghề và làng nghề truyền thống huyện Quảng Điền rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành cấp tỉnh về nguồn vốn cũng như tham quan học tập kinh nghiệm. Huy động vốn cho đầu tư phát triển nghề và làng nghề, đẩy mạnh đa dạng hóa, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc hình thành các hiệp hội nghề hoặc hiệp hội làng nghề ở các địa phương, đặc biệt phát triển làng nghề của huyện Quảng Điền sẽ chú trọng kết hợp với việc phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn huyện.
Đề án phát triển nghề và làng nghề là một trong những định hướng trọng tâm của huyện Quảng Điền nhằm thực hiện chiến lược CNH, HĐH và đổi mới diện mạo nông thôn, góp phần thúc quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Ngọc Kim