Tìm kiếm tin tức

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quảng Điền được mùa tôm cá, được giá thu mua
Ngày cập nhật 04/08/2010
Mua bán thủy sản

Trong khi nhiều địa phương khác thất thu tôm, cá do dịch bệnh hoành hành thì Quảng Điền lại được mùa tôm, cá và được cả giá thu mua. Kết quả đó, ngoài những giải pháp tích cực của chính quyền địa phương, còn nhờ kinh nghiệm, bài học quý báu trong nuôi trồng thủy sản của người dân.

Ngư dân phấn khởi, chính quyền vui lây

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngư nghiệp lâu đời, anh Hoàng Đình Thuẫn ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Mấy năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên miếng cơm, manh áo của các con anh đều trông cậy vào những hồ tôm, cá nước lợ. Khi phong trào nuôi tôm sú phát triển rầm rộ ở Quảng Điền, gia đình anh cũng được một vài vụ trúng lớn. Nhưng thu không bù chi cho những vụ thất bát khi tôm bị dịch bệnh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi đối tượng nuôi của chính quyền địa phương, anh là một trong những hộ đi tiên phong trong phong trào nuôi xen ghép. Những năm đầu, kỹ thuật chưa cao, kinh nghiệm non kém, tuy không lỗ vốn nhưng lãi không đáng là bao. Sau hơn 3 năm chuyển sang nuôi xen ghép, kinh tế gia đình anh bắt đầu hồi phục. Nợ ngân hàng dần được thanh toán. So với mọi năm, năm nay, gia đình anh trúng lớn với mô hình tôm xen cá trên diện tích 1 ha. Anh Thuẫn phấn chấn: “Chúng tôi thu tỉa hàng ngày. Ít nhất cũng được vài trăm ngàn đồng. Ngày cao điểm thì được vài triệu đồng. Năm nay, giá cũng tăng hơn năm ngoái từ 20-50 ngàn đồng/kg nên người dân nơi đây rất vui”.

Gia đình anh Lê Tình ở cùng thôn cũng trúng lớn với mô hình nuôi xen ghép. Các loại đối tượng mà anh Tình chọn nuôi là tôm sú, cá kình, cua. Trong đó, loại đem lại nguồn thu cao nhất cho gia đình anh là cá kình. Khác với mọi năm, nhờ thời tiết thuận lợi, cá kình nhanh lớn, ít tốn công chăm sóc nên lãi cao. Bình quân mỗi ngày, 1 ha diện tích nuôi cá kình xen ghép tôm, cua đem lại thu nhập hơn 2 triệu đồng. Tuy mới thu hoạch hơn 70% nhưng gia đình anh lãi hơn 30 triệu đồng.

Những năm trước, khi nuôi tôm thua lỗ, về Quảng Điền trong mùa thu hoạch nhưng trên những hồ tôm, đồng ruộng không một bóng tư thương. Bây giờ, mới tờ mờ sáng, trên đường những đoàn xe máy, xe tải đầy ắp tôm cá, nối đuôi nhau tỏa ra các ngã đường về thành phố. Dưới cánh đồng, tiếng cười nói sảng khoái của ngư dân kéo tay lưới mỗi lúc nặng dần.

Niềm vui được mùa của ngư dân không chỉ dừng lại trên cánh đồng, ngõ xóm. Nó còn lan tỏa tới các cơ quan ban ngành cấp xã, huyện, trở thành vấn đề thời sự được nhiều người bàn tán trong giờ giải lao ở các cuộc họp hay những buổi trà dư tửu hậu. Đặc biệt, trong kỳ họp thứ 14, HĐND huyện Quảng Điền khóa VIII mới đây, sau khi báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của huyện Quảng Điền, đồng chí Cao Xuân Phụ, Chủ tịch UBND huyện không quên nhấn mạnh: “Năm nay, bà con ngư dân trên địa bàn rất phấn khởi vì thủy sản được mùa”. Hôm ấy, hầu như gương mặt của đại biểu nào cũng lộ niềm vui.

Chủ trương hay, kinh nghiệm tốt

Có thể nói, đây là năm được mùa thủy sản nhất sau khi Quảng Điền thực hiện chủ trương chuyển đổi đối tượng nuôi. Theo đó, các địa phương thực hiện tốt chủ trương như Quảng Phước, Quảng Công, Quảng Lợi, thị trấn Sịa đều trúng lớn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến đầu tháng 7, sản lượng tôm sú thu hoạch trên địa bàn huyện Quảng Điền đạt hơn 28 tấn, cua hơn 20 tấn, cá kình 26 tấn, cá chẽm 5,6 tấn.... So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thu hoạch cao hơn từ 10-20%. Cùng với tăng sản lượng, giá thu mua các loại thủy sản cũng tăng đáng kể. Hiện, 1kg tôm sú có giá 135 ngàn đồng, loại 40 con/kg, cao hơn năm trước 50 ngàn đồng/kg; cá kình 70 ngàn đồng/kg, loại 40 con/kg, cao hơn năm trước 20 ngàn đồng/kg; cá dìa 110-130 ngàn đồng/kg, cao hơn 30-50 ngàn đồng/kg so với trước;....

Kết quả đó có được trước tiên phải kể đến chủ trương đúng đắn của huyện Quảng Điền. Ngoài chuyển đổi đối tượng nuôi, huyện Quảng Điền còn tổ chức quy hoạch vùng nuôi, chú trọng khâu kỹ thuật trong chăm sóc, xử lý dịch bệnh. Năm nay, Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ về tận cơ sở, từng vùng nuôi cụ thể để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ngư dân. Khi bệnh đầu vàng, đốm trắng ở tôm xuất hiện tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, cán bộ, kỹ sư Phòng NN&PTNT Quảng Điền phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường, tuyên truyền, túc trực tại các hồ nuôi tôm, kịp thời xử lý dịch bệnh. Nhờ vậy, dịch bệnh ở tôm được khống chế, không lây lan trên diện rộng. Một yếu tố khác góp phần cho thành công vụ nuôi năm nay là chất lượng con giống được đảm bảo. Thay vì thả nổi như mọi năm, người dân và các cơ quan chức năng chủ động chọn nguồn giống đã qua kiểm dịch, có xuất xứ rõ ràng.

Song, nói đến thắng lợi của vụ nuôi mà không kể đến vai trò của ngư dân thì quả là thiếu sót. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT thừa nhận: “Ý thức của người nuôi cao hơn trước rất nhiều. Bây giờ không có chuyện Nhà nước cấm nuôi chuyên tôm mà ngư dân lén thả. Bài học từ những vụ tôm thất bại đã thức tỉnh nhiều người. Bởi vậy, mà hiện nay 100% diện tích nuôi trồng đều nuôi xen ghép. Hơn nữa, kinh nghiệm từ nuôi tôm cho thấy, nuôi xen ghép vừa an toàn, hiệu quả cao, ít dịch bệnh lại cải thiện được môi trường, ít tốn công chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu cũng như thức ăn không lớn. Do vậy, khi có chủ trương nuôi xen ghép, 100% bà con ngư dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Ý Đảng hợp lòng dân, nên ngành nuôi trồng thủy sản Quảng Điền gặt hái thành công như vụ nuôi năm nay là điều dễ hiểu”.

Tâm Huệ (Báo Thừa Thiên Huế)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 18.305.141
Truy câp hiện tại 6.343